Sáng nay, 7/12, Kỳ họp thứ 3 HĐND TP.Hà Nội khóa XVI sẽ khai mạc, dự kiến thảo luận, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng về chiến lược phòng chống, thích ứng an toàn với dịch bệnh trong thời kỳ mới.
Đây là kỳ họp thường kỳ cuối năm, dự kiến diễn ra từ ngày 7 đến 10/12; xem xét, thông qua 42 nội dung, gồm 22 báo cáo, 20 tờ trình, dự thảo nghị quyết.
Đáng lưu ý, kỳ họp xem xét nhiều nghị quyết chuyên đề liên quan đến đời sống dân sinh, cử tri quan tâm như: Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025;
Quy định một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của thành phố; quy định về giá dịch vụ giá xét nghiệm SARS-CoV-2 (chưa bao gồm sinh phẩm xét nghiệm) không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước thuộc thành phố…
Đặc biệt, HĐND TP.Hà Nội sẽ xem xét, quyết định nội dung, mức chi đặc thù thuộc thẩm quyền của HĐND TP (gồm 12 nội dung) như: Chế độ hỗ trợ đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND và công chức phường nghỉ công tác do thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội;
Quy định mức hỗ trợ thường xuyên đối với các chức danh đội trưởng, đội phó Đội dân phòng tại thôn, tổ dân phố trên địa bàn TP; quy định mức chi hỗ trợ đối với Ban thanh tra nhân dân…
Kỳ họp này, HĐND TP.Hà Nội cũng dành 1 ngày để tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn (truyền hình trực tiếp) về 2 nhóm vấn đề: Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố; thúc đẩy, thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.
Ngoài lãnh đạo các sở, ngành, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng sẽ trả lời chất vấn của các đại biểu.
Theo tờ trình của Sở Nội vụ Hà Nội gửi UBND TP, từ đầu tháng 7/2021, khi Hà Nội thí điểm chính quyền đô thị, không tổ chức HĐND ở cấp phường, các quận và thị xã Sơn Tây đã sắp xếp Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND chuyển sang giữ chức danh khác, một số người được tiếp nhận vào công chức không qua thi.
Theo đó, có 58 người là Chủ tịch HĐND, Phó chủ tịch HĐND, UBND các phường trên địa bàn nghỉ hoặc chuyển công tác. Trong đó có 25 người (12 Chủ tịch HĐND, 12 Phó chủ tịch HĐND và 1 Phó chủ tịch UBND phường) phải nghỉ công tác do không được tái bổ nhiệm, không đủ điều kiện để bổ nhiệm hoặc chuyển thành công chức phường.
TP.Hà Nội đề xuất hỗ trợ 3 tháng tiền lương mỗi người đối với 25 trường hợp nêu trên. Mức lương hiện hưởng bao gồm: Lương theo hệ số cấp, phục cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Tổng kinh phí dự kiến hơn 450 triệu đồng. Các trường hợp không được hỗ trợ là những người đã nghỉ trước 1/7/2021, do đến tuổi nghỉ hưu theo quy định, xin nghỉ theo nguyện vọng cá nhân, nghỉ do buộc thôi việc, bị kỷ luật...
Liên quan đến nội dung phòng, chống dịch Covid-19, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu HĐND TP.Hà Nội, đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, kỳ họp thứ 3 của HĐND TP.Hà Nội có nhiều ý nghĩa quan trọng. Bên cạnh việc là Kỳ họp HĐND TP cuối cùng của năm 2021 còn là thời điểm Hà Nội xác định rõ lộ trình phục hồi, phát triển kinh tế hậu đại dịch.
Bà An nhấn mạnh, Hà Nội đã có nhiều thành tựu lớn trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Đơn cử điều này thể hiện ở chỗ, với đặc thù địa phương có mật độ dân cư đông, trung tâm giao thương, kinh tế, tỷ lệ lây nhiễm, tử vong được duy trì ở ngưỡng an toàn.
Nữ PGS.TS cũng lưu ý, diễn biến dịch Covid-19 hiện tại rất khó đoán biết với sự xuất hiện của biến chủng Omicron. Cùng với đó, cả nước đang bước vào giai đoạn thích ứng an toàn, số ca nhiễm ở Hà Nội nhiều khả năng tăng nhanh và có thể tiếp tục phức tạp trong năm 2022.
"Kỳ họp HĐND TP lần này là thời điểm để chính quyền Hà Nội làm rõ những điểm chưa được, những cái còn khó khăn. Tôi cho rằng năm 2022, nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 vẫn phải được chính quyền Thủ đô đặt lên hàng đầu và sức khỏe, tính mạng của người dân vẫn là ưu tiên số 1", bà An nói.