Để nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, những năm gần đây nhiều cơ sở y tế đã đẩy mạnh đầu tư mua sắm, xã hội hóa trang thiết bị y tế hiện đại nhằm phục vụ người bệnh.
Việc mua sắm thiết bị được thực hiện qua hình thức tổ chức đấu thầu thực hiện mua sắm công nhằm bảo đảm sự cạnh tranh, công bằng, minh bạch. Tuy nhiên, lợi dụng đấu thầu, nhiều lãnh đạo bệnh viện "bắt tay" doanh nghiệp để đẩy giá thiết bị lên cao so với giá trị thật, không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho ngân sách Nhà nước mà còn trục lợi trên sức khỏe và tính mạng người bệnh.
Như Dân Việt đã thông tin, ngày 10/12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, ra lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Quang Tuấn - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội để điều tra về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Cơ quan điều tra cáo buộc trong thời gian giữ chức Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội (thuộc Sở Y tế Hà Nội), Chủ tịch Hội đồng mua sắm Bệnh viện Tim Hà Nội, ông Tuấn đã "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Những sai phạm xảy ra trong quá trình Bệnh viện Tim Hà Nội thực hiện đấu thầu mua sắm thiết bị và thực hiện hợp đồng đối với gói thầu trang thiết bị y tế, vật tư y tế.
Tại TP.HCM, kết quả điều tra vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện TP. Thủ Đức, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định ông Nguyễn Minh Quân (SN 1973, Giám đốc Bệnh viện TP.Thủ Đức) và Nguyễn Văn Lợi (SN 1986, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Nguyễn Tâm) đã thông đồng, cấu kết thực hiện hành vi trái quy định của Luật đấu thầu trong việc mua sắm vật tư trang thiết bị y tế tại Bệnh viện TP.Thủ Đức gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản nhà nước.
Vào giữa năm 2020, ông Nguyễn Nhật Cảm, khi đó là Giám đốc CDC Hà Nội, bị khởi tố và bắt giam để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại CDC Hà Nội. Ông Cảm bị xác định có vai trò chủ mưu, đã lợi dụng dịch bệnh, vụ lợi, thông đồng nâng giá máy xét nghiệm Covid-19 lên 7 tỷ đồng, gấp 3 lần giá nhập. Nhiều cán bộ cấp dưới của ông Cảm và lãnh đạo một số doanh nghiệp trang thiết bị y tế cũng bị khởi tố, bắt giam.
Cùng với vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại CDC Hà Nội, cơ quan công an đã điều tra mở rộng vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty CP Công nghệ y tế BMS và các đơn vị có liên quan trong việc thực hiện các đề án lắp đặt máy, thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai theo hình thức xã hội hóa. Ông Nguyễn Quốc Anh (nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai), ông Nguyễn Ngọc Hiền (nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) và kế toán trưởng của bệnh viện này bị khởi tố, bắt giam về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Tháng 2/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Minh Khải (nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM), Võ Thị Chinh Nga (nguyên Phó Giám đốc), Phí Duy Tiến (nguyên Phó Giám đốc) và Nguyễn Quốc Toản (nguyên Trưởng Khoa Phẫu thuật, gây mê hồi sức thuộc Bệnh viện Mắt TP.HCM) để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Quá trình điều tra xác định, năm 2018, Bệnh viện Mắt TP.HCM tổ chức thực hiện gói thầu "Mua sắm thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu năm 2018" để phục vụ điều trị, khám chữa bệnh. Một số cá nhân lãnh đạo Bệnh viện Mắt TP.HCM đã làm trái quy định của pháp luật về đấu thầu để loại mặt hàng thủy tinh thể nhân tạo tương đương đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và có giá dự thầu thấp nhất, mua các mặt hàng thủy tinh thể có giá dự thầu cao. Hành vi trên gây thiệt hại 14,2 tỷ đồng, trong đó thiệt hại cho Quỹ Bảo hiểm y tế 5,2 tỷ đồng, người bệnh có Bảo hiểm y tế 7,1 tỷ đồng, người bệnh không có Bảo hiểm y tế 1,8 tỷ đồng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Thanh Vân, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau nhìn nhận, vi phạm trong đấu thầu dẫn đến nhiều hệ lụy.
Trước hết, nó làm phá vỡ việc thực hiện chi tiêu công và mua sắm công cũng như đầu tư công, làm cho cái trật tự quản lý nhà nước bị xáo trộn, uy tín của cơ quan nhà nước bị giảm sút trong con mắt của nhân dân. Đặc biệt, nó còn làm mất cán bộ vì hư hỏng, tha hóa.
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, những vụ án xảy ra như ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội... không chỉ khiến giới y khoa lo lắng mà còn khiến người dân thực sự hoang mang và bất bình.
Đối với ngành y, nguyên nhân để xảy ra tình trạng nâng khống giá thiết bị y tế là do có sự phân cấp phân quyền cho các cơ sở y tế để họ chủ động trong việc mua sắm thiết bị cũng như thuốc, vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm… vô hình trung đã giao cho họ cái quyền "vừa đá bóng vừa thổi còi", dễ xảy ra tiêu cực. Ngay cả việc đấu thầu rộng rãi còn xảy ra tình trạng "quân xanh, quân đỏ" thao túng giá, thì đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu chính là cơ hội để một số lãnh đạo bệnh viện không giữ được mình trước quyền lợi lớn, trở nên tự tung tự tác.
Ngành y tế cần rà soát lại quy định của pháp luật liên quan đến cơ chế đấu thầu thuốc, thiết bị y tế để tránh trường hợp các cơ sở y tế "vừa đá bóng vừa thổi còi". Việc vừa khám chữa bệnh vừa mua vật tư y tế, thuốc men là điều không bình thường.
Bên cạnh đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, thanh tra cần tăng cường kiểm tra, xử lý những vi phạm pháp luật trong ngành y tế.
Tại Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết thời gian vừa qua, tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến đến đấu thầu mua sắm các thiết bị y tế diễn ra rất phức tạp, nhất là các vụ xảy ra tại các bệnh viện lớn đã được lực lượng công an phát hiện, khởi tố và điều tra.
Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng quán triệt quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "phát hiện một vụ, cảnh tỉnh cả vùng", trong đó công an các đơn vị địa phương đã chủ động nắm tình hình, nhận diện vi phạm, lựa chọn các khâu đột phá để kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để các hành vi vi phạm, từ đó có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe trong cả lĩnh vực.
Bộ trưởng Tô Lâm kiến nghị, đề nghị Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các địa phương trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra toàn bộ các quá trình tham mưu, quy trình đầu tư, cơ sở vật chất, triển khai mua sắm các thiết bị… để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vi phạm. Thứ hai là đề nghị các bộ ngành chức năng nghiên cứu đưa một số mặt hàng trang thiết bị y tế vào mặt hàng bình ổn và quản lý giá, không để các doanh nghiệp câu kết, nâng giá các sản phẩm.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết tình hình buôn lậu, buôn bán trái phép vật tư y tế, thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19, thậm chí có cả vắc-xin không rõ nguồn gốc… diễn biến phức tạp trong cả nước. Các đối tượng sử dụng nhiều hình thức tinh vi để buôn bán, chọn các điểm địa hình hiểm trở để cất giấu hàng hoá… Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị địa phương tập trung lực lượng, phương tiện đấu tranh với các vi phạm để xử lý.
Cùng đó, trả lời chất vấn của đại biểu về sai phạm của một số cán bộ ngành y, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, mặc dù quy định đấu thầu rất cụ thể nhưng vẫn có sai phạm, rồi tham ô, tham nhũng, những điều này chúng tôi lên án và các cơ quan chức năng sẽ xử lý đúng quy định pháp luật. Ngành Y sẽ tiếp tục rà soát quy định về mua sắm, đấu thầu, phân cấp phân quyền. Bộ đã có nhiều văn bản, hướng dẫn để tăng cường giám sát đối với các đơn vị trực thuộc. Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường giám sát với đơn vị trên địa bàn để ngăn ngừa, phòng chống, xử lý các trường hợp vi phạm.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định việc huy động nguồn lực xã hội trong lĩnh vực y tế là chủ trương đúng đắn. Bởi, việc đẩy mạnh xã hội hóa giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, "không thể chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách".
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành y tế cũng thừa nhận xã hội hóa nhiều nơi chưa nghiêm, chưa đúng, nhiều khi nóng vội, mang tính cá nhân, dẫn tới sai phạm. Do đó, việc tăng cường huy động nguồn lực xã hội là cần thiết, nhưng cũng phải hình thành hàng lang pháp lý đầy đủ. Bộ y tế đã trình Chính phủ Nghị định về liên doanh, liên kết xã hội hóa, đồng thời đề nghị xây dựng nghị định riêng cho ngành y tế.