Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, đến hết ngày 12/12, TP đã tiêm hơn 7 triệu mũi 1, hơn 6 triệu mũi 2 và trên 11.700 liều bổ sung, nhắc lại.
Về việc tiêm vaccine cho người lao động quay lại làm việc, ông Tâm cho hay, TP.HCM đang có chiến dịch "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tìm những người chưa tiêm, sàng lọc và tiêm chủng.
Giải thích con số trong báo cáo đánh giá cấp độ dịch của TP.HCM luôn khẳng định 100% người từ 18 tuổi đã tiêm ít nhất 1 mũi, nhưng thực tế số lượng người chưa tiêm còn lớn và nhiều trường hợp tử vong, ông Tâm cho rằng do tình hình di biến động dân cư ở thành phố phức tạp.
Tỷ lệ tiêm chủng được tính dựa trên thống kê dân số ở một thời điểm nhất định. Con số này do Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM thống kê ở thời điểm trước dịch.
"Theo mẫu số đó, tính ra tỷ lệ tiêm đạt 100%, có khi còn hơn 100% nữa. Chuyện này cũng bình thường với một thành phố như TP.HCM. Bây giờ chúng ta có tiêm hết đi nữa thì ngày mai, ngày kia có lượng người mới đổ về, có người chưa tiêm thì vẫn tổ chức tiêm", ông Tâm lý giải và đề nghị ai chưa tiêm thì đăng ký với địa phương, tổ dân phố hoặc trạm y tế.
Giải thích cụ thể hơn với nhiều trường hợp bị từ chối tiêm ở điểm tiêm cộng đồng, đến bệnh viện cũng không được tiêm, Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho hay, đối với những người bị bệnh nền đa số không được tiêm ở các điểm tiêm vaccine cộng đồng do việc chăm sóc y tế khó khăn và được hướng dẫn đến tiêm tại bệnh viện. Nhưng khi đến bệnh viện, họ cũng không được tiêm, lý do theo bà Mai là các bệnh viện không được phân bổ vaccine.
"Những ai chưa tiêm nên tận dụng đợt này, thành phố tổng hợp những trường hợp chưa tiêm, người có bệnh nền… đăng ký với phường xã để có cơ hội chăm sóc", bà Mai khuyến cáo.
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, trong số các bệnh nhân tử vong vì Covid-19 tại khu E của bệnh viện, khoảng 80% chưa tiêm đủ vaccine. Các bệnh nhân đều có bệnh nền, thậm chí có đến 3-4 bệnh nền cùng lúc.
Lý giải tình trạng này, BS Hùng cho biết, hiện có 2 nhóm chưa được chủng ngừa đủ vaccine Covid-19. Thứ nhất, nhóm có bệnh nền không ổn định, bị trì hoãn, ví dụ như bệnh nhân ung thư phải hóa xạ trị, miễn dịch giảm rất nhiều nên chưa được tiêm. Nhóm thứ 2 là người có quan điểm anti-vaccine.
Đáng lưu ý, đầu tháng 12, Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 đa tầng quận Tân Bình đã ghi nhận 1 ca tử vong trẻ tuổi, có bệnh nền. Bệnh nhân trước đó kiên quyết không tiêm vaccine vì luôn lo ngại nguy cơ, tác hại có thể gặp phải.
Một thống kê khác cho thấy, khoảng 60% người tử vong vì Covid-19 tại TP.Thủ Đức thời gian qua cũng chưa được tiêm vaccine. Nhiều gia đình có người cao tuổi, bệnh nền, bệnh nan y từ chối tiêm do sợ những biến chứng có thể gặp phải.
Theo BS Lê Quốc Hùng, những trường hợp trì hoãn tiêm chủng vì bệnh nền không ổn định, cần được địa phương rà soát càng sớm càng tốt. Khi xem xét tình trạng bệnh nền hiện tại, nếu bệnh nhân đã kết thúc thời gian hóa xạ trị, hoặc bệnh nền đã ổn định, cần được chích ngừa ngay. Đây cũng là một phần trong chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mà TP.HCM đang triển khai.
Trong khi đó, với các bệnh nhân đang trong thời gian trì hoãn tiêm, cần có chế độ bảo vệ thực sự nghiêm ngặt. Các phương án bảo vệ phải thực hiện từ cá nhân, gia đình và cơ sở y tế.