1. Hoạt động ngoài trời: Các nghiên cứu cho thấy mùi hương thiên nhiên, ví dụ mùi cỏ, hoa oải hương, có thể thúc đẩy tâm trạng của trẻ. Vì thế, cha mẹ nên khuyến khích con đọc sách, làm bài tập và vui chơi ngoài trời nhiều hơn. Các hoạt động ngoài trời cũng giúp trẻ cải thiện kỹ năng xã hội. Một nghiên cứu năm 2017 được công bố trên Journal of Science and Medicine in Sport cho thấy trẻ vui chơi ngoài trời nhiều giúp tăng các kỹ năng xã hội như đồng cảm, gắn kết và tự chủ. Một nghiên cứu khác cũng cho hay những đứa trẻ có kỹ năng xã hội tốt sẽ học tập tốt hơn, ít mắc béo phì. Ảnh: Curious World.
2. Hạn chế dùng thiết bị điện tử: Trẻ thường vui vẻ khi được dùng điện thoại, máy tính bảng. Thực tế, sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều có hại cho sức khỏe tâm lý của các bé. Một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên tạp chí Emotion cho rằng những thanh, thiếu niên dành ít thời gian dùng thiết bị điện tử và nhiều thời gian cho các hoạt động thể thao thường hạnh phúc hơn. Cha mẹ nên thiết lập giới hạn rõ ràng về thời gian dùng điện thoại, máy tính của con, đồng thời khuyến khích chúng vận động, đọc sách nhiều hơn. Ảnh: Allband Communications.
3. Bày tỏ lòng biết ơn: Trẻ sẽ trở nên hạnh phúc, khỏe mạnh hơn nếu các em thường xuyên bày tỏ lòng biết ơn với người khác. Tuy nhiên, cha mẹ nên nhớ rằng lời cảm ơn chân thành và lời cảm ơn ép buộc có ý nghĩa và tác động khác nhau. Bạn có thể làm gương để trẻ hiểu những trường hợp nào nên nói lời cảm ơn, từ đó hình thành thói quen tốt. Điều này sẽ giúp con bạn học cách tìm kiếm những điều các bé biết ơn trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, bạn có thể khuyến khích con viết thư cảm ơn cho những người đã giúp các em trong cuộc sống, ví dụ giáo viên, bạn bè, hàng xóm. Ảnh: BabyCenter.
4. Học cách tự chủ: Ăn thêm một cây kẹo, bỏ qua bài tập để một tập phim hoạt hình có thể mang lại niềm vui nhất thời cho trẻ. Tuy nhiên, sự thiếu tự chủ kéo dài có thể gây hại cho các bé. Một nghiên cứu năm 2014 được công bố trên Journal of Personality thông tin rằng những người có khả năng tự chủ thường có tâm trạng tốt hơn. Về cơ bản, họ biết cách để bản thân hạnh phúc. Vì thế, cha mẹ cần dạy con kỹ năng tự chủ ngay từ bé, bắt đầu từ điều đơn giản như tự giác hạn chế việc ăn kẹo, xem tivi... Ảnh: Radio Network.
5. Được đặt kỳ vọng hợp lý: Nghiên cứu năm 2010 của Đại học Brown (Mỹ) và Đại học California, Berkeley (Mỹ) cho thấy khi cha mẹ đặt kỳ vọng vào việc học của con, trẻ sẽ cố gắng và kiên trì lâu hơn khi gặp những nhiệm vụ khó. Tuy nhiên, điều quan trọng là cha mẹ không nên đặt kỳ vọng quá cao và đòi hỏi sự hoàn hảo. Khi sự kỳ vọng đi quá giới hạn, chúng sẽ phản tác dụng. Trẻ dễ mắc các vấn đề về sức khỏe và tâm lý. Các em cũng sẽ từ bỏ những mục tiêu nếu cảm thấy tiêu chuẩn cha mẹ đặt ra quá cao. Ảnh: Star Academy Kids.
6. Làm việc nhà: Ban đầu, trẻ có thể không vui khi phải làm việc nhà. Tuy nhiên, đây là một trong những mấu chốt giúp trẻ có được niềm hạnh phúc lâu dài. Những đứa trẻ thường xuyên làm việc nhà sẽ cảm thấy các em đang hết mình cho gia đình và gắn kết hơn với thành viên khác. Những cảm giác kết nối này sẽ giúp các em vững vàng hơn khi gặp khó khăn. Việc nhà cũng giúp trẻ có thêm nhiều bài học về cuộc sống, ví dụ trách nhiệm và sự cảm thông. Các bé cũng kiên trì hơn khi đối mặt sự thất vọng hoặc công việc nhàm chán. Ảnh: Tinybeans.
7. Dùng bữa cùng gia đình: Nếu muốn nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc, cha mẹ nên dành thời gian dùng bữa cùng con. Một nghiên cứu đăng trên Journal of Paediatrics and Child Health cho thấy tần suất dùng bữa của các gia đình có liên quan mật thiết đến tâm trạng của thanh, thiếu niên. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng trẻ thường xuyên dùng bữa cùng gia đình có quan điểm tích cực hơn về tương lai. Ngoài ra, bữa ăn gia đình giúp trẻ có sức khỏe tốt hơn, ít bị thừa cân hoặc mắc chứng rối loạn ăn uống. Các em cũng ít có nguy cơ lạm dụng chất kích thích hoặc có vấn đề về hành vi. Ảnh: ACTIVEkids.