Dân Việt

Vì sao Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương quá tải điều trị người cao tuổi nhiễm Covid-19 nặng?

Gia Khiêm 08/12/2021 11:57 GMT+7
Bằng kinh nghiệm đã tham gia chống dịch Covid-19 ở phía Nam thời gian vừa qua, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đã lý giải và cảnh báo từ việc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương quá tải điều trị người cao tuổi nhiễm Covid-19 nặng.

Ngày 7/12, bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, (Đông Anh, Hà Nội) thông tin, từ nhiều tuần qua, Khoa Cấp cứu đã phải hoạt động tối đa công suất vì số lượng bệnh nhân nhiễm Covid-19 gia tăng nhanh.

Đáng chú ý, trong 2 tuần gần nhất, số lượng này đã tăng lên gấp đôi và có xu hướng tiếp tục gia tăng gây quá tải. Tình trạng nặng đến nguy kịch nhiều hơn, tập trung ở người cao tuổi. Hầu hết các trường hợp mà khoa tiếp nhận đang có xu hướng phải can thiệp tích cực như đặt ống thở máy, lọc máu, điều trị bệnh lý nền.

Vì sao Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương quá tải người cao tuổi nhiễm Covid-19 nặng? - Ảnh 1.

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ quá tải, nhiều F0 trở nặng nguy kịch. Ảnh: BVCC

Liên quan đến vấn đề này, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương để hiểu rõ nguyên nhân vì sao số ca mắc chủ yếu người cao tuổi tăng cao? Cần làm gì để bảo vệ những đối tượng này trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có xu hướng bùng phát mạnh?

Thưa ông, nhiều ngày qua tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 rơi vào tình trạng quá tải bởi số lượng bệnh nhân tăng, tình trạng nặng đến nguy kịch nhiều hơn, tập trung ở người cao tuổi. Vậy nguyên nhân cụ thể do đâu?

- Câu chuyện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương quá tải trong điều kiện tình hình mới mà mục tiêu của Bộ Y tế giảm thiểu tối đa bệnh nhân tử vong, muốn giảm thiểu tối đa tử vong thì phải giảm thiểu tối đa chuyển nặng. Cụ thể theo nguyên tắc "3 không" (tức không mắc, nếu mắc không chuyển nặng, nếu chuyển nặng không tử vong). Với phương châm như thế, hiện tượng quá tải Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thể hiện chúng ta làm có thể chưa tốt.

Vì sao Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương quá tải người cao tuổi nhiễm Covid-19 nặng? - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: NVCC

Điều đó thể hiện ở chỗ số người vào viện quá tải chủ yếu những người tuổi cao, người có bệnh nền, đặc biệt người chưa tiêm vaccine. Ngay tại Đồng Nai, chúng tôi theo dõi bằng số liệu cụ thể cũng thể hiện rõ điều đó. Ví dụ, người bệnh tử vong có mắc Covid-19 chưa tiêm vaccine đủ 2 mũi chiếm đến trên 60%, tiêm 1 mũi chiếm gần 20%.

Như vậy, số tiêm rồi mắc và tử vong chỉ có khoảng 20%. Vaccine có vai trò giảm mắc, giảm chuyển nặng và giảm tử vong cần được tiêm hết cho người nguy cơ chuyển nặng cao, nguy cơ tử vong cao, điều này chúng ta làm chưa tốt ở nhiều địa phương. Chưa tốt bởi lẽ ngay từ tuyến y tế xã phường số người tuổi cao, bệnh nền… ngay từ y tế xã phường không tiêm vì sợ tai biến vaccine.

Nếu không tiêm vaccine được cho những trường hợp này phải chỉ định các bệnh viện thực hiện tiêm, hoặc cử các đội tiêm chủng của các bệnh viện xuống cơ sở hỗ trợ tiêm vét toàn bộ số người tuổi trên 50, có bệnh nền. Vì vậy, các địa phương vẫn chưa chú ý bao phủ 100% vaccine cho những người có nguy cơ cao (người trên 50 tuổi, người có bệnh nền). Các địa phương phải rà soát thật kỹ, có thể nói nhiều nơi làm chưa tốt việc này.

Theo ông, việc điều trị cho bệnh nhân F0 cần những yếu tố quan trọng nào để tránh tình trạng bệnh diễn biến nặng, giảm nguy cơ tử vong đặc biệt tại các tuyến bệnh viện trung ương? 

- Theo tôi, có nhiều địa phương báo lượng người tiêm bao phủ vaccine đạt 70-80% nhưng số cần bảo vệ nhất đó là người cao tuổi, người mắc bệnh nền chúng ta chưa tiêm vaccine đầy đủ.

Vì sao Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương quá tải người cao tuổi nhiễm Covid-19 nặng? - Ảnh 3.

Đội ngũ y bác sĩ nỗ lực điều trị cho người bệnh trong tình hình Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang quá tải. Ảnh: BVCC

Điểm thứ 2 cần lưu ý đó là củng cố y tế cơ sở để nếu mắc có cao đi nữa chúng ta vẫn phải làm tốt việc chăm sóc để người bệnh không hoảng loạn. Có 4 yếu tố cụ thể tiên quyết đó là: Tư vấn tâm lý có kết nối với y tế, chế độ dinh dưỡng, hướng dẫn tập luyện và thuốc. 

Hiện có thuốc kháng virus điều trị cộng đồng có kiểm soát, các tỉnh đều được tiếp cận. Các tỉnh có trách nhiệm liên hệ với Bộ Y tế để bệnh nhân của mình tiếp cận với thuốc kháng virus sớm nhất. Nếu làm được như vậy bệnh nhân sẽ không chuyển nặng và giảm nguy cơ lây nhiễm rất nhiều. Đương nhiên, ngoài ra để giảm lây nhiễm cần phải làm những biện pháp 5K, giám sát, ngăn chặn những ổ dịch để tránh bùng phát.

Tôi nhấn mạnh việc tiêm vaccine, chăm sóc y tế cơ sở, nếu chúng ta làm không tốt thì đương nhiên sẽ quá tải tuyến trên. Đừng xem trạm y tế cơ sở chỉ có nhân viên y tế mà rất cần nhiều người hỗ trợ.

Theo thống kê của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, hiện cả nước có hơn 1 triệu người từng mắc Covid-19 đã được chữa khỏi. Theo ông,  có cần thiết huy động nguồn lực này cùng chung tay vào công cuộc phòng chống dịch để các cơ sở không bị quá tải?

- Hiện khó khăn nhất là số cán bộ y tế cơ sở không thể làm hết được các công việc theo hướng dẫn của Bộ Y tế, vì vậy cần phải có lực lượng hỗ trợ. Cụ thể, kết nối thông tin đâu phải chỉ mỗi cán bộ y tế làm, hiện có lực lượng có tiềm năng rất lớn đó là những người đã từng điều trị Covid-19 khỏi. 

Cần huy động những người này và mọi người nên có trách nhiệm cùng y tế cơ sở chăm sóc cho những người mới mắc. Đó là nghĩa vụ cộng đồng rất tốt và ý nghĩa. Hội đồng nhân dân các tỉnh nên rà soát, chi một số ngân sách để hỗ trợ đối tượng tình nguyện chăm sóc, điều trị F0 tại nhà. 

Số này chính là số F0 đã từng điều trị, họ biết việc điều trị vượt qua thế nào. Từ đó, họ sẽ truyền đạt lại kinh nghiệm của mình cho F0 mới mắc, hỗ trợ F0 khi cần thiết. Đó là một xu hướng tôi cho rằng rất quan trọng. Tôi muốn khuyến cáo tất cả các địa phương nên rà soát và triển khai việc này thực sự hiệu quả, không hô khẩu hiệu mà làm, làm và làm.

Ông vừa nói đến việc Hội đồng nhân dân các cấp nên dành ngân sách cho những người từng mắc Covid-19 được chữa khỏi và tình nguyện tham gia hỗ trợ những người. Xin ông giải thích rõ hơn về việc này?

- Theo tôi, Hội đồng nhân dân các cấp nên có ngân sách để huy động, hỗ trợ cho y tế cơ sở cả về vật chất và tinh thần để mọi người làm được việc. Nhiều nơi đang yêu cầu y tế cơ sở làm đủ thứ việc trong khi lực lượng mỏng, mức lương của họ không được là bao, ghi nhận của cộng đồng xã hội cũng như chính quyền các cấp. 

Câu chuyện TP.HCM hàng nghìn nhân viên y tế xin thôi việc không phải vì họ không yêu nghề, không phải họ không có tâm mà do họ không đủ mức thu nhập để trang trải cho cuộc sống, gia đình. Với họ nếu 6 tháng hoặc 1 năm cố gắng thì được chứ cố lâu dài quá sẽ mệt mỏi. 

Giờ giảm tải bằng cách huy động những người từng mắc Covid-19 đã được chữa khỏi tình nguyện tham gia cùng hệ thống y tế cơ sở làm. Mô hình trạm y tế lưu động chỉ toàn nhân viên y tế, tôi rất muốn dùng từ "tổ Covid cộng đồng". Nói đến tổ Covid cộng đồng có nghĩa rất rộng, ai cũng có nghĩa vụ tham gia. 

Nơi đó, cán bộ y tế là nòng cốt, chỉ huy, còn lại nhiều người cùng tham gia để làm sao tổ Covid cộng đồng giúp đỡ được cho tất cả F0 điều trị 4 "món": Tâm lý phải được tư vấn tốt, không hoảng loạn; tập luyện; dinh dưỡng đầy đủ; thuốc (hạ sốt, dự phòng chống đông máu, kháng virus) thì sẽ giải quyết được quá tải của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cũng như các bệnh viện trung ương khác.

Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ thẳng thắn từ ông!

Trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cho biết, trường hợp người cao tuổi nhiễm Covid-19 việc điều trị giống như các bệnh nhân khác nhưng họ có bệnh lý nền nên cần chăm sóc tích cực hơn.

"Đa phần người già có một số trường hợp bị lú lẫn, việc chăm sóc vất vả hơn. Chúng tôi khuyến cáo để giảm tải trường hợp lây nhiễm đặc biệt cho người cao tuổi, người thân nên đưa đi tiêm vaccine. Trường hợp già yếu con cháu bế đi tiêm vaccine. Con cháu ở xa về hạn chế thăm nom tránh nguy cơ cho người già, dịch phức tạp người già cần bảo vệ nên việc tiếp xúc khó tránh khỏi", bác sĩ Bắc thông tin.