Đây là một cuốn sách dạng tự truyện, nghĩa là tác giả kể về cuộc đời mình. Hoàng Hữu Phê sinh năm 1954 tại Đồng Hới (Quảng Bình) và thời tuổi nhỏ đã sống tại quê hương trong những năm chiến tranh phá hoại của Mỹ diễn ra ác liệt nhất ở một vùng được mệnh danh là "tuyến lửa". Cậu bé Phê đã cùng gia đình và chúng bạn chạy bom chạy đạn, đã chứng kiến những cuộc oanh kích của máy bay giặc, đã tận mắt thấy những cái chết đau đớn thương tâm của những người xung quanh. Đau đớn nhất là cái chết của những người bạn nhỏ tuổi như mình. "Đấy là một cậu bé chăn trâu, và cái cậu ta cố nắm trong tay trước khi chết là một ống bơ con chứa ngô rang đeo ở thắt lưng. Chút ngô rang ít ỏi này có thể là bữa sáng hay bữa trưa tuyệt vời của chúng tôi, nhất là khi lang thang trên các bờ ruộng ngoài cánh đồng rét mướt. Tôi đã trượt ngã trên chiếc sân gạch ngày ấy chính vì những hạt ngô rang dính máu rơi ra từ chiếc ống bơ. Sau này tôi đã phải gặp nhiều cái chết thương tâm, cái chết nào trong chiến tranh cũng đều thương tâm cả, nhưng lòng trắc ẩn của tôi cứ quay lại mãi về cậu bé ấy, có lẽ là vì chúng tôi gần như cùng tuổi, và vì tôi cũng đã từng là một cậu bé chăn trâu." (tr. 80) Ký ức về quãng đời niên thiếu trong chiến tranh này ba chục năm sau đã dậy lên trong tâm trí Hoàng Hữu Phê khi ông cùng con trai đến thăm Hội chợ Hàng không Farnborough và Bảo tàng Không lực Hoàng gia Anh. Trong khi cậu con mải mê thích thú với các loại máy bay hiện đại tân kỳ thì ông bố rùng mình nhớ lại vào tuổi con bây giờ mình đã từng suýt chết năm lần vì những chiếc máy bay như vậy. Ý định viết lại tuổi thơ của mình, rộng ra là cuộc đời mình, đã bắt đầu với Hoàng Hữu Phê từ đấy. Viết như một thứ câu chuyện, một lịch sử gia đình để truyền lại cho con cháu trong nhà. Cuốn sách vì thế được tác giả đề tặng cho một cháu nội (Việt – Ý) và hai cháu ngoại (Việt - Pháp). Cái tên sách gắn với một địa danh ở Đồng Hới. Mụ Kề là tên một cái cầu nhỏ bắc qua một lạch nước nối thông hào thành cổ Đồng Hới và sông Nhật Lệ. "Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề" nghe ngân nga róc rách như một câu thơ.
NƯỚC VẪN CHẢY DƯỚI CHÂN CẦU MỤ KỀ
Tác giả: Hoàng Hữu Phê
Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, 2021
Số trang: 563 (khổ 15,5x23,5cm)
Số lượng: 1500
Giá bán: 205.000đ
Mà thơ thật, cuốn sách này của Hoàng Hữu Phê. Trong sách tác giả có đưa vào những bài thơ mình viết cả lúc nhỏ, cả khi là sinh viên, cả những đoạn đời về sau. Điều này có vẻ như không lạ khi ông cũng là con nhà thi thư. Cái tên của ông đã được biết đến từ năm 1983 với bản dịch tiểu thuyết "Thao thức" của nhà văn Nga A. Kron (giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1984). Sau này ông còn dịch thêm các tác phẩm khác từ tiếng Anh. Nhưng Hoàng Hữu Phê không chuyên hẳn về văn chương. Nghề và nghiệp của ông là kiến trúc quy hoạch đô thị. Cuốn sách sau hai chương đầu kể về cuộc sống ở Quảng Bình là tiếp đến ba chương kể về cuộc sống ở Hà Nội và vùng xung quanh khi năm 1968 cậu thiếu niên Phê được ông bố dạy Đại học Sư phạm đưa ra thủ đô và học hết bậc phổ thông ở đây rồi thi đại học đủ điểm được chọn đi học nước ngoài (1971). Từ chương 6 cho đến chương 9 và phần kết cuốn sách ông kể về quá trình học đại học kiến trúc ở Kiev (Ucraina), về Hà Nội bắt đầu thiết kế những công trình đầu tiên, làm thạc sĩ ở Bangkok (Thái Lan), làm tiến sĩ ở London (Anh), trở về nước lập sự nghiệp của mình. Đến nay Hoàng Hữu Phê là một kiến trúc sư nổi tiếng cả trong và ngoài nước với lý thuyết Vị thế - Chất lượng trong kiến trúc mà ông cùng với người thầy của mình là Patrick Wakely đã được trao giải thưởng uy tín The Donald Robertson Memorial Prize (2000). Ông là tác giả của nhiều công trình kiến trúc như Rạp xiếc trung ương ở Hà Nội, trụ sở Viện Dầu Khí, khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính… Gần hai phần ba cuốn sách ông đã dành nói kỹ về nghề nghiệp của mình, với người ngoài nghề nếu đọc kỹ cũng sẽ thấy những điều thú vị và biết thêm được những kiến thức về nghề này. Nhưng giá như tác giả biết cân đối hơn giữa các phần viết, thu gọn lại phần kiến trúc mà nói thêm hơn phần văn chương, nhất là xoay quanh cuốn tiểu thuyết dịch "Thao thức" từng là một sự kiện xôn xao trên văn đàn Việt thập niên 1980 thì sẽ gây thú vị hơn cho bạn đọc và cũng là cung cấp thêm tư liệu cho giới nghiên cứu.
Song có lẽ đấy không phải chủ ý của Hoàng Hữu Phê khi viết sách này. Ông chỉ muốn ghi lại một cách tỉ mỉ, kỹ càng hết mức có thể về con đường đời của mình từ một thiếu niên năm 1968 bắt đầu xa quê di chuyển ra thủ đô và ra nước ngoài trên một hành trình qua năm thành phố: Đồng Hới – Hà Nội – Kiev – Bangkok – London với chu kỳ thời gian cứ mười năm lại có biến chuyển thay đổi trong đời. Vì vậy mà ông chọn cách kể chuyện nhẩn nha, chậm rãi, cứ lần lượt hết chuyện này đến chuyện khác theo tuyến tính, không chú tâm dừng lại đi sâu vào một sự kiện nào để tạo điểm nhấn. Giọng kể của ông đều đều với một sự bình thản nội tâm lắng sâu, không bị chen vào những sự gay gắt thái quá trong thái độ đối với những điều được kể. Chuyển tải giọng kể đó là những câu văn dài được viết với nhiều mệnh đề phức hợp diễn tả cảm xúc, tâm trạng, suy tư. Ta hãy đọc câu này: "Nhưng cũng từ cuộc hành trình sóng gió từ Quảng Bình ra Hà Nội này, như một cậu bé mười bốn tuổi hãy còn hoàn toàn ngơ ngác trước cuộc đời rộng bao la, tôi đã nhiễm phải nỗi say mê với chất men của cảm giác bồng bềnh bất định, cũng như hương vị cô đơn của những chuyến đi xa, với mùi xăng cháy trộn lẫn mùi bụi đường, và những hồi tưởng ngọt bùi hay cay đắng đều nhòa đi trong cảnh sắc vùn vụt lùi lại phía sau khi phải rời một miền đất từng gắn bó, và đằng sau những lạ lẫm cuốn hút của những vùng đất mới là một nỗi buồn trẻ thơ trong trẻo và da diết, cứ gợi tôi nhớ về một khúc hát ru giọng miền Trung buồn bã mà tôi đã nghe, nhưng không rõ lời, khi đi ngang qua một khóm nhà nhỏ cạnh rẫy sắn trên sườn dốc dãy Trường Sơn hãy còn phủ đầy sương mai vào một ngày mùa Đông lạnh giá." (tr. 108) Điểm xuyết trong lời kể còn có những liên hệ liên tưởng của tác giả tới các tác phẩm văn chương âm nhạc hội họa của Việt Nam và thế giới cho người đọc cảm nhận được một tâm hồn giàu nghệ thuật.
Và thế là một hồi ức tưởng chỉ cho một gia đình đã thành sách cho nhiều người đọc. "Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề" như dòng thời gian bất tận cứ trôi. Trôi theo dòng thời gian ấy là các thế hệ đời người. Hoàng Hữu Phê kết lại cuốn sách kể chuyện đời mình bằng những câu thơ viết đã lâu cho một tuổi thơ hôm qua còn đọng lại hôm nay và ngày sau:
Con cái chúng ta sẽ sống trong thành phố hôm nay tạo dựng
Sẽ cắm trại trong rừng dương và dong thuyền
dọc bến sông chơi
Chúng sẽ tìm ra:
Sau doi bờ mọc đầy cỏ dại
Có con thuyền của tuổi thơ tôi…
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.
Hà Nội, 14/12/2021