Dân Việt

Bà Rịa - Vũng Tàu: Đột phá trong thu hút đầu tư nhờ chọn hướng đi đúng

Diệu Thuỳ 15/12/2021 12:52 GMT+7
Sau hơn 30 năm thu hút đầu tư, lũy kế đến nay tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có gần 500 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 30 tỷ USD. Tỉnh này vẫn đang là một trong những điểm sáng thu hút được dòng vốn đầu tư của cả nước.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đột phá trong thu hút đầu tư nhờ chọn hướng đi đúng - Ảnh 1.

Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2021, tỉnh BRVT đã có 39 dự án đầu tư được cấp mới. Trong ảnh: Công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Yoshino Gypsum chuyên sản xuất thạch cao. Ảnh: Chu An

Bất chấp làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 đã tác động rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh, nhưng dòng vốn đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) vẫn tiếp tục tăng mạnh, lên đến gần 1 tỷ USD trong năm 2021. Kết quả đạt được là nhờ những nỗ lực của các cấp lãnh đạo tỉnh thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn…

Thu hút đầu tư có chọn lọc

Theo Ban quản lý các KCN tỉnh BRVT, kế hoạch năm 2021 của tỉnh đề ra mục tiêu thu hút 30 dự án đầu tư nhưng chỉ trong 10 tháng đầu năm đã có 39 dự án đầu tư được cấp mới. Tổng vốn thu hút lũy kế đến hết tháng 10/2021 là 1,18 tỷ USD, đạt hơn 185% kế hoạch và bằng 141% so với cùng kỳ năm 2020. 

Tính đến nay, tại các KCN của tỉnh có 498 dự án đầu tư còn hiệu lực, gồm 242 dự án trong nước và 256 dự án FDI, trong đó có 322 dự án đang hoạt động. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư, trong đó có một số quốc gia có vốn FDI lớn như Mỹ, Canada, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp...

Tính đến hết tháng 10/2021, toàn tỉnh BRVT có 503 dự án đầu tư trong các KCN còn hiệu lực. Trong đó có 246 dự án trong nước và 257 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng diện tích đất các dự án đang thuê là 3.237ha, đạt tỷ lệ lấp đầy là 65,7% trên tổng số 13 KCN đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng và đạt tỷ lệ 55,27% trên tổng số 16 KCN.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, BRVT đã xác định mục tiêu phát triển thành "tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao". Trong đó nhấn mạnh chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có tính lan tỏa, có giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động và không xâm hại môi trường. 

Đồng thời phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng trở thành ngành kinh tế chủ lực để hỗ trợ các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ khác của tỉnh phát triển.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Đột phá trong thu hút đầu tư nhờ chọn hướng đi đúng - Ảnh 3.

Tỉnh BRVT định hướng thu hút đầu tư theo hướng ưu tiên cho công nghiệp phụ trợ và các ngành công nghiệp công nghệ cao. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện ô tô tại Công ty Dongjin Global ở KCN Đất Đỏ 1, huyện Đất Đỏ, tỉnh BRVT. Ảnh: An Phú

Theo đánh giá của UBND tỉnh, suất đầu tư FDI tại BRVT có quy mô khá cao, trung bình đạt 86,7 triệu USD/dự án. Đây là thế mạnh của địa phương trong phát triển các dự án công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, logistics...

Cụ thể, Dự án Nhà máy dệt Tah Tong Việt Nam tại KCN Mỹ Xuân B1-Tiến Hùng đăng ký tăng thêm 2 triệu USD; Dự án Nhà máy công nghiệp kim loại Quần Phong tại KCN Mỹ Xuân A2 đăng ký tăng thêm hơn 2,2 triệu USD; Dự án Nhà máy sản xuất khí công nghiệp và khí y tế Linde Việt Nam tại KCN Phú Mỹ II đăng ký tăng thêm 34 triệu USD và Nhà máy kết cấu thép PEB tăng thêm 7 triệu USD. 

KCN Phú Mỹ 3 cũng tiếp nhận dự án của Công ty TNHH Nitori thuộc Tập đoàn Nitori Holdings Nhật Bản với vốn đăng ký đầu tư 150 triệu USD. Với diện tích đất thuê 40ha, dự án có tổng công suất khoảng 2 triệu sản phẩm/năm.

Với chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào chất lượng dự án, tỉnh BRVT đã thay đổi phương thức thu hút đầu tư theo hướng ưu tiên cho công nghiệp phụ trợ và các ngành công nghiệp công nghệ cao với hàng loạt các tiêu chí đề ra như: Bảo đảm môi trường, sử dụng ít năng lượng, nhân công. 

Đặc biệt, không khuyến khích các dự án đầu tư tiêu tốn nhiều năng lượng, khai thác không gắn với chế biến, sử dụng nhiều lao động phổ thông; các dự án sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và những lĩnh vực có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.

Ông Choi Young Gyo, Chủ tịch Tập đoàn Hyosung Chemical của Hàn Quốc cho biết, vào 2019 - 2020, Tập đoàn đã đầu tư 1,2 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất hạt nhựa Polypropylene và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng tại BRVT, vì chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để tập đoàn sớm hoàn thiện thủ tục, hướng dẫn rõ ràng, minh bạch khiến doanh nghiệp rất an tâm tìm kiếm cơ hội.

Phát huy thế mạnh về hạ tầng

Hiện nay, tỉnh BRVT có 15 KCN được quy hoạch với tổng diện tích đất hơn 8.500ha. Trong đó, Phú Mỹ đang là địa bàn phát triển nhiều KCN nhất, với tổng diện tích 4985,39ha, chiếm hơn 48% tổng diện tích KCN toàn tỉnh. Tiếp theo đó là huyện Châu Đức, có 3.082ha KCN, chiếm gần 30% tổng diện tích KCN toàn tỉnh.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Đột phá trong thu hút đầu tư nhờ chọn hướng đi đúng - Ảnh 4.

Hạ tầng các KCN hoàn chỉnh, hiện đại là một thế mạnh của BRVT để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Ảnh chụp KCN Phú Mỹ 3 - một trong những KCN kiểu mẫu để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. Ảnh: An Phú

Đẩy mạnh phát triển lợi thế bất động sản công nghiệp, mới đây, UBND huyện Châu Đức đã đề xuất thêm 4 KCN với tổng diện tích 5.700 ha. Với kế hoạch này, huyện Châu Đức sẽ tăng tổng diện tích kCN gấp 2,8 lần hiện tại lên 8.782ha, vươn lên dẫn đầu toàn tỉnh. Diện tích KCN dự kiến của huyện này chiếm 45% toàn tỉnh, gấp gần 1,4 lần diện tích KCN của địa phương xếp thứ 2 là thị xã Phú Mỹ. Trong quy hoạch các KCN định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Châu Đức đã đề xuất thực hiện Khu đô thị - công nghiệp công nghệ cao Cù Bị, với quy mô 3.000 ha, là dự án có quy mô lớn nhất toàn tỉnh.

Dự kiến, theo đề xuất của UBND huyện Châu Đức, đến năm 2022 sẽ có khoảng 80.000 - 120.000 kỹ sư, chuyên gia và công nhân về làm việc, với tỷ lệ lấp đầy 80%. 

Thông tin từ KCN Phú Mỹ 1 (TX Phú Mỹ) cũng cho biết, đến nay KCN đã thu hút được thêm 7 dự án mới, nâng tỷ lệ lấp đầy lên 93%. Các dự án tại KCN này thuộc nhiều ngành nghề đa dạng như công nghiệp nặng, công nghiệp cầu cảng, luyện kim và vật liệu xây dựng của các nhà đầu tư trong nước và từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore…

Ngoài ra, các KCN tại TX Phú Mỹ và huyện Châu Đức nằm sát bên cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, là cảng nước sâu có sức chứa những con tàu siêu trường siêu trọng, hiện là một trong 19 cảng lớn nhất thế giới. Đây là cơ hội rất lớn để phát triển hạ tầng, hàng loạt tuyến đường lớn đang được khơi thông để hàng hóa từ các tỉnh Vùng kinh tế trong điểm phía Nam và các tỉnh miền Tây Nam Bộ đổ về. Chính phủ, tỉnh BRVT cùng Đồng Nai đã triển khai các dự án gồm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, Đường Vành đai 4. Các dự án nhằm giảm tải cho quốc lộ 51, kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành; Dầu Dây - Long Thành về TP.HCM và các tỉnh.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Đột phá trong thu hút đầu tư nhờ chọn hướng đi đúng - Ảnh 5.

Tận dụng lợi thế nằm gần cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải để xây dựng các KCN, tỉnh BRVT đặt ra mục tiêu phấn đấu thu hút các dự án có thương hiệu, đẳng cấp, thân thiện với môi trường, bền vững... Trong ảnh: Bốc dỡ hàng container tại Cảng CMIT. Ảnh: An Phú

Theo ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh, kết quả thu hút đầu tư vừa qua là kết quả của những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, điều chỉnh những quy định không còn phù hợp để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Chủ đầu tư các KCN trong tỉnh đang nỗ lực hoàn thiện hạ tầng, thu hút thêm nhiều dự án sản xuất, hỗ trợ nhà đầu tư thứ cấp phát triển sản xuất, kinh doanh.

"Với chủ trương không thu hút đầu tư bằng mọi giá, chú trọng vào chất lượng, hiệu quả và sự phát triển bền vững, BRVT ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành công nghệ cao, có sức lan tỏa lớn. Mặt khác, tỉnh cũng cam kết nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc để các dự án triển khai thuận lợi, sớm đi vào hoạt động", ông Triết nói.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh BRVT đặt ra mục tiêu phấn đấu thu hút các dự án có thương hiệu đẳng cấp, thân thiện với môi trường, bền vững, tạo sự lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội, đem lại giá trị cho người dân thụ hưởng. Trong đó, thu hút mới 150 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 3,2 tỷ USD và 185 dự án đầu tư trong nước với tổng khoảng 100.000 tỷ đồng.

Trong khuôn khổ chuyến công du Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 9 vừa qua, Tập đoàn Quantum (Mỹ) đã cam kết đầu tư vào Việt Nam các dự án có tổng giá trị từ 20 - 30 tỷ USD. Trong đó, nhiều dự án được đề xuất ở BRVT.

Cụ thể, Quantum đặt trọng tâm đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng như nhà máy điện Long Sơn (trị giá khoảng 5 tỷ USD), các dự án hạ tầng cảng Long Sơn; mảng logistics tại Vũng Tàu và xây dựng tuyến đường sắt từ Vũng Tàu kết nối Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM...