Dân Việt

Bà con người Chăm xã Phước Hữu nói gì về Chánh án TAND huyện Ninh Phước Hán Văn Nhuận?

Đức Cường- Bùi Phụ 18/12/2021 13:09 GMT+7
Trưa 18/12, PV Dân Việt trở lại làng Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) - nơi thẩm phán Hán Văn Nhuận sinh ra, lớn lên và hiện tại vợ con ông đang sinh sống.

Cả xã thương nhớ ông Hán Văn Nhuận 


Bà con người Chăm xã Phước Hữu thương nhớ thẩm phán Hán Văn Nhuận, Chánh án TAND huyện Ninh Phước - Ảnh 1.

Cổng chào xã nông thôn mới Phước Hữu. Ảnh Đức Cường.

Vừa qua khỏi cổng chào xã nông thôn mới Phước Hữu hỏi thăm nhà ông Nhuận thì ai cũng biết và hướng dẫn tận tình cho chúng tôi.

Chị Kha Lan, một người dân trong xã cho biết, sau cái chết của ông Nhuận, mấy ngày qua, cả làng, cả xã này buồn lắm!

"Chú Nhuận sống ở đây mấy chục năm rồi, chú hiền lành và tử tế lắm. Chú là người Chăm nhưng giỏi lắm nên cấp trên mới bổ nhiệm chú làm Chánh án đó! Chú là niềm tự hào của bà con cộng đồng người Chăm trong xã này. Nhưng tiếc quá, vừa lên chức chánh án, chưa bao lâu thì bị nạn, bỏ lại vợ con bơ vơ nên bà con ai cũng thương….", chị Kha Lan ngậm ngùi nói.

Dẫu đã mấy ngày rồi nhưng khi trao đổi với chúng tôi, người thân thẩm phán Nhuận luôn khóc nức nở. Họ mong muốn, các cơ quan chức năng cấp trên sớm có thông báo chính thức cho gia đình biết những việc làm của thẩm phán Nhuận trước khi ông chọn cái chết.

Bà Khánh Ly, em ruột ông Nhuận nói: "Chúng tôi mong muốn nhận được thông báo sớm để gia đình yên tâm và anh trai tôi cũng thanh thản ra đi…".

Nhiều bà con trong xã Phước Hữu đều có chung nhận định: Cho dù nguyên nhân thế nào đi nữa thì cái chết của thẩm phán Nhuận rất đáng tiếc…

Bà con người Chăm xã Phước Hữu thương nhớ thẩm phán Hán Văn Nhuận, Chánh án TAND huyện Ninh Phước - Ảnh 2.

Thẩm phán Hán Văn Nhuận trong ngày nhận quyết định bổ nhiệm chánh án TAND huyện Ninh Phước. Ảnh: Phạm Quang Trung.

Có vi phạm về thủ tục tố tụng nhưng không làm thay đổi nội dung vụ án

Theo TAND tỉnh Ninh Thuận, việc thẩm phán Nhuận và thư ký Quảng Thị Thái Bình giải quyết vụ án tranh chấp 3 tỷ đồng mặc dù có vi phạm về thủ tục tố tụng dân sự nhưng không làm thay đổi nội dung vụ án. Khoản nợ mà nguyên đơn khởi kiện bị đơn cũng thừa nhận và đồng ý trả.

Việc bà Bình ghi thêm vào biên bản ghi lời khai là từ yêu cầu của nguyên đơn đòi 3 tỷ đồng, sau đó bị đơn bà Oanh đã trả được 100 triệu đồng nên chỉ yêu cầu đòi 2,9 tỷ đồng không gây bất lợi cho đồng bị đơn là ông Hoàng.

Theo các chuyên gia pháp luật, trong vụ này cụ thể bà Bình sai: Sau khi hoà giải thành, chốt số nợ 3 tỷ đồng thì hai bên đương sự nhắc là họ đã trả 100 triệu. Bà Bình đã tự ghi thêm vào biên bản thoả thuận nội dung: Đã trả 100 triệu, còn nợ 2,9 tỷ. Nội dung này không có trong buổi hoà giải, tự ghi thêm là sai. Nhưng tới giờ hai bên đương sự đều thừa nhận đó là ý của họ.

Còn thẩm phán Hán Văn Nhuận sai bởi thời điểm diễn ra buổi hoà giải, thì ông Nhuận đang đi học tại Hà Nội. Dù không có mặt nhưng ông Nhuận vẫn ký vào biên bản hoà giải thành với tư cách chủ trì.

Sau đó nữa là thư ký Bình không giao quyết định hoà giải thành cho các đương sự. Từ lý do này nên các cấp toà sau đó đều khẳng định: Quyết định của thẩm phán Nhuận có sai sót về thủ tục nhưng không gây ra thiệt hại cho đương sự và cũng không làm thay đổi bản chất vụ án, không gây thiệt hại khác cho xã hội... 

VKSND Cấp cao tại TP.HCM ban đầu không, sau đó lại kháng nghị tái thẩm

Theo hồ sơ liên quan đến vụ án, trước đó, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cho rằng việc vay mượn giữa bà Viên Thị Thanh Loan với vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh và ông Nguyễn Quốc Hoàng (cùng ngụ khu phố 4, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) là có thực, được chính các bên thừa nhận.

Tại thông báo số 89 ngày 4/1/2019 của Viện KSND cấp cao đã nêu rõ: Các chứng cứ, bằng chứng do ông Hoàng cung cấp không phải là căn cứ để kháng nghị, cũng không phải là nguồn chứng cứ.

Đến tháng 3/2020 TAND tối cao cũng có thông báo giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm gửi cho ông Hoàng nêu: "Theo nội dung đơn đề nghị, ông Hoàng cho rằng thư ký tòa án đã ghi thêm nội dung vào biên bản lấy lời khai. Tuy nhiên, nội dung lời khai này phù hợp với nội dung biên bản hòa giải thành ngày 19/6/2017. 

Theo đó, vợ chồng ông Hoàng thừa nhận có nợ của bà Viên Thị Thanh Loan số tiền 2,9 tỷ đồng. Các biên bản hòa giải này có đầy đủ chữ ký của cả hai vợ chồng, do đó việc ông cho rằng thư ký đã làm giả các biên bản hòa giải nêu trên là không có căn cứ chấp nhận…".

Thời điểm này, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM và TAND tối cao cùng có quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm quyết định của TAND huyện Ninh Phước.

Bà con người Chăm xã Phước Hữu thương nhớ thẩm phán Hán Văn Nhuận, Chánh án TAND huyện Ninh Phước - Ảnh 4.

Nhiều cơ quan, ban ngành viếng đám tang ông Hán Văn Nhuận. Ảnh: CTV

Tuy nhiên, tháng 5/2020 Cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao đã gửi văn bản cho Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cho rằng hành vi của thẩm phán Hán Văn Nhuận và thư ký Quảng Thị Thái Bình có dấu hiệu của hành vi "ra quyết định trái pháp luật".

Từ đó, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao thông báo và trao đổi với Viện KSND cấp cao tại TP.HCM xem xét kháng nghị tái thẩm đối với quyết định của TAND huyện Ninh Phước.

Sau khi nhận được văn bản của CQĐT Viện KSND tối cao, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đã ra quyết định kháng nghị tái thẩm vào tháng 11/2020. Sau đó TAND cấp cao tại TP.HCM đã ra quyết định tái thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện KSND cùng cấp và hủy quyết định của TAND huyện Ninh Phước.

Chánh án trầm uất dẫn đến tự vẫn?

Trước đó, vào trưa ngày 14/12, ông Nhuận có nhắn tin cho vợ là Lưu Thị Huyền Trâm với nội dung "Anh uống thuốc ở rẫy" nhưng bà Trâm không trả lời. Sau đó, ông Nhuận gọi thì bà Trâm mới bắt máy và liền báo gia đình chạy vào rẫy (cách nhà 2km) thì phát hiện ông Nhuận đang đau đớn, ngất xỉu nên đưa đến bệnh viện tỉnh cấp cứu. Do không còn khả năng cứu chữa nên gia đình đề nghị đưa ông Nhuận về nhà. Đến 17 giờ cùng ngày thì ông Nhuận mất tại nhà ở thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước.

Ninh Thuận kiến nghị Chánh án TAND Tối cao minh oan cho Chánh án Ninh Phước - Ảnh 3.

Khá đông đồng nghiệp, bạn bè và người dân địa phương đến viếng và tiễn đưa Chánh án TAND huyện Ninh Phước tại thôn Hậu Sang, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước. (Ảnh: Đức Cường)

Trước khi tử vong, ông Nhuận được Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát NDTC cao triệu tập vào TP.HCM để làm việc liên tục từ ngày 2 đến ngày 5/11/2021. Người nhà ông Nhuận cho biết sau khi trở về ông Nhuận có biểu hiện mệt mỏi và suy sụp tinh thần.

Theo lãnh đạo TAND tỉnh Ninh Thuận, ông Hán Văn Nhuận là người dân tộc Chăm, luôn gương mẫu trong công tác và lối sống. Trong vụ án trên, ông Hán Văn Nhuận và thư ký Quảng Thị Thái Bình đều không hề tư lợi cá nhân, mà chỉ là làm sai thao tác nghiệp vụ.

Theo trình bày của thư ký Bình, việc thực hiện thao tác nghiệp vụ khi giải quyết hồ sơ có sai sót, không đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, việc sai này không làm thay đổi, sai nội dung vụ án…