Mua chút quà cho người thân, sắm cho con cái tấm áo mới đón xuân về, trả những khoản nợ từ lúc giãn cách khi dịch hoành hành…. rất nhiều điều phải lo toan với người lao động. Thế nhưng, thời điểm này nhiều lao động ở TP.HCM vẫn đang "thấp thỏm" vì công ty chưa có thông báo gì về việc thưởng tết.
"Năm ngoái, dù dịch bệnh khó khăn nhưng công ty vẫn có thưởng 1 tháng lương với những lao động có thâm niên 1 năm trở lên. Năm nay thì không biết thế nào" - anh Hoàng Văn Út, công nhân Công ty Pouyuen Việt Nam (Q.Bình Tân), than thở.
Ăn vội bữa cơm chiều, anh Út lại gấp rút vào ca đêm. Tết cận kề, anh đăng ký tăng ca để có thêm khoản thưởng Tết để về quê đoàn viên với gia đình.
"Em rất mong tiền thưởng Tết, dù nó không nhiều nhưng nó cũng là một khoản giúp mình trang trải được nhiều việc", anh Út chia sẻ.
Tâm trạng thấp thỏm như anh Út cũng là tình trạng chung của nhiều lao động ở TP.HCM. Hết cách ly rồi lại F0, công việc chỉ mới bắt đầu trở lại cách đây hơn 2 tháng, có người chỉ mới đi làm được hơn 1 tháng nay. Có lẽ vậy, có được một khoản nhỏ của thưởng Tết, với họ cũng chỉ là hy vọng.
"Dẫu biết DN cũng gặp nhiều khó khăn trong năm qua do dịch bệnh, nhưng nếu không có chút thưởng tết cho có cái gọi là thì cũng như không có tết", chị Mai – công nhân may của một DN may mặc xuất khẩu tại huyện Bình Chánh, chia sẻ.
Một khảo sát của Anphabe mới đây với trên 50 doanh nghiệp với 54.000 lao động, kết quả cho thấy chỉ một nửa có thể trả thưởng như dự kiến, còn lại thấp hơn. Cám cảnh hơn, khoảng 20% người lao động thuộc khối ngành hàng không, du lịch... bị cắt thưởng hoàn toàn sau hai năm chịu tác động của Covid-19.
"TP.HCM và một số tỉnh thành phía Nam có 4 - 5 tháng buộc đóng cửa nền kinh tế để chống dịch, song qua trao đổi, các DN cho biết sẽ cố gắng duy trì lương tháng 13 theo thỏa ước với người lao động. Còn kế hoạch thưởng tết nữa chắc là khó", ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội Các DN khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM.
Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Tuấn - Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất - công nghiệp TP.HCM, thông tin, thưởng Tết năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái. Nguyên nhân là vì năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều nhà máy phải dừng hoạt động hoàn toàn, số khác sản xuất cầm chừng, chi phí thực hiện phương án "vừa sản xuất, vừa cách ly" tăng cao.
Hiện đã có doanh nghiệp báo cáo thưởng Tết cho người lao động, trong đó một số ít thưởng một tháng lương, còn lại giảm 50 - 70% so với mức thưởng năm ngoái.
Theo yêu cầu của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM, các doanh nghiệp phải báo cáo lương, thưởng, các khoản trợ cấp Tết dương lịch và Tết Nhâm Dần về sở trước ngày 25/12. Song đến nay, thông tin từ đơn vị này cho hay, vẫn chưa nhận được nhiều thông tin từ các cơ sở.
Hiện, Sở này cũng đề nghị các DN gặp khó khăn trong việc chi trả tiền lương, thưởng đối với người lao động trong dịp Tết thì thông tin, trao đổi nhanh với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và báo cáo các cơ quan chức năng để phối hợp, có kế hoạch hỗ trợ người lao động...
Tình hình sản xuất của các DN tại TP.HCM vẫn đang trên đà phục hồi. Để giữ chân lao động, nhiều DN dù gặp khó khăn, thậm chí thua lỗ nhưng vẫn cố gắng xoay sở để có thưởng Tết cho công nhân. Khoản tiền này cũng chính là động lực giúp cho người lao động thêm gắn bó với công ty.
Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (APT), cho biết kết quả kinh doanh cả năm công ty bị âm, thua lỗ. Nguyên nhân là do công ty cam kết bình ổn giá bán ra nên khi mọi chi phí đầu vào tăng vọt, công ty vẫn phải gánh. Đồng thời, năng suất lao động, công suất nhà máy giảm mạnh chỉ còn 30 - 40% trong quý 3 nên cũng ảnh hưởng nhiều đến doanh thu.
"Dù vậy, chúng tôi quyết định vẫn trả lương tháng 13 cho toàn bộ nhân viên. Đồng thời, vẫn tổ chức bữa tiệc cuối năm để người lao động chung vui, có rút thăm trúng thưởng mỗi người một phần quà trị giá từ 500.000 đồng đến cao nhất là xe máy trị giá 20 triệu đồng…", ông Dũng thông tin.
Năm nay, TP.HCM sẽ tổ chức chương trình thường niên "Gia đình công nhân lao động vui Tết cùng thành phố", với nhiều hoạt động sẽ diễn ra từ ngày 29/1 đến ngày 6/2/2022, có sự tham gia của 10.000 hộ gia đình đoàn viên, công nhân lao động tiêu biểu…
Tại Công ty CP In số 7 (KCN Tân Tạo, quận Bình Tân) - là một trong những DN sớm công bố mức thưởng Tết năm 2022. Theo đó, mức thưởng Tết Dương lịch là 2,7 triệu đồng/người, thưởng Tết Nguyên đán 6 triệu đồng/người, tặng quà đầu năm 1 triệu đồng/người cho lao động trở lại làm việc sau Tết.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Giám đốc nhân sự Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (KCN Tân Bình) thông tin, thu nhập trung bình của 4.000 công nhân đang làm việc là 8,5 triệu đồng/người/tháng. Tất cả lao động trong công ty đều có tháng lương 13 theo thu nhập bình quân. Ngoài ra, căn cứ vào lợi nhuận của công ty và mức độ hoàn thành công việc của từng cá nhân để thưởng thêm
"Trong kế hoạch thưởng Tết năm nay, công ty dự kiến chi cho 20-30% lao động xuất sắc mức thưởng 2,5 lần tháng lương. 70-80% lao động hoàn thành và hoàn thành tốt công việc sẽ được thưởng từ 1 đến 1,7 lần tháng lương", ông Tuấn cho biết.
Ông Lê Minh Khoa - Giám đốc Công ty Minh Anh (một DN thực phẩm tại H.Bình Chánh) thì cho biết, năm nay mức thưởng vẫn phải có nhưng chắc chỉ đạt khoảng 70% so với mức thưởng năm ngoái.
"Tính cả thưởng Tết Dương lịch và âm lịch mỗi lao động sẽ vào khoảng 6 triệu đồng/người. Đây là sự nỗ lực rất lớn của DN, bởi trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, chúng tôi hiểu rõ ít nhất phải có một phần quà tết để động viên lao động đã gắn bó suốt thời gian qua", ông Khoa nói thêm.
Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội Các DN khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM, thông tin, các DN sản xuất trong các khu chế xuất, khu công nghiệp vẫn chưa chốt kế hoạch thưởng tết cho người lao động. Tuy nhiên, tình hình chung là vẫn có thưởng.
Năm ngoái, xuất nhập khẩu của cả nước tính hết năm chỉ đạt hơn 500 tỷ USD, hết tháng 11 năm nay đã đạt 600 tỷ USD, tăng hơn 22%.
"Theo tôi, DN ngành sản xuất xuất khẩu năm nay sẽ duy trì thưởng tết mức thấp nhất bằng 50% so với năm ngoái", ông Bé dự báo.