Bác sĩ Hứa Khắc Sương Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận 11 chia sẻ: "Năm 2020 chúng tôi rất hạnh phúc vì kiểm soát được dịch Covid-19 dù có rất nhiều đêm không ngủ vì phải đi xét nghiệm, thậm chí làm việc xuyên Tết, không có cả thời gian cúng ông bà trong đêm 30 vì phải tập trung giám sát khu nhà trọ. Nhưng đến đợt dịch thứ 4, tốc độ dịch quá nhanh, chúng tôi đã không đáp ứng được".
Bác sĩ Linh cho biết, nhiều người nhìn lại 4 tháng đỉnh dịch Covid-19 vừa qua rồi nói rằng vì hệ thống y tế yếu kém nên dịch lan tràn, nhưng ít ai tận mắt chứng kiến những nữ bác sĩ nhỏ bé nửa đêm ôm bình oxy chạy xuống nhà dân. Các chị em có con nhỏ đều gửi hết về quê để tập trung làm không ngày nghỉ xuyên suốt mấy tháng dịch.
Theo bác sĩ Linh, mỗi trạm chỉ có 5-7 nhân lực với 30.000 dân, nhân viên y tế làm hết mình nhưng thật sự không làm nổi. Dịch quá nhanh khiến người dân hoang mang, sáng test dương tính, tối đi cấp cứu. "Chúng tôi ở sát bên Bệnh viện quận 11, vào những ngày cao điểm đó, chính chúng tôi cũng hoang mang khi có ngày chứng kiến 13 ca tử vong, tận mắt thấy bác sĩ thẫn thờ vì không cứu được người bệnh", chị tâm sự.
Đến tháng 8, các quận huyện bắt đầu nhận được sự hỗ trợ của lực lượng chi viện từ sinh viên y khoa, đặc biệt là đội ngũ quân y để thực hiện các chiến dịch xét nghiệm thần tốc, tiêm chủng, phát thuốc...
Bác sĩ Linh cho biết, trong suốt đợt dịch bùng phát, những người cao tuổi, có bệnh nền gần như bị "bỏ quên", không được kiểm tra, tái khám nên đã trở thành nhóm nguy cơ rất cao. Chính vì thế, thành phố hiện đang tập trung để bảo vệ nhóm nguy cơ này.
23 năm gắn bó với y tế cơ sở, bác sĩ Linh chia sẻ thật lòng: "Có em xin nghỉ việc chỉ vì cực quá, lương thấp quá, chịu không nổi. Chúng tôi rất buồn nhưng rất hiểu và tôn trọng các em. Vì thế, rất cần có cơ chế cho y tế cơ sở. Nếu được quan tâm đúng mức, đúng cách, họ sẽ không quay lưng với y tế cơ sở".
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cho biết, không phải bây giờ ngành y tế mới thấy được hạn chế của y tế cơ sở nhưng đại dịch Covid-19 vừa qua là một phép thử, phải trả giá bằng sinh mạng của rất nhiều người. "Chúng ta chỉ toàn nghe thấy hô hào khẩu hiệu nhưng nhưng rõ ràng các dự án xin được chỉ đầu tư cho bệnh viện, cho khối điều trị", bà Lan thẳng thắn.
Chỉ rõ những hạn chế của y tế cơ sở như không được làm dịch vụ, rất thiếu cơ hội thăng tiến chuyên môn, thậm chí việc sử dụng được 30% ngân sách địa phương dành cho y tế dự phòng cũng rất chật vật vì các loại thủ tục, bà Lan cho rằng, đây là "khoảng lặng giữa 2 cuộc chiến" để bồi dưỡng, củng cố lại y tế cơ sở. "Nếu không có sự thay đổi kịp thời, dịch bùng phát lại thì chúng ta sẽ thật sự sẽ vỡ trận", bà Lan lo ngại đồng thời kiến nghị cần phải đưa hệ thống y tế tư nhân vào tham gia chống dịch, từ việc xã hội hóa điều trị Covid-19 đến tiêm vaccine.
Tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, được sự bảo vệ của y tế, tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong suốt 2020 đến tháng 6/2021 rất tốt. Sau đó bắt đầu khó khăn.
"Các doanh nghiệp không hiểu cơ chế truyền bệnh, không hiểu quy trình, HAWA phải nhờ các bác sĩ đến nói chuyện để DN về truyền thông lại cho công nhân, lập thành cẩm nang 3 xanh 4 xanh, hướng dẫn từ việc mặc đồ bảo hộ như thế nào, F0 ra sao… để giữ được nhà máy an toàn", ông Phương nói.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định, TP.HCM hiện vẫn còn hơn 70.000 F0 đang điều trị, hơn 500 ca phải thở máy nên không thể gọi là "thời điểm bình yên", nguy cơ làn sóng dịch quay trở lại rất lớn. TP.HCM là địa phương đầu tiên thực hiện điều trị F0 tại nhà với muôn vàn khó khăn khi thời điểm đó chưa có phác đồ điều trị, chưa biết cách thực hiện như thế nào. Chính từ khó khăn đó, TP.HCM đã tự xây dựng phác đồ, kiến nghị Bộ Y tế cho phép thí điểm sử dụng thuốc kháng đông, kháng viêm bằng đường uống cho F0.
Đến thời điểm này, TP.HCM cũng là địa phương đầu tiên có đề án đề xuất nâng cao năng lực y tế cơ sở với các chính sách cụ thể nhằm giữ chân và nâng chất lượng cho y tế cơ sở.
Hiện nay, TP đang huy động, kêu gọi toàn bộ hệ thống y tế kể cả công và tư cùng tham gia chống dịch. "Y tế cơ sở là bao gồm cả các phòng khám tư, nhà thuốc tư… cùng chung sức", ông Thượng nhấn mạnh và khẳng định, y tế cơ sở mạnh, chống dịch hiệu quả thì sản xuất sẽ an toàn và thuận lợi.