Dân Việt

Toạ đàm kinh tế 2022: "Đằng sau mỗi con số là những nỗi đau, khó khăn chưa từng có"

Thanh Phong 21/12/2021 14:15 GMT+7
Tại Toạ đàm kinh tế 2022: “Phục hồi tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới”, nhiều vấn đề kinh tế đã được các chuyên gia trao đổi, thảo luận sôi nổi.

Sự dịch chuyển lao động "ngược"

Sáng nay, 21/12, Ban Biên tập Báo NTNN/Dân Việt tổ chức Tọa đàm kinh tế 2022: "Phục hồi tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới". Năm 2021 là năm thứ 2 nền kinh tế Việt Nam phải "hứng chịu" sự tàn phá của đại dịch Covid-19. Đặc biệt, đợt dịch bệnh bùng phát lần thứ 4, với diễn biến phức tạp đã gây tác động rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội.

Theo đó, GDP quý III giảm sâu 6,17%, bình quân mỗi tháng có tới gần 10.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, số lao động thất nghiệp tăng mạnh,… Trên thực tế, những con số này vẫn chưa thể lượng hóa đầy đủ những tác động của đại dịch tới toàn bộ nền kinh tế.

Nhận định về vấn đề trên, ông Võ Trí Thành, Nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương (CIEM) đánh giá, đằng sau mỗi con số là những "nỗi đau", sự dịch chuyển không mong muốn của hàng triệu người lao động.

Toạ đàm kinh tế 2022: Chuyên gia lo ngại tình trạng dịch chuyển lao động, cảnh báo xuất khẩu - Ảnh 1.

Toàn cảnh Tọa đàm kinh tế 2022: "Phục hồi tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới" (Ảnh: Phạm Hưng)

Cụ thể, ông Thành cho rằng, tác động tiêu cực lớn nhất của dịch Covid-19 là sự "dịch chuyển ngược" khi hàng triệu người lao động di chuyển từ thành thị, khu công nghiệp về nông thôn.

Đồng tình quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, năm 2021, là năm đầy thách thức với nền kinh tế Việt Nam với những khó khăn chưa từng có. Theo đó, thách thức cụ thể như dịch bệnh Covid-19 đã làm bộc lộ những vấn đề như "đứt gãy kinh khủng" về thị trường trong nước, chuỗi cung ứng. Qua đó, cho thấy, sự phát triển những năm qua vẫn còn "mong manh". 

"Dịch Covid-19 chỉ là một phần, khi có vấn đề xảy ra các địa phương lúng túng, không có sự thống nhất chỉ đạo, co cụm. Khi đó, cả hệ thống bị "rối lên", gây ra rất nhiều hệ lụy, cả triệu lao động từ Sài Gòn, Đồng bằng sông Cửu Long "chạy" trở về ngoài Bắc, lên tận Hà Giang. Người dân phải "bỏ chạy" như vậy là do các giải pháp của nhiều địa phương đưa ra thiếu hợp lý", chuyên gia Phạm Chi Lan phân tích.

Cũng theo bà Lan đánh giá, không thể phủ nhận, dịch Covid-19 rất khó lường, ngay cả các nước lớn cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sự lúng túng của Việt Nam đã gây ra một hiện tượng "kinh khủng" từ trước đến nay chưa từng có như vậy.

"Tuy nhiên, trong điều kiện đó, chúng ta đã có những sự khắc phục về cuối năm. Con số về tăng trưởng, phát triển kinh tế, kìm chế lạm phát đã đạt được những kết quả, cuộc sống của người dân trở lại bình thường. Những vấn đề khó khăn nội tại được bộc lộ qua dịch bệnh Covid-19 lần này cần được nhìn thẳng vào để có hướng khắc phục trong thời gian tới", bà Lan chia sẻ.

Toạ đàm kinh tế 2022: "Đằng sau mỗi con số là những nỗi đau, khó khăn chưa từng có" - Ảnh 2.

Tổng Biên tập, Nhà báo Lưu Quang Định trao đổi với chuyên gia tại Tọa đàm. Ảnh: Phạm Hưng

Điểm sáng xuất khẩu, vẫn cần nâng cao giá trị gia tăng

Về kết quả xuất khẩu, bà Lan đánh giá, con số tăng trưởng tuy rất tốt nhưng cơ cấu và cách thức vẫn dựa vào khối đầu tư nước ngoài, không có nhiều thay đổi. Do đó, nếu đánh giá mức độ phục hồi kinh tế do xuất khẩu đưa lại vẫn chưa được nhiều do giá trị gia tăng từ xuất khẩu của ta vẫn còn thấp.

Toạ đàm kinh tế 2022: "Đằng sau mỗi con số là những nỗi đau, khó khăn chưa từng có" - Ảnh 2.

Các chuyên gia tại Tọa đàm kinh tế 2022: "Phục hồi tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới" (Ảnh: Phạm Hưng)

Cụ thể, ngay cả trong những ngành công nghệ cao chiếm kim ngạch xuất khẩu chính của Việt Nam, giá trị gia tăng vẫn thấp. Do đó, cần nhìn nhận một cách nghiêm túc để xuất khẩu thật sự đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế.

"Không thể biến Việt Nam thành một mảnh đất chỉ cho nước ngoài thuê với nhân công giá rẻ và để kiếm lợi cho họ là chính. Người Việt Nam lại không được hưởng lợi gì từ sức lao động của mình", Chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) bổ sung thêm, xuất khẩu nên nhấn mạnh vào ngành nông nghiệp.

"Theo tôi nên nhấn mạnh xuất khẩu ở khu vực nông nghiệp trong bối cảnh chung. Đặc biệt là các ngành hàng đã tạo nên kim ngạch xuất khẩu hơn 40 tỷ USD", ông Hiếu đánh giá.

Cùng quan điểm, ông Võ Trí Thành cũng đánh giá, kết quả xuất khẩu năm nay rất tốt, trong bối cảnh đại dịch, kim ngạch xuất khẩu nông sản vẫn ở mức cao, khẳng định vị thế của ngành nông nghiệp trong bức tranh chung về xuất khẩu.

"Về kết quả xuất khẩu, ông Thành cho rằng, trong khó khăn nông nghiệp của chúng ta vẫn tận dụng được các FTA. Tăng trưởng, phát triển của ngành nông nghiệp năm nay vẫn ở mức tốt (khoảng 3%) mặc dù tỉ trọng còn nhỏ", ông Thành đánh giá.

Duy trì sự phát triển của thương mại điện tử và kinh tế số

Cũng tại Tọa đàm, vấn đề thương mại điện và kinh tế số được các chuyên gia trao đổi sôi nổi. Theo đó, các chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh đại dịch, công cuộc chuyển đổi số đã được thể hiện rõ nét.

TS. Võ Trí Thành cho rằng, chương trình chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ đã ký từ năm ngoái. Năm nay, công cuộc chuyển đổi số được thể hiện rõ nét, bắt nhịp tốt trong bối cảnh yêu cầu cấp bách của đại dịch.

Toạ đàm kinh tế 2022: Chuyên gia lo ngại tình trạng dịch chuyển lao động, cảnh báo xuất khẩu - Ảnh 2.

Ts. Võ Trí Thành (Ảnh: Phạm Hưng)

"Chuyển đổi số của doanh nghiệp rất tích cực, các startup huy động được khoảng 3 tỷ. Gần như 100% các địa phương cũng đã có những chuyển biến tích cực về chuyển đổi số, trên 50% bắt đầu đi vào thực thi. Một số tỉnh tiêu biểu có thể kể đến như Quảng Ninh, Đà Nẵng cũng đã bắt nhịp, vào cuộc", ông Thành nhận định.

TS. Phan Đức Hiếu cũng cho rằng, thương mại điện tử là một điểm sáng lớn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong năm 2021.

Theo đó, Việt Nam đã vươn lên trở thành một quốc gia có sự phát triển nhanh, mạnh về thương mại điện tử. Trong thời gian tới đây, với tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, cần tiếp tục duy trì thương mại điện tử và kinh tế số, tránh những đứt gãy không đáng có của nền kinh tế.

"Theo báo cáo về phát triển thương mại điện tử mà tôi mới đọc có thể thấy, thương mại điện tử của Việt Nam tăng rất mạnh tới 20%. So với các nước Đông Nam Á thì nước ta được đánh giá là có thương mại điện tử rất phát triển", TS. Phan Đức Hiếu thông tin.