Từ ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực. Theo đó, quy định tính phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng rác mà hộ gia đình, cá nhân xả ra cũng sẽ được áp dụng.
Tại Khoản 1 Điều 79 về chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt như sau:
1. Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo căn cứ sau đây:
a) Phù hợp với quy định của pháp luật về giá;
b) Dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại;
c) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.
Theo quy định, giá thu gom rác được tính dựa vào "khối lượng, "thể tích" rác thải sau khi được phân loại.
Hiện nay, mức giá thu gom rác đang được tính bình quân theo đầu người.
Việc tính phí rác thải theo khối lượng rác xả ra được cho là đảm bảo công bằng và giúp hạn chế rác thải sinh hoạt, giảm áp lực cho các hệ thống xử lý rác cũng như góp phần bảo vệ môi trường sống.
Tuy nhiên, khoản 7 Điều 79 của Luật này cũng chỉ rõ: "Quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 1 Điều 75 của Luật này phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2024".
Nghĩa là quy định tính phí rác thải theo khối lượng có thể được áp dụng tùy từng địa phương và ở các thời điểm khác nhau. Thời gian thực hiện từ ngày 1/1/2022 và chậm nhất là ngày 31/12/2024.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định về việc phân loại rác là nếu như không phân loại rác thải sinh hoạt theo đúng quy định sẽ bị từ chối thu gom, vận chuyển rác.
Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 77 của Luật Bảo vệ môi trường 2020 nêu rõ:
Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật […]
Vì vậy, các hộ gia đình, cá nhân bắt buộc phải thực hiện phân loại rác thải, nếu không sẽ bị từ chối thu gom, thậm chí còn bị báo với cơ quan có thẩm quyền và bị xử lý theo quy định.
Theo khoản 1 Điều 75 của Luật này, chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại như sau:
- Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế.
- Chất thải thực phẩm.
- Chất thải rắn sinh hoạt khác.
Theo khoản 4 Điều 20 của Nghị định 155/2016/NĐ-CP, hành vi không phân loại rác theo quy định sẽ bị xử phạt từ 15 triệu đồng - 20 triệu đồng.