Bà Lê Hoàng Diệp Thảo – CEO TNI King Coffee, cho biết: "Đây có thể xem là sự kiện đặc biệt nhất của ngành cà phê Việt Nam. Hạt cà phê Robusta Việt Nam được công nhận Kỷ lục Thế giới - đó là tài sản của Quốc gia, thuộc về Quốc gia và toàn người dân Việt Nam".
Từ nhiều năm nay, cà phê đã trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là cà phê Robusta. Vốn được thiên nhiên ưu đãi, Việt Nam trở thành quốc gia có sản lượng Robusta cao nhất thế giới.
Tính riêng 2020 - 2021, sản lượng Robusta trong nước đạt hơn 29.680 ngàn tấn, trong khi đó Brazin chỉ có hơn 21.300 tấn, dẫn đầu trong danh sách 5 quốc gia xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, cà phê Việt Nam gần như không được thế giới biết đến nhiều.
"Sản lượng xuất khẩu cà phê Robusta Việt Nam chiếm vị trí khá quan trọng tới 40% sản lượng toàn cầu, thậm chí có thời điểm lên 60-70%, đứng nhất, nhì thế giới. Tuy nhiên không ai nhắc gì đến Robusta Việt Nam. Nghịch lý này cần sắp xếp lại", bà Thảo nhấn mạnh.
Theo bà Thảo, khi đứng trong vai trò Phó Chủ tịch Hiệp hội, bà luôn tự nhắc mình cần phải làm gì để thế giới biết về Robusta, Robusta Việt Nam tốt như thế nào.
"Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, song ngành nông nghiệp nào có thể xây dựng được thương hiệu, phổ cập toàn cầu, có thể đưa được văn hóa của chính sản phẩm đó và xây dựng văn hóa đó ra với thế giới như một sự tự hào thì đó chỉ là cà phê!" – bà Lê Hoàng Diệp Thảo, nói.
"Về mặt sản lượng thì Việt Nam là hàng đầu thế giới, về mặt chất lượng thì tôi đi thuyết phục với tất cả các nước trồng cà phê rằng chúng tôi có những loại cà phê được làm từ chính cà phê của chúng tôi nhưng pha ra rất ngon, như cà phê trứng, cà phê sữa đá,… và nhiều loại cà phê rất đặc biệt khác", bà Thảo nói.
"Chúng tôi phải làm nhiều hoạt động để thay đổi được suy nghĩ của nhiều người trong ngành này, Kỷ lục Thế giới cho Cà phê Robusta Việt Nam là một ví dụ", bà Diệp Thảo cho hay.
Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Văn Viễn - Viện trưởng Viện Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam (Thành viên Hội đồng WorldKings toàn cầu) nhận định, việc làm của bà Lê Hoàng Diệp Thảo rất ý nghĩa cho ngành cà phê Việt Nam.
"Với việc công nhận Kỷ lục Thế giới này cho cà phê Robusta của Việt Nam, thế giới sẽ biết đến thương hiệu cà phê Việt Nam, đặc biệt là cà phê Robusta và ủng hộ cho Việt Nam tốt hơn. Điều này sẽ góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trên thị trường cà phê toàn cầu", ông Viễn nói.
Để thế giới biết đến cà phê Việt Nam, đặc biệt là cà phê Robusta nhiều hơn nữa, theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo, quan trọng nhất Việt Nam cần có chiến lược cụ thể, đi từ tầm Chính phủ, bộ ngành đến người nông dân trồng cà phê.
"Đến khi nào hàng triệu người nông dân trồng cà phê thấy được giá trị hạt cà phê, nâng cao chất lượng cà phê trong nước, lúc đó mới có thể được xem là thành công của ngành cà phê", bà Thảo nói.
Để xúc tiến cho hành trình quảng bá cà phê Việt Nam ra thế giới, bà Diệp Thảo cho biết, tuần tới bà sẽ có chuyến công tác tiếp theo tại Dubai Expo để quảng bá cho cà phê Việt Nam.
"King Coffee sẽ kết hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để tổ chức Ngày Quốc gia Việt Nam 30/12 và Tuần lễ Cà phê Việt Nam kéo dài 7 ngày, bắt đầu từ ngày 29/12/2021", bà Thảo nói.
Về dự định xa hơn trong thời gian tới, CEO King Coffee cho biết, doanh nghiệp đang có nhiều kế hoạch để chinh phục thế giới sâu hơn.
"King Coffee bước đầu sẽ chia thế giới ra làm 7 vùng, và dựa trên 7 vùng này sẽ có chiến lược phù hợp giúp cà phê Robusta thâm nhập sâu hơn bằng nhiều sản phẩm mới", bà Thảo thông tin thêm.
Những nội dung đã mang lại Kỷ lục Thế giới cho Cà phê Việt Nam, gồm:
Việt Nam: Quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta ra thị trường toàn cầu lớn nhất về sản lượng và năng suất.
Văn hóa pha chế cà phê Việt Nam: Các giá trị di sản về nghệ thuật pha chế đặc trưng, độc đáo nhất (cà phê Ê-đê, cà phê Vợt, cà phê Phin)
Nghệ thuật phối trộn và thưởng thức cà phê Việt Nam: đa dạng, sáng tạo và độc đáo nhất qua các thức uống, món ăn rất đặc trưng của Việt Nam (cà phê trứng, cà phê sữa đá…)