Mới đây trên trang cá nhân của mình, CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng đã tiết lộ nhiều điều về tính năng bảo mật của BKAV.
"Vì vậy trong trường hợp máy bị thất lạc, chủ máy ra lệnh khóa thì coi như máy biến thành cục "chặn giấy", cũng không bán được cho các cửa hàng tiêu thụ đồ ăn cắp. Khi này chỉ còn cách liên hệ trả lại máy cho chủ", ông Quảng viết.
Ông Quảng còn cho biết thêm, có tới 89% khách hàng Bphone tìm lại được máy thất lạc. Nghi ngờ về số liệu này, một người dùng mang tên Phạm Trung Dũng đã chất vấn ông Nguyễn Tử Quảng về cơ sở đằng sau thống kê của BKAV.
"Ở đâu ra con số thống kê này vậy anh. Iphone có icloud từ lâu, Samsung họ cũng có chức năng khóa máy khi mất cắp cũng rất lâu... mà họ còn chưa có đưa ra con số thống kê nào!"
Ông Quảng sau đó đưa ra phản hồi như sau:
"Bạn vào BFC sẽ thấy các bạn dùng Bphone chia sẻ các sự kiện như vậy rất nhiều. iPhone hay máy của Samsung có thể khóa nhưng không triệt để như Bphone và kết quả là không có hiện tượng người cầm máy phải liên hệ trả máy cho chủ. Họ có thể dùng hoặc bán cho ng khác vẫn dùng được, trong khi với Bphone, do được bảo vệ như trong bài nói, người cầm máy buộc phải liên hệ trả máy."
Đặc biệt, CEO BKAV còn đưa ra tuyên bố: Apple hay Samsung không thể "có nghề" bằng BKAV trong lĩnh vực bảo mật.
"Bạn chắc chưa nghe đến việc các máy của Apple hay Samsung được trả lại bao giờ phải không. Nhưng với Bphone thì việc đó là thường xuyên. Về bảo mật thì Apple hay Samsung không thể có nghề bằng Bkav được, bạn hãy tự tin như vậy với các công ty Việt Nam chúng ta."
Ông Quảng cũng cho biết thêm, nhờ công nghệ của mình mà con người trở nên nhân văn hơn. "Khi không dùng được, có 2 kiểu người. Kiểu thứ nhất có lòng tốt liên hệ trả lại. Kiểu thứ 2 liên hệ kiếm chút tiền chuộc. Máy các hãng khác không khóa được triệt để nên người cầm được nổi máu tham, giữ lại dùng hoặc bán lấy tiền. Vậy nhờ công nghệ Bphone giúp con người trở nên nhân văn hơn đúng không các bạn", ông Quảng phân tích.
Mới nhất, BKAV đã bị hacker đăng tải nhiều dữ liệu nội bộ. Bên cạnh mã nguồn của các dự án phần mềm, một thông tin thú vị được hacker tung ra là các đoạn hội thoại của ông Nguyễn Tử Quảng với ban giám đốc của công ty BKAV.
Bi hài thay, nội dung của cuộc hội thoại liên quan đến việc Ban lãnh đạo BKAV đối phó với vụ rò rỉ dữ liệu, cho thấy BKAV không hề biết rằng mình đang bị đột nhập.
Theo thông cáo chính thức được đăng tải trên WhiteHat, một diễn đàn bảo mật của BKAV, công ty này đổ lỗi cho "một nhân viên cũ đã nghỉ việc". "Ngoài mã nguồn cũ, trong thời gian còn làm việc nhân viên này đã thu thập thông tin đăng nhập mạng chat nội bộ, dùng nó để chụp ảnh các đoạn chat nội bộ gần đây.", thông cáo viết. Trong khi đó, một đại diện truyền thông của BKAV đánh giá vụ việc này là "bình thường" và "không ai gọi là hack".
Trước đó, năm 2012 một nhóm hacker tự nhận là "LulzSec Việt Nam" đã đứng ra chịu trách nhiệm cho vụ việc tấn công và deface (thay đổi giao diện) của diễn đàn, đăng đàn yêu cầu "đòi lại công bằng" cho một hacker khác.
Nhóm LulzSec Việt Nam yêu cầu phía Bkav rút đơn kiện đồng thời xin lỗi cộng đồng mạng vì sự thiếu chín chắn của mình trong việc cư xử với những người lịch thiệp trên trang chủ của Bkav. Theo đó, người mà nhóm LulzSec Việt Nam đã hack vào hệ thống của Bkav nhưng không mang mục đích phá hoại mà chỉ để cảnh báo (để lại file hacked.html để đánh dấu việc mình đã xâm nhập hệ thống).
Bkav là nhà phát triển Bluezone, ứng dụng theo dõi và truy vết tiếp xúc và cảnh báo người nhiễm COVID-19. Do đó, Bkav có thể đang nắm trong tay nhiều dữ liệu người dùng ứng dụng.