Dân Việt

Long An “khoan” sức dân nâng chất giao thông ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười

Trần Đáng 14/12/2021 09:00 GMT+7
Vùng Đồng Tháp Mười có hạ tầng giao thông khá yếu. Đây là vùng kênh, rạch chằng chịt. Qua 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương đã có nhiều cố gắng “khoan” sức dân để cải thiện hạ tầng giao thông.

Trước đây con đường kênh Lộ Ngang (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) là đường đất, rộng chưa đến 2m, nắng bụi, mưa lầy. Khi được chính quyền vận động hiến đất mở rộng con đường này để làm nông thôn mới, ông Tám Thơi (Nguyễn Văn Thơi, người dân trong xã) đã không ngần ngại hiến hơn 1ha đất.

Long An “khoan” sức dân nâng chất giao thông ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười - Ảnh 1.

Ông Tám Thơi (chỉ tay) đứng trên đườn kênh Lộ Ngang, con đường ông đã hiến hơn 1ha đất để làm nông thôn mới. Ảnh: Trần Đáng

"Tất đất, tất vàng" cũng hiến để làm nông thôn mới

Theo ông Tám Thơi, số đất ông hiến có giá trị cao bởi đang trồng lúa và cây ăn trái. Nhưng vì sự cần thiết cho xây dựng một con đường nên gia đình ông quyết định hiến đất cho Nhà nước. "Tôi gần cả đời ở vùng nước lũ này nên biết, ở đây không có cầu đường đàng hoàng vất vả lắm. Khi nghe chính quyền vận động hiến đất mở đường tôi hiến ngay. Có con đường đàng hoàng việc giao thương của bà con sẽ dễ dàng hơn", ông Tám Thơi thổ lộ.        

Thấy ông Tám Thơi hiến đất làm đường kênh Lộ Ngang, nhiều bà con khác cũng nhiệt tình hưởng ứng. Số đất người dân tình nguyện hiến hơn 6ha. Ông Đào Hồng Ẩn, một người dân hiến đất chia sẻ, làm đường người lợi chính là bà con mình. Chính vì vậy, bà con rất đồng tâm theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Đến nay, toàn tuyến kênh Lộ Ngang dài hơn 11km, bề ngang 5,5m. Bước đầu con đường này trải đá dăm, nối xã Vĩnh Đại với nhiều xã khác của huyện Tân Hưng.  Và nối huyện Tân Hưng với huyện Tháp Mười của tỉnh Đồng Tháp. Trên tuyến đường này cũng đã xây dựng hoàn chỉnh 2 cây cầu bê tông cốt thép tải trọng 13 tấn. Tuyến đường còn kết nối với hệ thống giao thông của Long An và Tiền Giang, rút ngắn gần một nửa thời gian di chuyển từ vùng biên giới Tân Hưng về TP.Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang). 

Hiện, các em học sinh trong vùng đã có thể đi xe đạp đến trường. Xe tải có thể vào tận ấp, đến tận nhà dân để thu mua nông sản cho bà con nông dân. Ông Trần Văn Chánh, Trưởng ấp Vĩnh Bửu (xã Vĩnh Đại) cho biết, những chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM khi trao đổi, bà con địa phương luôn đồng tình ủng hộ.      

Trước đây, tuyến đường giao thông bờ tây Kênh Bùi Mới (xã Tân Thành, Tân Thạnh) có chiều dài hơn gần 5km thường lầy lội về mùa mưa và bụi bặm về mùa nắng. Thế nhưng, với sự nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền và sự chung tay của người dân, tuyến đường bờ tây Kênh Bùi Mới đã được nâng cấp theo hình thức xã hội hóa với chiều dài 5km, rải nhựa rộng 3m, với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng. Ngoài nguồn ngân sách huyện đầu tư, người dân còn hiến hàng ngàn mét vuông đất, cây ăn trái, kiến trúc trên đất trị giá hàng tỷ đồng để công trình thi công đảm bảo tiến độ.

Long An “khoan” sức dân nâng chất giao thông ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười - Ảnh 3.

Tuyến đường bờ tây Kênh Bùi Mới (xã Tân Thành, Tân Thạnh) được láng nhựa trong Chương trình nông thôn mới. Ảnh: Trần Đáng.

Ông  Lê Văn Nị (ấp 2, xã Tân Thành) vui mừng chia sẻ, trước đây con đường bờ tây Kênh Bùi Mới đi lại khó khăn do xuống cấp. "Từ khi có đường mới, chúng tôi rất vui, phấn khởi. Có con đường mới, không chỉ người dân đi lại thuận tiện mà còn giúp giao thương hàng hóa với các xã lân cận, người dân ổn định cuộc sống hơn trước", ông Nị bộc bạch.

Giao thông nông thôn - một vấn đề lớn của nông thôn mới

Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An, giao thông nông thôn ở vùng Đồng Tháp Mười là một vấn đề lớn, không thể giải quyết một sớm, một chiều. Bởi, đây là vùng đặc thù với kênh, rạch chằng chịt, phải đầu tư cầu, cống khá lớn. Hiện, vùng ĐTM có hạ tầng giao thông còn khá yếu. Để thực hiện tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM, khu vực này có mức đầu tư rất lớn, trong khi nguồn lực của tỉnh lại hạn hẹp, nên cần phải huy động toàn xã hội tham gia.Tuy nhiên, qua 10 năm xây dựng NTM, các địa phương đã có nhiều cố gắng cải thiện hạ tầng giao thông. Về cơ bản là đường đi được nhưng mới cứng hóa, còn bê tông hóa chưa nhiều. Xe ôtô có thể dễ dàng đến các trung tâm xã. Nhưng đường nội đồng, liên ấp đi lại còn khá khó khăn.

Cũng theo ông Truyền, lâu nay các huyện có phong trào hiến đất, đóng góp tiền của để cải thiện giao thông nông thôn. Nhưng đường nội đồng làm khá nhỏ, cầu làm tạm để kết nối giao thông nên người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa khá khó khăn. "Giờ những con đường này phải tổ chức làm chỗ tránh xe. Các cầu khi xây dựng phải chịu tải 5-8 tấn", ông Truyền chia sẻ.

Long An “khoan” sức dân nâng chất giao thông ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười - Ảnh 4.

Một con hoa bê-tông hóa trong Chương trình nông thôn mới ở vùng Đồng Tháp Mười (Long An). Ảnh: Trần Đáng.

Theo Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM tỉnh Long An, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh tiếp tục được các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư ưu tiên đầu tư theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Toàn tỉnh hiện có hơn 8.153km đường giao thông, trong đó hơn 435km đường bê tông nhựa, 2.718km đường láng nhựa, 1.488 km đường bê tông xi măng, hơn 2.35km đường cấp phối, 1.161km đường đất.