Nông dân Phan Xuân Thắng (thôn Ban Mai, xã Ba, huyện Đông Giang) là một điển hình làm giàu với mô hình trồng Cam Vinh. Đến nay, gia đình ông đã trồng được khoảng 500 gốc cam trên diện tích 1ha, 100 gốc cam sành và quýt ngọt. Bên cạnh đó ông Thắng còn trồng thêm cây thanh long ruột đỏ, nuôi gà thả vườn… Mỗi năm ước tính mang lại nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng.
Không chỉ phát triển kinh tế hộ gia đình, ông thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật để bà con áp dụng sản xuất cây cam sạch tại địa phương.
Qua nguồn vốn vay ủy thác của Hội Nông dân huyện Đông Giang, ông Phạm Quốc Phòng (thôn Panan, xã Tư) mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng chè dây Ra zéh. Đến nay, gia đình ông không những thoát nghèo mà trở thành một hộ có kinh tế khá giàu tại địa phương.
"May mắn là khi tôi tham gia vào mô hình trồng cây dược liệu và vay vốn trồng cây keo. Đến khi bán vụ keo lãi được trăm triệu. Rồi tôi dùng 50 triệu đồng để trả ngân hàng và bắt đầu đầu tư vào mô hình cây dược liệu này", ông Phòng chia sẻ.
Ông Alăng Đưa - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Giang cho biết: "Hội Nông dân huyện tập trung tuyên truyền, vận động bà con nông dân tập trung sản xuất, sử dụng các nguồn vốn vay hiệu quả. Trong đó, nguồn của Ngân hàng NNPTNT, vốn Ngân hàng CSXH và Quỹ Hỗ trợ nông dân. Có thể nói, huyện triển khai cho bà con vay vốn rất hiệu quả. Hội trực tiếp xuống hướng dẫn bà con sử dụng vốn hiệu quả trong phát triển kinh tế và bảo tồn được nguồn vốn của nhà nước, nên đã có nhiều hộ trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi".
Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi được các cấp Hội Nông dân huyện Đông Giang phát động rộng khắp, đã có gần 3.000 hội viên đăng ký thi đua hằng năm. Qua phong trào, nhiều nông dân của địa phương đã thành công khi áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong lao động sản xuất, vươn lên làm giàu. Góp phần đưa diện mạo nông thôn vùng cao Đông Giang ngày thêm khởi sắc.