Trong thời loạn lạc như Tam Quốc, việc thay đổi triều đại thường kéo theo những trận chiến đẫm máu. Hoàng đế cùng hoàng tộc, quan lại của triều đại trước về cơ bản đều chịu kết cục không mấy tốt đẹp.
Trên ván cờ chính trị, chỉ có một mẫu số chung đó là "thắng làm vua, thua làm giặc". Để ngăn chặn tàn dư của triều đại trước, những người thống trị mới thường sẽ chọn cách "nhổ cỏ tận gốc", dùng trăm phương nghìn kế để diệt trừ những mầm họa. Tuy nhiên, trong lịch sử vẫn có những trường hợp ngoại lệ.
Lưu Thiện, hậu chủ của Thục Hán, chính là minh chứng rõ ràng nhất về kết cục có hậu của một vị hoàng đế mất nước.
Năm 263, khi quân Tào đánh vào Thành Đô, thay vì giao chiến, Lưu Thiện đã chọn cách mở cửa đầu hàng. Hành động này của Lưu Thiện cùng những chuyện trong quá khứ khi sống dưới "cái bóng" quá lớn của Gia Cát Lượng, khiến người đời đều cho rằng ông là một vị hoàng đế bất tài.
Tuy nhiên, các sử gia giờ đây lại có những ý kiến khác nhau về Lưu Thiện. Có người cho rằng Lưu Thiện đúng là một vị hoàng đế tầm thường, giống như ghi chép trong sử sách. Song số khác lại cho rằng Lưu Thiện thực ra là "đại trí giả ngu", giả ngốc để sống sót khi mất nước và sống dưới mái nhà của Tào Ngụy.
Lưu Thiện (207 – 271), tiểu tự A Đẩu, là vị hoàng đế thứ hai và cuối cùng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc. Sau khi Lưu Bị mất ở thành Bạch Đế vào tháng 6/223, Lưu Thiện lên ngôi hoàng đế ở Thành Đô.
Ở giai đoạn đầu, ông nhận được sự phò tá đắc lực của Thừa tướng Gia Cát Lượng. Sau này, ông tiếp tục trị vì Thục Hán. Ông ở ngôi hoàng đế suốt 41 năm.
Sau khi mất Thục Hán, Lưu Thiện chuyển đến ở Lạc Dương, kinh thành của Tào Ngụy. Ông được phong là An Lạc Công.
Tuy nhiên, trong thời gian này, Khương Duy cùng với Chung Hội mưu đồ tạo phản, nhưng không may bị phát hiện. Kết cục, Khương Duy cùng những người khác đều bị xử tử. Hy vọng hồi sinh của Thục Hán coi như chấm dứt.
Để diệt trừ tận gốc mối lo này, tại sao gia tộc Tư Mã không xử tử Lưu Thiện, người từng làm hoàng đế của Thục Hán?
Nguyên nhân bắt nguồn từ 3 chữ mà ông vua mất nước này từng viết trên đất Ngụy.
Theo đó, sau khi chuyển đến Lạc Dương, Tư Mã Chiêu (con trai của Tư Mã Ý, quyền thần nổi tiếng của nhà Tào Ngụy) đã lập tức mở tiệc khoản đãi Lưu Thiện, thậm chí còn đặc biệt cho người múa điệu nhạc của nước Thục. Những đại thần của Thục Hán có mặt tại đó đều rơm rớm nước mắt khi nghĩ đến đất Thục cùng nỗi đau mất nước.
Thế nhưng Lưu Thiện lại rất vui vẻ. Tư Mã Chiêu thấy vậy liền hỏi: "An Lạc Công có nhớ Thục Hán không?"
Lưu Thiện liền nói: "Ở đây tôi rất vui, không còn nhớ gì đến đất Thục nữa".
Câu trả lời ngốc nghếch, không có chí phục quốc của Lưu Thiện khiến Tư Mã Chiêu tạm dẹp bỏ mối nghi ngờ sang một bên.
Thế nhưng nhất cử nhất động của Lưu Thiện cùng các đại thần của Thục Hán vẫn luôn nằm trong tầm ngắm của Tư Mã Chiêu và chính quyền Tào Ngụy.
Khi cho người theo dõi Lưu Thiện, Tư Mã Chiêu nhận được mật báo rằng Lưu Thiện có treo ba chữ lớn ở trước cổng. Đó là ba chữ "Sơn Trung Trại". Tuy nhiên, khi đọc ngược thì nó sẽ đồng âm với cụm từ "ở trong núi". Ba chữ này có nghĩa là Lưu Thiện đang chỉ có ý định muốn ở ẩn trong núi, không màng đến sự đời hay việc phục quốc nữa. Thông điệp này ngầm bày tỏ với Tư Mã Chiêu.
Sau khi biết được ý nghĩa của ba chữ này, Tư Mã Chiêu cũng từ bỏ ý định giết Lưu Thiện, đồng thời không còn đề phòng nữa.
Lùi một bước, chịu nhún nhường đã giúp Lưu Thiện vượt qua án tử một cách êm thấm. Xét trong hoàn cảnh của một hoàng đế mất nước, lại sống dưới mái nhà của kẻ địch, việc giả ngốc để thoát nạn của Lưu Thiện cũng có thể được coi là sáng suốt.
Bởi không chỉ ông mà còn có tính mạng của nhiều đại thần, người dân ở Thục Hán cũng đang nằm trong tay của Tào Ngụy. Sau này, chính nhờ những nước đi ban đầu khôn ngoan của Lưu Thiện đã giúp ông có được cuộc sống an nhàn đến cuối đời, con cháu cũng có chỗ đứng ở nước Ngụy.