Dân Việt

Bằng chứng rõ nhất về hình phạt đóng đinh rùng rợn thời La Mã cổ đại

Minh Tuấn 11/12/2021 10:31 GMT+7
Được tìm thấy tại khu phát triển nhà ở thuộc Cambridgeshire, bộ hài cốt có niên đại khoảng 1.900 năm tuổi thoạt đầu không có vẻ gì là đặc biệt trước khi giới chuyên phát hiện ra bí mật đen tối bị chôn vùi trong quá khứ.
Bằng chứng rõ nhất về hình phạt đóng đinh rùng rợn thời La Mã cổ đại - Ảnh 1.

Người đàn ông khoảng 25 - 35 tuổi tại thời điểm chết. Ảnh The Guardian.

Ở độ tuổi 25 đến 35 tại thời điểm chết, người đàn ông này được chôn cất với cánh tay đặt ngang ngực trong một ngôi mộ có cấu trúc bằng gỗ, được tìm thấy tại 1 trong 5 nghĩa trang xung quanh khu định cư của người La Mã mới được phát hiện tại Fenstanton, nằm giữa Roman Cambridge và Godmanchester.

Điều đáng chú ý là khi hài cốt của ông được chuyển đến phòng thí nghiệm ở Bedford, các chuyên gia đã phát hiện ra một sự thật kinh hoàng trong quá trình nghiên cứu - một chiếc đinh đâm xuyên qua xương gót chân - dấu vết rõ ràng nhất minh chứng cho hình phạt đóng đinh trong kỷ nguyên La Mã cổ đại.

Những chiếc đinh được sử dụng để hành quyết nạn nhân đang trong tình trạng bị trói chặt hoặc đóng đinh vào một thanh gỗ lớn và treo họ trong nhiều ngày cho đến khi chết - là một điều hiếm thấy.

Lý do bởi vì rất có thể nạn nhân thường không được chôn cất đàng hoàng hoặc đơn giản là vì hình thức treo cổ phổ biến hơn.

Bằng chứng rõ nhất về hình phạt đóng đinh rùng rợn thời La Mã cổ đại - Ảnh 2.

Cuộc khai quật được thực hiện do yêu cầu cải tạo đất đai nhằm phát triển nhà ở tại khu vực này. Ảnh The Guardian.

Phát hiện này mang tính đột phá hơn tất thảy bởi vì thi thể của nạn nhân bị đóng đinh được đưa đi chôn cất cùng người “bình thường" là một điều gì đó rất hiếm.

Chuyên gia giải thích, việc đóng đinh cũng như danh tính của người bị xử tử - những nô lệ bị kết án, những kẻ nổi loạn và các tầng lớp thấp hơn, sẽ luôn được giữ kín.

Hài cốt từ thời La Mã này là trường hợp duy nhất minh chứng về hình phạt đóng đinh rùng rợn và tàn bạo ở Bắc Âu và là bằng chứng thứ tư được ghi nhận trên toàn thế giới, 2 trong số đó không có đinh trên cơ thể.

Thông qua phương pháp định tuổi bằng cacbon phóng xạ, bộ xương Fenstanton cho ra kết quả niên đại từ năm 130 đến năm 360 sau Công Nguyên, đồng nghĩa với việc người đàn ông La Mã này có tuổi đời từ 1.661 đến 1.891 năm.

Phân tích DNA cho thấy anh ta không có quan hệ máu mủ với bất kỳ thi thể nào khác được tìm thấy tại đây, và họ đều là người bản địa.

Người đàn ông trên nằm trong số loại hài cốt của 48 thi thể được tìm thấy tại Fenstanton trong quá trình khai quật, được thực hiện thông qua kế hoạch cho một dự án phát triển nhà ở hiện đã hoàn thành.

Bằng chứng rõ nhất về hình phạt đóng đinh rùng rợn thời La Mã cổ đại - Ảnh 3.

Chiếc đinh cắm xuyên qua gót chân của người đàn ông thuộc thời kỳ La Mã cổ đại. Ảnh The Guardian.

Giới chuyên gia hy vọng bản sao 3D của xương gót chân bị đóng đinh sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ học và Nhân chủng học ở Cambridge. Các phát hiện khác trong khu định cư bao gồm bằng chứng bất thường cho việc chế biến công nghiệp xương gia súc để tạo ra mỹ phẩm và xà phòng.

Cuộc khai quật diễn ra từ tháng 5 đến tháng 11/2017. Các phát hiện dự kiến sẽ được công bố vào năm 2020 nhưng đã bị trì hoãn bởi đại dịch COVID-19.