Luôn chủ động các giải pháp
Năm học 2021 – 2022 đang bước sang tuần học thứ 15. Theo quyết định của Sở GD&ĐT Hà Nội, học sinh khối 9 các trường ngoại thành thuộc khu vực có dịch ở cấp độ 1, 2 được phép đến trường học trực tiếp từ ngày 22/11. Trên tinh thần đó, các trường THCS trên địa bàn Thủ đô vừa đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch, vừa chủ động các phương án dạy học linh hoạt phù hợp.
Chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại, thầy Nguyễn Văn Chững – Hiệu trưởng Trường THCS Liên Hồng (Đan Phượng, Hà Nội) cho hay: Trường có 510 học sinh trong đó khối 9 là 135 em. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng như Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng, đến nay học sinh khối 9 của trường đã đi học trực tiếp tại trường đến tuần thứ 4 sau nhiều tháng phải học online. Thừa nhận những hạn chế của hình thức dạy học trực tuyến trong thời gian dài, thầy Chững nhấn mạnh, ngay sau khi các em được đến lớp, nhà trường đã đề ra nhiều giải pháp để củng cố kiến thức cho học sinh.
Nhà trường lập Ban tuyển sinh vào lớp 10 gồm ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm của 4 lớp 9. Hàng tháng tổ chức giao ban để tháo gỡ những khó khăn, tìm giải pháp nâng cao chất lượng của học sinh trong từng giai đoạn.
Thứ nữa, trong tổ nhóm chuyên môn thống nhất các dạng bài để ôn tập cho học sinh và thực hiện chuyên đề liên quan đến công tác tuyển sinh vào 10. Các lớp sẽ tận dụng “thời gian vàng” để tổ chức cho học sinh ôn tập. Đặc biệt, nhà trường triển khai giảng dạy, giao bài, kiểm tra trên các nền tảng phần mềm khác nhau như Azota, Study, OLM, Google Meet… Nếu điều kiện cho phép, học sinh khối 9 được kiểm tra trực tiếp. Nếu không, học sinh cả 4 khối sẽ kiểm tra trực tuyến bằng một trong các ứng dụng nêu trên.
“Chúng tôi luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao từ phòng GD&ĐT huyện. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh để tăng cường khâu đôn đốc, giám sát các em tích cực học tập tại nhà. Giáo viên chủ nhiệm cũng thường xuyên khảo sát chất lượng học sinh qua từng bài giảng. Nếu em nào còn yếu thì có kế hoạch bổ trợ kịp thời. Dự kiến sang tuần 16 sẽ tập trung ôn tập các môn để tuần 17 cho các em kiểm tra học kỳ I theo đúng kế hoạch. Nội dung và cấu trúc đề thi được ra theo đúng hướng dẫn của ngành GD-ĐT” – thầy Chững thông tin.
Tận dụng kho học liệu số
Với 250 học sinh khối 9 đang đi học trực tiếp, Trường THCS Lương Thế Vinh (thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng) luôn sẵn sàng các điều kiện đảm bảo phòng dịch. Cô Nguyễn Thị Thúy – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Các lớp được bố trí học ở từng dãy riêng. Học sinh các lớp đến trường theo hàng lối riêng, không tiếp xúc giữa các lớp với nhau kể cả giờ ra chơi.
Trường cũng có kế hoạch ôn tập cho các em. Dự kiến đầu tuần sau, giáo viên lớp 9 sẽ kiểm tra khảo sát học sinh để có hướng hỗ trợ kiến thức cho những em còn yếu hoặc thiếu hụt phần kiến thức cần có. Việc ra đề kiểm tra học kỳ I trong thời gian tới cũng theo hướng dẫn của sở GD&ĐT. Các phần yêu cầu học sinh tự nghiên cứu, tự học sẽ không được đưa vào đề thi.
Đặc biệt, nhà trường đã xây dựng thư viện điện tử. Trong đó có ngân hàng đề thi của tất cả môn học được lãnh đạo cấp trên đánh giá cao. Mỗi giáo viên và học sinh được cung cấp ID kèm mật khẩu để đăng nhập. Từ đó, các em có thể truy cập để xem, tải các đề minh họa, câu hỏi để tự ôn tập tại nhà, kể cả học sinh các khối 6, 7, 8. Nhà trường tiến hành kiểm tra cho học sinh các môn trắc nghiệm trên ứng dụng Study, rất đông học sinh đã truy cập thành công. Với môn Ngữ văn hoặc những phần tự luận ở một số môn như Tiếng Anh, thầy cô sẽ kiểm tra trên phần mềm Zoom hoặc Google Meet.
Tại Hà Nam, học sinh các khối cũng được đi học lại từ ngày 22/11. Thầy Đặng Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú (TP Phủ Lý) thông tin: Toàn trường có 8 lớp 9 với 260 em. Khi học sinh trở lại trường, nhà trường cũng chủ động các phương án giảng dạy, trong đó có việc ôn luyện cho các em cuối cấp. Trong đó, chú trọng khâu rà soát củng cố các kiến thức cũ cho học sinh, sau đó mới dạy đan xen nội dung bài mới.
Việc kiểm tra khảo sát các môn được tổ chức theo từng lớp. Kết quả đợt kiểm tra giữa học kỳ I vừa qua giúp nhà trường đánh giá được thực tế chất lượng của học sinh sau quá trình học online. Đề thi được ra theo hướng cơ bản. Bên cạnh các em làm tốt vẫn còn một số học sinh kết quả thấp. Thầy cô sẽ có hướng bổ trợ kiến thức cho những em này để có thể theo kịp được các bạn.
Là địa bàn có dịch nên thầy trò phải học trực tuyến nhiều tuần nay, Trường THCS Hải Lý (Hải Hậu, Nam Định) vẫn duy trì việc ôn luyện, củng cố kiến thức cho học sinh khối 9. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hải Sơn trao đổi: “Với 148 em khối 9, chúng tôi luôn chủ động phương án dạy học và kiểm tra online. Ở một số trường được dạy học trực tiếp, học sinh đã hoàn thành kiểm tra học kỳ I. Theo hướng dẫn và chỉ đạo từ phòng GD&ĐT huyện, thời điểm này các trường phải xây dựng kế hoạch kiểm tra trực tuyến học kỳ I cho học sinh.
Giáo viên sẽ cùng với ban giám hiệu tham gia vào quá trình này. Với các môn Toán, Vật lý, Hóa học có thể kiểm tra trực tuyến. Còn lại các môn Ngữ văn, Ngoại ngữ đòi hỏi trình bày bằng văn bản, giáo viên phải phát đề đến tận nhà. Dù như thế nào, chất lượng học tập của các em là mục tiêu quan trọng của nhà trường”.
Hiệu trưởng Trường THCS Liên Hồng cũng cho hay: Qua nắm bắt tâm tư và ý kiến của phụ huynh khối 9, nhà trường mong muốn Sở GD&ĐT Hà Nội nghiên cứu, đề xuất với lãnh đạo thành phố về việc chỉ cho học sinh khối 9 thi ba môn vào lớp 10 năm 2022. Việc này nhằm giảm áp lực cho cả học sinh, phụ huynh cũng như giáo viên. Trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp như hiện nay, việc dạy học trực tuyến quá lâu đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng học tập của các em. Thời gian học trực tiếp còn phụ thuộc vào tình hình dịch ở mỗi địa phương. Trường hợp bắt buộc phải thi 4 môn, sở cũng cần thông báo sớm nhất có thể để giáo viên, học sinh chuẩn bị tâm thế.