Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc hướng dẫn quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19.
Bộ Y tế cho biết hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới với các biến thể mới được ghi nhận có khả năng lây lan nhanh và gây nguy hiểm như Delta (B.1.617), Omicron (B.1.1.529).
Trong đó nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao với mức độ bệnh tăng nặng và tử vong cao khi mắc Covid- 19 là nhóm người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ.
"Do đó, việc quản lý, theo dõi sức khỏe, giám sát phát hiện sớm để điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong là rất cấp thiết, nhất là trong bối cảnh cả nước đang thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Bộ Y tế ban hành hướng dẫn quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid- 19 để các địa phương làm cơ sở triển khai thực hiện, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực chỉ đạo Sở Y tế và các Sở, ngành liên quan hướng dẫn, phối hợp với các địa phương để triển khai thực hiện hướng dẫn theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Theo Bộ Y tế, các nội dung ưu tiên cần thực hiện là quản lý người thuộc nhóm nguy cơ; truyền thông, tư vấn về phòng chống Covid-19; tiêm chủng vaccine Covid-19; xét nghiệm tầm soát phát hiện người mắc Covid-19; chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19 thuộc ngóm nguy cơ; bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ khi người sống chung, người cùng gia đình bị mắc Covid-19; hỗ trợ chăm sóc thể chất và tâm lý xã hội.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương bố trí ngân sách, huy động các Ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, chính trị xã hội tham gia triển khai thực hiện hướng dẫn trên địa bàn đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả.
Theo Bộ Y tế, các xã, phường, thị trấn... tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê người thuộc nhóm nguy cơ cao, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ và phê duyệt danh sách nhóm nguy cơ mắc Covid-19 trên địa bàn phụ trách.
Việc quản lý đối tượng có nguy cơ mắc Covid-19 cần điều tra xác định các yếu tố như tình trạng bệnh nền đang được điều trị; Tình trạng sức khỏe (khả năng tự đi lại, tự chăm sóc bản thân); Tình trạng sống chung (sống một mình, sống chung); Nhu cầu hỗ trợ (chăm sóc, điều trị bệnh nền, thuốc, nhu cầu khác).
Áp dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý, theo dõi tình trạng sức khỏe, tình trạng tiêm chủng vaccine Covid-19.
Các địa phương tổ chức các tổ Covid cộng đồng, tổ chăm sóc người mắc Covd-19 lập danh sách và theo dõi sức khoẻ người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Các địa phương phải thông tin đầy đủ về lợi ích của việc tiêm vaccine Covid-19; thuyết phục, động viên người thuộc nhóm nguy cơ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều để khẩn trương tiêm chủng vaccine Covid-19 đảm bảo không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Có thể tổ chức tiêm lưu động đến tiêm tại nhà cho những người không di chuyển được; tiêm mũi bổ sung, tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 cho người thuộc nhóm nguy cơ đã tiêm đủ liều.
Ngày 21/12, Bộ Y tế cũng ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine Covid-19 dành cho người từ 18 tuổi trở lên.
So với hướng dẫn mới ban hành hồi tháng 9, lần này Bộ Y tế chỉ quy định 2 đối tượng cần trì hoãn tiêm chủng gồm người đang mắc bệnh cấp tính và phụ nữ mang thai dưới 13 tuần. (Quy định trước đây có thêm trường hợp "có tiền sử rõ ràng đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng").
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng phân loại người tiêm vaccine Covid-19 thành 4 nhóm.
Nhóm 1: Người đủ điều kiện tiêm chủng, là người độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào trong thành phần của vaccine.
Nhóm 2: Người cần thận trọng tiêm chủng, gồm:
Người phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng: Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; người có bệnh nền, bệnh mạn tính; người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu; phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên; người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống.
Nhóm 3: Người trì hoãn tiêm chủng, gồm: Đang mắc bệnh cấp tính; Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần.
Nhóm 4: Chống chỉ định, gồm: Tiền sử rõ ràng phản vệ với vaccine phòng Covid-19 cùng loại (lần trước); Có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.
Sau khám sàng lọc, trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng sẽ được chỉ định tiêm ngay, chỉ trì hoãn tiêm với trường hợp có ít nhất một yếu tố phải trì hoãn. Trường hợp có tiền sử phản vệ độ 3, với bất kỳ nguyên nhân gì, sẽ tiêm ở cơ sở y tế có đủ khả năng cấp cứu phản vệ.
Phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa. Không tiêm cho những người có chống chỉ định tiêm chủng.