"TP.HCM rất mạnh về cây kiểng, cá cảnh, nhưng trong Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của Trung ương chưa có tiêu chí về hai sản phẩm này", bà Hoàng Thị Mai - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó phòng Kinh tế huyện Bình Chánh cho biết, huyện Bình Chánh có 9 sản phẩm sẽ làm OCOP.
Tuy nhiên, sản phẩm chủ lực của huyện là cá cảnh thì chưa thể đăng ký được vì chưa có tiêu chí để bình xét.
Chưa hết, ông Hải còn cho biết, việc viết một câu chuyện về sản phẩm làm OCOP cho thấy sự khác biệt, nổi trội với sản phẩm cùng loại luôn rất khó khăn.
Ông Hải cho rằng, có những sản không nên làm OCOP khu biệt, mà phải là sản phẩm vùng.
"Ở Bình Chánh rau sạch được nhiều đơn vị làm, rải khắp nơi. Nếu làm OCOP cho từng loại, từng đơn vị rất phức tạp. Nên viết câu chuyện OCOP cho loại rau đại diện cả vùng", ông Hải chia sẻ.
Trong khi đó, ông Lê Văn Thúa - Trưởng phòng Kinh tế huyện Củ Chi lại quan tâm đến lợi ích của sản phẩm khi trở thành OCOP.
Theo ông Thúa, nhiều sản phẩm trên địa bàn huyện đang xuất khẩu ra nước ngoài, rất triển vọng để làm OCOP.
Tuy nhiên, khi vận động để sản phẩm trở thành OCOP, chủ sản phẩm không đồng ý vì chẳng thấy lợi ích gì.
"Cần đẩy mạnh tuyên truyền để người có sản phẩm thấy được lợi ích khi tham gia OCOP, chứ bỏ công sức mà chẳng lợi ích gì thì chẳng ai làm", ông Thúa thổ lộ.
Theo bà Mai, Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới TP đã có công văn gởi Văn phòng điều phối Chương trình nông thôn mới Trung ương cần xây dựng tiêu chí OCOP cho cây kiểng và cá cảnh.
"TP cũng có thể tự xây dựng riêng tiêu chí OCOP cho cây kiểng và cá cảnh", bà Mai cho biết.
Về ích lợi khi tham gia OCOP, bà Mai cũng cho biết, sẽ tham mưu TP xây dựng chính sách vốn ưu đãi cho những đơn vị làm và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Bà Nguyễn Thúy Lệ Hằng, cán bộ Chi cục Phát triển nông thôn TP cho biết, qua rà soát, trên địa bàn 5 huyện của TP có 124 sản phẩm có tiềm năng tham gia Chương trình OCOP, giai đoạn 2021 – 2025.
Hiện, Văn phòng Điều phối Chương trình nông thôn mới TP đã trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP TP 22 sản phẩm để gắn sao.
Mới đây tại buổi Hội thảo khoa học về phát triển HTX nông nghiệp và chương trình OCOP phù hợp với vùng nông thôn TP, TS Nguyễn Đình Bình (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM) cho biết, trong cuộc khảo sát của trường với 5.600 người dân TP về Chương trình OCOP. Kết quả, 100% người dân quan tâm đến chương trình này.
"Mức độ quan tâm của người dân trên địa bàn các huyện về Chương trình OCOP là rất cao", TS Bình nhận xét.
Tuy nhiên, để Chương trình OCOP thành công, ông Bình cho rằng, cần phải đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP, nhất là cán bộ cấp xã.
Song song đó, TP cần thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ vốn, tín dụng.
TS Nguyễn Thị Đông (Trường ĐH Kinh tế - Luật) cũng cho rằng, phải đổi mới và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP. "Đến giờ tôi chưa thấy logo sản phẩm OCOP của TP, trong khi nhiều tỉnh khác đã làm", TS Đông chia sẻ.
Bà Hằng cho rằng, việc phân hạng, đánh giá sản phẩm OCOP của TP đang tập trung đi vào thực chất.