Theo đó, ngoài ngựa Xích Thố, có một loại binh khí nổi tiếng gắn liền với danh tướng Quan Vũ trong các cuộc chiến thời Tam Quốc. Đó chính là Thanh Long Yển Nguyệt Đao. Binh khí này nặng khoảng 82 cân (theo đơn vị đo thời nhà Hán, tương đương khoảng 48,38 kg).
Chưa xét đến đặc điểm chi tiết, chỉ với trọng lượng lớn như vậy thì quả thực chỉ có những anh hùng, mãnh tướng với sức khỏe phi thường mới có thể cầm được bảo đao này để xung trận.
Cùng với Phương Thiên Họa Kích của "chiến thần" Lã Bố, Thanh Long Yển Nguyệt Đao của Quan Vũ được coi là những binh khí lừng danh nhất thời Tam Quốc.
Trong "Tam Quốc diễn nghĩa", Thanh Long Yển Nguyệt Đao được mô tả là loại vũ khí có mũi nhọn, cán dài, lưỡi đao có hình bán nguyệt, đặc biệt trên đao có khắc hình rồng. Ngoài ra, mỗi khi cùng Quan Vũ xung trận và chém kẻ thù, binh khí này thường có sắc xanh. Chính bởi vì những đặc điểm này nên binh khí của Quan Vũ có tên gọi là Thanh Long Yển Nguyệt Đao.
Điển tích "Tam anh chiến Lã Bố" trong Tam Quốc diễn nghĩa cũng từng mô tả về chi tiết Quan Vũ sử dụng Thanh Long Yển Nguyệt Đao để giao chiến.
Trong trận Hổ Lao Quan, ba anh em Lưu Bị - Quan Vũ – Trương Phi có dịp đọ sức trực tiếp với mãnh tướng Lã Bố.
Ban đầu, Trương Phi lao vào đánh nhau với Lã Bố. Cả hai giao chiến được hơn 50 hiệp mà vẫn không phân thắng bại. Quan Vũ đứng bên ngoài thấy thế liền cầm Thanh Long Yển Nguyệt đến cùng đánh. Đánh nhau hơn 30 hiệp nữa nhưng vẫn không hạ được Lã Bố. Bấy giờ, Lưu Bị cầm đôi gươm thúc ngựa chạy vào cùng đánh... Sau cùng, Lã Bố phải rút lui.
Quan Vũ là danh tướng nổi tiếng với sự trung nghĩa và dũng mãnh. Ông được người dân thờ phụng, phong thánh. Do đó có không ít giai thoại trong dân gian kể về ông cũng như bảo đao Thanh Long Yển Nguyệt. Cụ thể, tương truyền, do muốn có một vũ khí thích hợp để xung trận nên Quan Vũ đã bỏ ra nhiều tiền bạc với mục đích mời những bậc thầy về rèn binh khí về.
Những người thợ rèn đã ngay lập tức bắt tay vào việc chế tác một thanh bảo đao theo như mong muốn của Quan Vũ. Dù mất vài tháng mới có thể làm xong nhưng cuối cùng thanh đao mà những người thợ rèn làm ra lại không vừa ý Quan Vũ.
Cuối cùng, những người thợ này dốc sức làm thêm một lần nữa. Vào một đêm trăng sáng, khi bảo đao sắp được rèn xong thì đúng lúc này trời đột nhiên tối sầm lại, một luồng khí từ đao vút lên không trung.
Theo các nho sĩ đương thời có mặt ở đó kể lại, chính luồng khí kỳ lạ này đã vô tình giết chết một con Thanh Long (rồng xanh), tạo thành một trận mưa máu đổ xuống. Sau này, Thanh Long Yển Nguyệt Đao đi theo Quan Vũ tham gia nhiều trận chiến, tương truyền là đã lấy mạng 1.780 người, tương ứng đúng với 1.780 giọt mưa máu đổ xuống năm xưa.
Thanh Long Yển Nguyệt Đao cùng Quan Vũ vào sinh, ra tử, và giết chết không ít võ tướng như Hoa Hùng, Nhan Lương, Văn Xú... Do đó, người đời sau còn gọi vũ khí này là Quan Đao. Sau khi Quan Vũ chết, bảo đao này bị Phan Chương (tướng của Đông Ngô) chiếm đoạt. Tuy nhiên, Quan Hưng (con của Quan Vũ) đã giết Phan Chương để báo thù cho cha, đồng thời lấy lại được thanh đao này.
Trên đây là giai thoại được lưu truyền trong dân gian về Thanh Long Yển Nguyệt Đao. Trên thực tế, Thanh Long Yển Nguyệt Đao là binh khí thuộc Yến Nguyệt Đao và bắt đầu xuất hiện vào thời nhà Tống. Vì có trọng lượng nặng nên loại đao này chỉ thường được dùng để luyện tập, rèn luyện sức mạnh của cánh tay, thay vì dùng trong chiến đấu.
Dù không có thật đi chăng nữa, nhưng hình tượng oai phong, lẫm liệt khi Quan Vũ cầm Thanh Long Yển Nguyệt Đao và cưỡi ngựa Xích Thố, vẫn để lại ấn tượng sâu sắc cho những ai ngưỡng mộ Quan Vũ và tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa".
Chỉ tiếc rằng anh hùng thời chiến loạn như Quan Vũ lại ra đi quá sớm, để lại nhiều tiếc nuối, đặc biệt là khi cơ nghiệp thống nhất thiên hạ của người anh Lưu Bị và Thục Hán vẫn còn dang dở.