Với sự đón tiếp trọng thị và nhiệt tình của cán bộ, nhân viên lễ tân tòa Nhà Nghị viện Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã trực tiếp thăm một số công trình kiến trúc nổi bật của Hạ viện và Thượng viện Ấn Độ, trong đó có Bảo tàng Quốc hội, nơi trưng bày, lưu giữ các hiện vật và những tư liệu lịch sử lập pháp quan trọng có giá trị hàng trăm năm.
Bảo tàng Quốc hội nằm trong tòa nhà Thư viện Quốc hội tại thủ đô New Delhi. Được khánh tháng tháng 12/1989, đây là một mô hình bảo tàng tương tác để kể lại lịch sử đấu tranh giành tự do, cũng như xây dựng nền dân chủ lập hiến tại đất nước Ấn Độ. Nơi đây cũng lưu giữ các tặng phẩm và bộ sưu tập quà tặng mà các đoàn đại biểu nước ngoài tặng Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ trong những lần tới thăm.
Đoàn đã thăm Thư viện Quốc hội - một trong những nơi lưu trữ, bảo tồn sách phong phú nhất ở Ấn Độ. Được thành lập năm 1921, mục đích chính là để hỗ trợ các thành viên của Cơ quan Lập pháp Ấn Độ trong quá trình làm việc. Đây là thư viện lớn nhất ở thủ đô New Delhi và thư viện lớn thứ hai ở Ấn Độ sau Thư viện Quốc gia.
Thư viện Quốc hội Ấn Độ cũng là nơi lưu trữ cho các ấn phẩm của Liên Hợp Quốc và các tổ chức thành viên. Qua 3 lần mở rộng vào các năm 1956, 1966 và 1974, Thư viện Quốc hội Ấn Độ đang có quy mô lớn như ngày nay.
Cũng tại Tòa nhà Nghị viện Ấn Độ, tại cuộc gặp nhanh giữa hai Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla nồng nhiệt chào mừng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn thăm chính thức Ấn Độ, nhấn mạnh chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ trong giai đoạn mới.
Phát biểu đáp từ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp lâu đời được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru tạo dựng nền móng, được các thế hệ lãnh đạo kế tiếp và nhân dân hai nước dày công vun đắp.
Chuyến thăm lần này của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thể hiện sự coi trọng và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước và giữa các cơ quan lập pháp. Chuyến thăm cũng là dấu mốc quan trọng khi hai nước đang chuẩn bị có rất nhiều hoạt động thiết thực và cụ thể kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2022.
Nhân dịp sang thăm chính thức Ấn Độ, sáng nay (16/12), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã đến dâng hoa tại Đài tưởng niệm Mahatma Gandhi - Nhà lãnh đạo, vị Anh hùng dân tộc vĩ đại của Ấn Độ và thăm Đại lộ Hồ Chí Minh.
Đây là nơi Mahatma Gandhi đã được hỏa táng chỉ một ngày sau khi bị ám sát. Mahatma Gandhi là nhà ái quốc vĩ đại và được coi là người Cha của đất nước Ấn Độ độc lập. Ông đã từ bỏ cuộc sống quyền quý, từ bỏ nghề luật sư ở Nam Phi để trở về đấu tranh cho nền độc lập của Ấn Độ. Năm 1958, Bác Hồ đã đến viếng Gandhi và trồng cây đại để tưởng nhớ. Cây đại ngày càng xanh tươi, tỏa bóng với mùi hương thơm ngát. Đây cùng là minh chứng thể hiện mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Ấn Độ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru cùng các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp, ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Ghi sổ lưu niệm tại Đài Tượng đài Mahatma Gandhi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ viết: "Mahatma Gandhi đã để lại di sản vô giá cho nhân dân Ấn Độ và nhân loại về giá trị của độc lập và tự do. Hình ảnh và tư tưởng của Người sống mãi trong lòng chúng ta".
*Cũng trong sáng nay (16/12), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đã tới thăm Đại lộ Hồ Chí Minh. Đây là một trong những đại lộ lớn nhất tại thủ đô New Delhi với chiều dài gần 6km và được đồng hành cùng các đại lộ lớn mang tên các vĩ nhân lớn khác của thế giới như Nelson Mandela - Tổng thống và nhà đấu tranh cho tự do của Nam Phi, nguyên Thủ tướng Thụy Điển Olaf Palmer hoặc là đại lộ mang tên lục địa Châu Phi.
Việc Ấn Độ đặt tên Chủ tịch Hồ Chí Minh cho một đại lộ lớn giữa thủ đô New Delhi là một cử chỉ có ý nghĩa chính trị to lớn, thể hiện sự kính trọng của Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đối với Bác Hồ cũng như sự gắn bó mật thiết trong quan hệ giữa hai nước.