Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, sau 5 lần diễn ra Mekong Connect, đây là lần đầu tiên diễn đàn này được tổ chức tại TP.HCM, đánh dấu bước phát triển mới trong việc mở rộng liên kết vùng của Diễn đàn kinh tế lớn nhất nhì khu vực ĐBSCL.
Mekong Connect 2021 có chủ đề "Phục hồi kinh tế và liên kết phát triển trong bình thường mới" do Bộ NN&PTNT, UBND TP.HCM và Bộ KH-CN đồng chủ trì. Sở Công thương TP.HCM, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) là những đơn vị phối hợp thực hiện.
"Xuất phát từ nhu cầu trong liên kết phát triển, TP.HCM mong muốn liên kết chặt chẽ với các tỉnh ĐBSCL. Ở góc độ ĐBSCL cũng xem TP.HCM là một 'cửa ngõ' quan trọng để xuất khẩu hàng hóa ra thế giới. Vì vậy, TP.HCM rất vinh dự đăng cai tổ chức Mekong Connect 2021 và cam kết sẽ là một thành viên tích cực của diễn đàn.
Đây vừa là vinh dự, trách nhiệm và cũng là thể hiện vai trò của TP.HCM là đầu tàu kinh tế, kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam", ông Vũ nói.
Cũng theo chia sẻ của Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, diễn đàn năm nay sẽ là nơi nói đến những vấn đề mà người dân mong đợi, nói những vấn đề mà doanh nghiệp mong muốn, chia sẻ những tầm nhìn và khát vọng của các địa phương để cùng nhau hợp tác và phát triển.
"Lãnh đạo các địa phương không chia sẻ tầm nhìn cùng nhau thì khó có hiệu quả trong phát triển kinh tế. Ví dụ như TP.HCM muốn phát triển hạ tầng giao thông đến Long An mà tỉnh này không tiếp tục đầu tư nối tiếp thì cũng không hiệu quả. Hoặc ngay cách ứng xử về chống dịch Covid-19, nếu các tỉnh phản ứng khác nhau thì cũng dễ dàng bị đứt gãy chuỗi cung ứng…", ông Vũ chia sẻ.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, Mekong Connect 2021 được tổ chức dưới hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sân khấu thực tế ảo nhằm đảm bảo công tác phòng dịch.
Theo đó, ở phần trực tiếp tại Hội trường Thống Nhất (ngày 17/12), dự kiến có khoảng 250 đại biểu tham gia, gồm doanh nhân, nông dân, đại diện các hợp tác xã, lãnh đạo các bộ ngành trung ương, các nhà quản lý nhà nước TP.HCM và các tỉnh thành Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), các chuyên gia trong và ngoài nước đang làm việc tại Việt Nam,…
Tại đây, lãnh đạo đến từ các bộ ngành trung ương, TP.HCM, các diễn giả, chuyên gia... sẽ trao đổi, thảo luận sâu, gợi mở về 2 chủ đề lớn "phục hồi kinh tế" và "liên kết phát triển" trong bình thường mới giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL 2021.
Ngay sau phiên khai mạc sẽ là Diễn đàn trực tuyến về "Kinh nghiệm đầu tư vào nông nghiệp" của các doanh nhân Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia. Sau đó là chương trình giao lưu trực tiếp với các gương mặt đạt giải cao tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức.
Đặc biệt, phiên buổi chiều sẽ diễn ra cùng lúc 4 phiên thảo luận với 4 chủ đề thiết thực trong mối quan tâm, cộng hưởng mang tính gắn kết, chia sẻ giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL.
Cụ thể, 4 phiên thảo luận gồm: (1) Phát huy mạng lưới y tế cơ sở trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong hoạt động sản xuất kinh doanh. (2) Phục hồi kinh tế và chuỗi cung ứng hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL. (3) Nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp và ĐBSCL. (4) Chính sách và các vấn đề liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL.
Diễn đàn Mekong Connect là hoạt động thường niên do lãnh đạo 4 địa phương ABCD (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) khởi xướng cùng với Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu phối hợp thực hiện trên cơ sở tự nguyện kết nối để sẻ chia kinh nghiệm, phát triển ngành hàng...
Hoạt động chính thức vào năm 2015 đến nay, diễn đàn hoạt động bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Mỗi năm, diễn đàn chọn một chủ đề mang tính thời sự, như: "Đẩy mạnh chuỗi liên kết vì sự phát triển bền vững" (2015); "Tìm cơ trong nguy (2016); "Phát triển tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ" (2017); "Liên kết chuỗi giá trị ĐBSCL, tăng cường hội nhập thị trường" (2019); "Đưa sản phẩm – dịch vụ đồng bằng sông Cửu Long vào chuỗi giá trị toàn cầu" (2020); và năm nay là "Phục hồi kinh tế và liên kết phát triển trong bình thường mới".