Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng chính trị - tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết sau 1 tuần dạy học trực tiếp, ngành giáo dục ghi nhận 34 ca F0 xuất hiện trong nhà trường, trong đó có 4 ca là giáo viên, 3 ca là nhân viên và 27 ca là học sinh. Các trường học đều có phương án xử lý F0 theo đúng quy trình.
Trước thông tin phụ huynh một số lớp tự test nhanh cho con trước khi đi học, ông Trọng cho rằng, nếu gia đình có điều kiện tự test cho học sinh để chủ động phát hiện F0 thì rất tốt, sẽ hạn chế tối đa việc lây nhiễm trong trường học. Nếu dương tính thì học sinh ở nhà, không đến trường.
Trả lời câu hỏi việc chia đôi lớp để dạy trong 1 tiết học có hiệu quả hay không, ông Trọng nói do nhiều cơ sở giáo dục có phòng ốc chật nên nhà trường tách đôi lớp để dạy học. "Đương nhiên khi tách đôi lớp thì có nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả dạy học.
Vì dạy một lớp có đầy đủ học sinh, thầy cô tương tác trực tiếp sẽ khác với việc thầy cô chạy qua chạy lại dạy 2 lớp", ông Trọng dẫn chứng.
Dù vậy, trong điều kiện dịch bệnh thì các cơ sở giáo dục và học sinh cùng phải thích ứng để từng bước trở lại bình thường.
Trước đó, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá sau một tuần (từ ngày 13 – 20/12) thí điểm dạy học trực tiếp cho 2 khối lớp cuối cấp bậc THCS và THPT, đa số trường học đã tổ chức rất hiệu quả, đảm bảo công tác phòng chống dịch, an toàn cho học sinh và giáo viên.
Ông Dũng cho hay giáo viên phải thực hiện hoạt động dạy học trực tiếp trong tâm thế sẵn sàng chuyển đổi trạng thái theo diễn biến dịch và tham gia công tác phòng chống dịch tại trường, cùng lúc duy trì kênh hỗ trợ học sinh chưa đến trường được. Vì thế, công việc của giáo viên khá nặng nề nên cần có sự thấu hiểu của lãnh đạo nhà trường.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cũng lưu ý nhà trường phải đảm bảo công tác giảng dạy trong trạng thái thích ứng, linh hoạt nhưng không gây áp lực cho giáo viên và phải tạo tâm lý thoải mái cho học sinh. Bên cạnh đó, theo ông Dũng, nhà trường phải thường xuyên làm công tác tư tưởng, đảm bảo tâm lý ổn định cho học sinh quay trở lại trường học trực tiếp khi trong lớp xuất hiện ca nhiễm.
Về công tác tổ chức cho học sinh học trực tiếp trong thời gian tới, ông Dũng nhấn mạnh, các trường phải chủ động trong phòng chống dịch. Trong đó, nhà trường chủ động ứng phó mọi tình huống như theo dõi, phát hiện ca nhiễm, nghi nhiễm, phối hợp với lực lượng y tế địa phương thực hiện các bước xử lý trường hợp mắc Covid-19 được ghi nhận tại lớp theo đúng quy định, hướng dẫn của ngành y tế.
Trong điều kiện thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19, nguyên tắc an toàn tới đâu thì nhà trường tổ chức dạy học trực tiếp phù hợp đến đó. Vì vậy, theo ông Dũng, các cơ sở giáo dục không nên rập khuôn trong việc tổ chức hoạt động giáo dục mà phải căn cứ theo cấp độ dịch của từng quận, huyện, điều kiện thực tế, đồng thời sáng tạo, chủ động sắp xếp thời khóa biểu phù hợp…
Theo lộ trình tổ chức học trực tiếp, các trường THCS, THPT thực hiện thí điểm từ ngày 13 đến hết 25/12. Sau thời gian này, Sở Y tế, Sở GD-ĐT cùng các trường tổng kết rút kinh nghiệm và tham mưu UBND TP.HCM để quyết định việc mở rộng đối tượng học trực tiếp hay tổ chức cho toàn bộ học sinh đến trường từ ngày 3/1/2022.