Dân Việt

Vì sao TP.HCM đề nghị hỗ trợ 3.000 bác sĩ, điều dưỡng?

Bạch Dương 18/12/2021 15:13 GMT+7
UBND TP.HCM vừa có văn bản đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ, bổ sung 1.000 bác sĩ (trong đó 300 bác sĩ có chuyên môn hồi sức, cấp cứu); 2.000 điều dưỡng (trong đó 600 điều dưỡng có chuyên môn hồi sức, cấp cứu) để phòng chống dịch Covid-19.
Vì sao TP.HCM đề nghị hỗ trợ 3.000 bác sĩ, điều dưỡng? - Ảnh 1.

Lực lượng quân y hỗ trợ điều trị F0 tại nhà. Ảnh: B.D

Trước đó Sở Y tế TP.HCM cho biết đội ngũ nhân viên y tế hiện có đủ để đáp ứng tình hình dịch. Tuy nhiên, sau khi có công văn của UBND TP, theo lý giải của Sở Y tế, TP.HCM đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ 3.000 bác sĩ, điều dưỡng để xây dựng các bệnh viện dã chiến, khu thu dung sẵn sàng đối phó biến chủng Omicron.

Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, đây là nội dung thứ 8 trong thế trận y tế thành phố ứng phó với biến chủng Omicron - xây dựng, triển khai các bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở khu thu dung, điều trị F0 cấp quận, huyện, sẵn sàng kích hoạt khi có nhu cầu; đồng thời duy trì các bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 trong tình hình mới. Mỗi quận huyện sẽ thêm bệnh viện dã chiến (tầng 2) hoặc cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 (tầng 1).

Bà Mai cho hay, nguyên nhân khiến TP.HCM đề xuất Bộ Y tế tăng cường nhân sự là sau ngày 1/10, các ngành nghề sản xuất kinh doanh mở cửa trở lại, số ca nhiễm mới tăng lên. Lực lượng lao động đã tiêm đủ hai mũi vaccine ít bị ảnh hưởng, cách ly 14 ngày có thể lao động trở lại. Tuy nhiên nhóm người già, người có hệ miễn dịch suy giảm thì tỷ lệ tử vong tăng cao, đè nặng lên hệ thống y tế, nhất là bệnh viện tầng trên.

Trước đây, ở thời điểm dịch bệnh cao điểm, gần như tất cả bệnh viện trong thành phố ngưng nhận bệnh nhân ngoài Covid-19 để tập trung điều trị F0. Nhân sự các bệnh viện này cũng chia nhỏ để tăng cường cho các bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức (ICU). Hiện nay các bệnh viện quay trở lại công năng ban đầu, các bác sĩ tăng cường đã quay về bệnh viện làm việc nên các bệnh viện dã chiến tương đối thiếu về nhân sự.

"Ước tính chỉ cần hỗ trợ 1-2 tháng, khi thành phố khống chế được F0, giảm tỷ lệ tử vong thì 3.000 bác sĩ, điều dưỡng này sẽ hoàn thành sứ mệnh", bà Mai cho biết.

Ngoài ra, TP.HCM nhận được nhiều nguồn hỗ trợ chống dịch khác như dược sĩ từ các nhà thuốc hỗ trợ các Trung tâm y tế quận, huyện, các trạm y tế cố định và lưu động; các bác sĩ tại phòng khám tư nhân. Một số phòng khám đa khoa tự nguyện đăng ký thành trạm y tế lưu động. Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành có trên 1.500 bác sĩ khắp cả nước làm việc online, hỗ trợ các trạm y tế, nhất là trạm lưu động để chăm sóc, phát hiện F0 tại nhà trở nặng sớm để chuyển viện kịp thời.

Bên cạnh đó, hơn 50.000 sinh viên hai trường Đại học Y dược TP.HCM và Y khoa Phạm Ngọc Thạch cùng tham gia tiêm chủng, lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ điều trị F0 tại bệnh viện. Đặc biệt, còn có các tình nguyện viên tôn giáo; tình nguyện viên là F0 khỏi bệnh cùng tham gia chăm sóc F0 tầng 3...

Trong ngày 17/12, TP.HCM ghi nhận có 1.040 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca mắc tại TP.HCM lên 492.650; 60 ca tử vong.