Dân Việt

Sơn La muốn đón doanh nghiệp lớn để hiện đại hóa ngành chăn nuôi

Mùa Xuân - Tuệ Linh 12/12/2021 09:40 GMT+7
Trong chuyến công tác của Bộ NNPTNT đánh giá tình hình phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Sơn La mới đây, lãnh đạo tỉnh Sơn La bày tỏ mong muốn đón các doanh nghiệp lớn đầu tư để hiện đại hóa ngành chăn nuôi của tỉnh.

Sơn La muốn đón doanh nghiệp chăn nuôi lớn

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã báo cáo tình hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; công tác phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn năm 2021.

Theo đó, tỉnh Sơn La hiện có hơn 1,3 triệu con gia súc; hơn 7,3 triệu con gia cầm các loại; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 75.400 tấn; sản lượng sữa tươi 96.100 tấn.

Sơn La cần có chương trình, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La báo cáo công tác phát triển chăn nuôi với Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến và đoàn công tác. Ảnh: Mùa Xuân.

Những năm qua, tỉnh Sơn La luôn chú trọng phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị với 37 chuỗi cung ứng thịt, thủy sản, mật ong an toàn; 4 chuỗi thịt lợn an toàn với quy mô 8.400 con, sản lượng hơn 4.600 tấn; 1 chuỗi gà an toàn, với 6.000 con; 27 chuỗi thủy sản, số lượng hơn 3.400 lồng bè trên lòng hồ thủy điện Sơn La.

Năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số dịch bệnh như lở mồm long móng; dịch tả lợn châu Phi; viêm da nổi cục trâu, bò. Khi xảy ra dịch bệnh động vật, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật cấp tỉnh; chỉ đạo các cấp, ngành triển khai công tác chống dịch tại cơ sở.

Sơn La cần có chương trình, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Tuệ Linh.

Theo ông Công, tỉnh Sơn La đã cung ứng hóa chất phục vụ các huyện, thành phố chống dịch với hơn 15.000 lít hóa chất; 50.000 liều vaccine lở mồm long móng; gần 85.000 liều vaccine viêm da nổi cục...

Đến nay, toàn tỉnh đã tiêu hủy gần 7.900 con lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi; gần 2.700 con trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục; tiêm trên 1,4 triệu liều vaccine phòng bệnh trên động vật, nhất là việc tiêm vaccine xã hội hóa đạt kết quả cao.

Tỉnh Sơn La mong muốn Bộ NNPTNT tiếp tục hỗ trợ về chuyên môn, cơ chế, chính sách phát triển chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh. 

Giới thiệu các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào sản xuất, bảo quản, chế biến các sản phẩm từ chăn nuôi theo hướng tập trung, áp dụng công nghệ hiện đại, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Sơn La cần có chương trình, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác đã kiểm tra công tác phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi tại xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn. Ảnh: Bốn Mùa

Chuyển giao các giống vật nuôi mới cho chất lượng, sản lượng cao; chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu. 

Hỗ trợ huy động nguồn vốn đầu tư cho tỉnh ưu tiên, triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phát triển các sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ…

Cần có chương trình, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như việc phát triển quy mô chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh động vật của tỉnh Sơn La. Trong đó, có nhiều đóng góp quan trọng trong nền nông nghiệp của cả nước.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị tỉnh tiếp tục phát triển quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương; thu hút đầu tư phát triển chăn nuôi; tiếp tục huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong phòng, chống dịch bệnh động vật.

Sơn La cần có chương trình, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi - Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác đã đến thăm mô hình nuôi cá tầm tại xã Mường Trai, huyện Mường La. Ảnh: Tuệ Linh.

"Tỉnh Sơn La tiếp tục đánh giá, khảo sát được những tiềm năng, lợi thế về đất đai, xem xét toàn diện, kết tinh sâu hơn trong chuỗi nông sản để nâng cao giá trị trong tái cơ cấu nông nghiệp. Tiếp tục thâm canh phù hợp với tiềm năng theo chuỗi khép kín.

Đặc biệt là đối với ngành chăn nuôi trâu, bò, gia cầm và thủy sản phải có chương trình, chính sách khuyến khích, tạo động lực cho nông dân phấn đấu. Cần có hội nghị đánh giá, tổng kết phát triển theo hướng đặc hữu; trong đó, nuôi trồng thủy sản là một trong những điểm nhấn của tỉnh Sơn La", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu Sơn La sớm thành lập lại hệ thống thú y theo Quyết định số 414/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030.

Sơn La cần có chương trình, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi - Ảnh 5.

Mô hình nuôi cá tầm của Công ty TNHH MTV Cá tầm Việt Nam - Sơn La tại xã Mường Trai, huyện Mường La. Ảnh: Mùa Xuân.

Về công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT, thời tiết còn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là rét đậm, rét hại. 

Bởi vậy, trong thời gian sắp tới, tỉnh Sơn La cần tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn tinh, thô để đảm bảo dinh dưỡng; sửa chữa, xây dựng, che chắn chuồng trại cho đàn vật nuôi.