Dân Việt

Hà Nội gần 1.000 ca mắc Covid-19 trong ngày: "Người dân bắt đầu chủ quan"

Gia Khiêm 13/12/2021 14:51 GMT+7
Đó là nhận định của PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ y tế) trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Hà Nội liên tục tăng kỷ lục những ngày vừa qua.

Hà Nội: Nới lỏng chứ không phải thả lỏng

Tối ngày 12/12, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông tin, Hà Nội ghi nhận gần 1.000 ca nhiễm trong một ngày. Đây cũng là ngày ghi nhận số ca mắc cao nhất tại thủ đô kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Trước đó, số ca mắc Covid-19 cũng liên tục tăng mạnh.

Hà Nội gần 1.000 ca mắc Covid-19 trong ngày: "Người dân bắt đầu chủ quan" - Ảnh 1.

Hình ảnh người dân đạp vịt đông đúc tại hồ Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội chiều ngày 12/12. Ảnh: Gia Khiêm

Trước tình hình đó, nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội nên có các giải pháp để siết chặt, tăng cường công tác quản lý, thay đổi hình thức khác với hiện tại. 

Hà Nội gần 1.000 ca mắc Covid-19 trong ngày: "Người dân bắt đầu chủ quan" - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ y tế). Ảnh: NVCC

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ y tế) cho rằng, việc Hà Nội ghi nhận số ca mắc liên tục tăng cao "kỷ lục" những ngày vừa qua là điều dễ hiểu khi các hoạt động được nới lỏng. Đặc biệt, người dân đã có dấu hiệu chủ quan trong phòng chống dịch. Nhiều ca mắc xuất hiện tại khu vực đông người như chợ, đám cưới, đám hiếu, liên hoan…

"Hà Nội đã nới lỏng các hoạt động thì ca mắc Covid-19 tăng nhanh là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, thành phố vẫn phải kiểm soát số ca mắc Covid-19, tăng cường kiểm soát hoạt động tập trung đông người. Những nơi tập trung đông người phải kiểm soát số người, cho phép hoạt động nhưng phải tuân thủ các biện pháp 5K. Nếu không thực hiện sẽ rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, phải tiếp cận, theo dõi các bệnh nhân mắc Covid-19 để bệnh nhân không trở nặng, nếu trở nặng không để tử vong", ông Phu nhấn mạnh.

Người dân Hà Nội bắt đầu chủ quan

Ông Phu cũng cho rằng, các trường hợp người cao tuổi, người có bệnh nền phải hết sức chú ý hạn chế đi tới những khu vực đông người. Đặc biệt, con cháu phải bảo vệ cho chính người thân của mình bởi nếu để lây lan dịch vào những đối tượng này sẽ vô cùng nguy hiểm. 

Hà Nội gần 1.000 ca mắc Covid-19 trong ngày: "Người dân bắt đầu chủ quan" - Ảnh 3.

Một quán cà phê đông đúc khách tại hồ Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội chiều ngày 12/12. Ảnh: Gia Khiêm

"Hiện nay, nhiều ca bệnh ngoài cộng đồng nên chúng ta phải thật chú ý bảo vệ sức khoẻ cho bản thân mình cũng như người thân trong gia đình. Càng lúc này, các cơ quan ban ngành thành phố, người dân càng phải đề phòng, nới lỏng chứ không phải buông xuôi thả lỏng", ông Phu nêu.

Đánh giá về tình hình dịch tại quận Đống Đa, nơi vừa được thành phố xếp mức cấp độ dịch 3 (vùng cam), nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ y tế) cho hay, đây là quận rất phức tạp bởi là quận lõi, dân cư đông đúc. 

Hà Nội gần 1.000 ca mắc Covid-19 trong ngày: "Người dân bắt đầu chủ quan" - Ảnh 4.

Nhiều người chủ quan không đeo khẩu trang ngoài công cộng, nơi đông người. Ảnh: Gia Khiêm

"Thời điểm vừa qua, khu vực phường Văn Chương, Văn Miếu ca bệnh đã rất phức tạp, đi lại nhiều, quá đông dân cư khó kiểm soát. Tại đây cần tăng cường mạnh hơn các biện pháp phòng chống dịch như thực hiện 5K, tăng cường mạnh giám sát. 

Nếu không thực hiện kiểm tra xử phạt những trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch sẽ không khống chế được. Khi số mắc nhiều, tôi sợ sẽ có nhiều ca nhiễm nặng, nhiều nặng chắc chắn sẽ có ca tử vong", ông Phu cho hay.

Qua theo sát tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Phu đánh giá trong thời gian tới chắc chắn ca bệnh sẽ tiếp tục tăng nhiều, thành phố khó mà xét nghiệm được hết ngoài cộng đồng.

"Điều quan trọng nhất lúc này là phải theo dõi nếu không tăng cường kiểm tra như trước đây. Đơn cử như lực lượng chức năng phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy vừa qua xác định 5 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 liên quan đến nhà hàng, quán karaoke Monaza số 194 đường Trần Duy Hưng hoạt động sau 21h. Người dân bắt đầu chủ quan, nếu không làm tốt sẽ dẫn đến bùng dịch khó kiểm soát được", ông Phu nói thêm.