Dân Việt

Sự thật Putin đang chơi ván cờ gì với Ukraine?

Tuấn Anh (Theo Alzaeera) 05/12/2021 10:00 GMT+7
Các chuyên gia đang bị chia rẽ về những dự đoán liệu Nga có đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công Ukraine sắp xảy ra hay chỉ đơn thuần là cố gắng giành chiến thắng về địa chính trị?
Sự thật Putin đang chơi ván cờ gì với Ukraine? - Ảnh 1.

Các chuyên gia đang có những quan điểm khác nhau khi dự đoán về kế hoạch thực sự của ông Putin đối với Ukraine. Ảnh TheSun

Ngày 4/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã bác bỏ thông tin mà truyền thông Mỹ đăng tải về kế hoạch tấn công Ukraine. Tờ Kommersant dẫn lời bà Zakharova nêu rõ Mỹ đang thực hiện một chiến dịch đặc biệt nhằm làm trầm trọng tình hình xung quanh Ukraine.

Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra sau khi trước đó cùng ngày tờ Washington Post dẫn lời các quan chức và một tài liệu của tình báo Mỹ cho rằng Nga có thể lên kế hoạch tấn công toàn diện nhằm vào Ukraine sớm nhất vào đầu năm sau, với sự tham gia của 175.000 quân.

Trước đó, ngày 1/12, Nga thông báo đã bắt đầu các cuộc tập trận quân sự mùa Đông thường xuyên tại khu vực giáp biên giới với Ukraine, miền Nam nước này, với sự tham gia của 10.000 binh sỹ.

Mặc dù Nga nhiều lần lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, nhưng giới chuyên gia vẫn không ngừng dự đoán và đưa ra phân tích các kịch bản.

Ihor Romanenko, một trung tướng đã nghỉ hưu và cựu phó tổng tham mưu trưởng Ukraine nói với Al Jazeera rằng, sớm nhất là vào tháng Giêng, điện Kremlin có thể mở ra một cuộc chiến "ngắn gọn và thắng lợi" đối với Ukraine.

Chuyên gia Romanenko cho rằng, cuộc tấn công sẽ không chỉ liên quan đến hàng chục nghìn quân nhân Nga hiện được triển khai tới biên giới với Ukraine  mà còn có thể bao gồm cả từ phía Belarus và từ Transdnistria, một khu vực ly khai, thân Moscow hoặc từ Moldova, trải dài qua biên giới phía tây nam của Ukraine.

"Cách hiệu quả nhất là bắt đầu hành động quân sự đồng thời từ tất cả các bên," Romanenko nói với Al Jazeera. Các quan chức Ukraine nói rằng Nga đã điều tới 115.000 quân gần biên giới Ukraine trong những tuần gần đây.

Kịch bản nào?

Theo Romanenko, cũng có thể có những "hành động khiêu khích" trong nước liên quan đến các nhà tài phiệt Ukraine, các chính trị gia ủng hộ Điện Kremlin và một số lượng lớn người Ukraine nói tiếng Nga ở phía đông và nam Ukraine.

Tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tuyên bố rằng nhà tài phiệt giàu nhất Ukraine là Rinat Akhmetov đã "bị lôi kéo" vào một cuộc đảo chính bị cáo buộc nhằm lật đổ chính phủ. Sau đó ông Akhmetov đã bác bỏ các cáo buộc.

Dự đoán về kịch bản cuộc tấn công, ông Romanenko cho rằng, nếu một cuộc xung đột nghiêm trọng nổ ra, 1/3 Ukraine sẽ bị ảnh hưởng - và chiến tranh sẽ phải diễn ra nhanh chóng, không quá một tháng, để tránh sự bất mãn của công chúng ở Nga.

Và mặc dù nhiều quốc gia phương Tây cam kết giúp Ukraine trang bị vũ khí, nhưng người Ukraine "hiểu rằng sẽ không có ai chiến đấu vì chúng tôi", Romanenko kết luận.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cảnh báo Moscow về "những chi phí và hậu quả nghiêm trọng" sau cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov tại Thụy Điển ngày 3/12.

Ông cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể gặp Tổng thống Nga Putin trong tương lai gần nhất để "nói chuyện trực tiếp".

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên  và duy nhất cho đến nay giữa hai ông Biden - Putin diễn ra vào tháng 6, chưa đầy hai tháng sau khi Nga thu hẹp lại lượng quân trước đó hơn 100.000 quân ở biên giới Ukraine.

Nhưng vài tháng sau, nỗi lo sợ của phương Tây và Ukraine về sự "xâm lược" của Nga lại trỗi dậy.

Vào cuối tháng 11, tình báo Mỹ đã cảnh báo các đối tác Liên minh châu Âu của họ về khả năng Nga "đẩy nhanh, quy mô lớn" vào Ukraine từ nhiều địa điểm, Bloomberg đưa tin. Điện Kremlin đã bác bỏ các tuyên bố.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov nói với các phóng viên vào ngày 21/11 rằng, những cáo buộc nói Nga xâm lược Ukraine là "sự cuồng loạn, không hợp lý và không đàng hoàng".

Các nhà quan sát ủng hộ Điện Kremlin cho rằng "sự cuồng loạn" này giúp tổng thống Ukraine vượt qua xếp hạng tín nhiệm.

Chuyên gia Dmitry Perlin nói với Đài Sputnik ngày 3/12 rằng: "Bằng cách khơi dậy nỗi sợ hãi, nhóm của Tổng thống Zelensky đang cố gắng có thêm nguồn lực để chống lại phe đối lập, những người bất đồng chính kiến, đồng thời nói thêm rằng Ukraine "phải suy nghĩ kỹ lưỡng, thậm chí gấp ba lần trước khi đưa ra quyết định quân sự" để chống lại Nga.

Sự thật Putin đang chơi ván cờ gì với Ukraine? - Ảnh 2.

Tổng thống Nga Putin cảnh báo NATO về lằn ranh đỏ, đồng thời cho biết Nga không có kế hoạch tấn công Ukraine. Ảnh Reuters

Chỉ là chơi chiêu?

Các chuyên gia khác không đồng ý với kịch bản xâm lược và cho rằng Putin đơn giản đang chơi chiêu để buộc phương Tây - đặc biệt là Mỹ - phải chú ý hơn đến các yêu cầu của ông.

Nhà phân tích Aleksey Kushch có trụ sở tại Kiev nói với Al Jazeera rằng: "Chúng tôi không nói về một cuộc xâm lược mà nói về sự lôi kéo địa chính trị nhằm đạt được những điều quan trọng để buộc phương Tây bắt đầu các cuộc đàm phán mới với Nga".

Moscow coi mối quan hệ của mình với Ukraine là một phần của cuộc đối đầu rộng lớn hơn, theo hình xoắn ốc với phương Tây - và sự mở rộng về phía đông của NATO tới sân sau cũ của Nga.

"Nga nói về lằn ranh đỏ, nhưng ám chỉ sự đảm bảo của phương Tây về việc không triển khai quân đội và vũ khí ở Ukraine, tương đương với việc thừa nhận rằng Ukraine là khu vực đặc biệt, nếu không muốn nói là gắn liền lợi ích của Nga", Pavel Luzin, một người Nga- nhà phân tích quốc phòng của Jamestown Foundation, một tổ chức tư vấn ở Washington, DC, nói với Al Jazeera.

Putin tuyên bố phương Tây phớt lờ "lằn ranh đỏ" của Nga bằng cách tổ chức các cuộc tập trận ở Biển Đen. Putin đã yêu cầu "đảm bảo pháp lý" rằng NATO sẽ không kết nạp Ukraine là một thành viên.

"Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép các lãnh thổ lịch sử của chúng tôi và những người gần gũi với chúng tôi sống ở đó bị lợi dụng để chống lại Nga", Putin viết trong một bài báo gây tranh cãi vào tháng 7, nhắc lại tuyên bố của ông rằng người Nga và người Ukraine là "một dân tộc".

Nền kinh tế bị đè bẹp?

Nếu một cuộc xâm lược xảy ra, phương Tây chắc chắn sẽ giáng đòn trừng phạt lên Nga - và cả hai động thái đều sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Nga.

Bình luận về việc này, Nikolay Mitrokhin của Đức Đại học Bremen cho rằng, nếu Nga thực sự có kế hoạch tấn công Ukraine thì đây sẽ là "hành động tự sát" vì Mỹ và EU sẽ ngừng mua hydrocacbon và phân bón của Nga và sẽ từ bỏ Nord Stream 2, một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên hoàn toàn mới đến Đức đang chờ chứng nhận,

Nga sẽ mất 2/3 doanh thu ngoại thương, trong khi các công ty năng lượng của Mỹ sẽ phục hồi các dự án dầu đá phiến và khí đốt tự nhiên hóa lỏng để bù đắp cho lượng xuất khẩu bị mất từ Nga, ông nói.

Một yếu tố quan trọng khác nữa đó là sự hồi sinh sức mạnh quân sự của Ukraine. 7 năm sau khi cuộc chiến tranh chống lại phe ly khai bùng phát từ năm 2014, quân đội Ukraine đã được huấn luyện chiến đấu và được trang bị vũ khí tốt hơn, được sản xuất trong nước hoặc do phương Tây hoặc Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp. Đó cũng là lý do để Moscow lo ngại, ông Mitrokhin nói.