Ngày 26/12, lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai cho biết từ đầu tháng 12 đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận 588 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 13 ca so với tháng trước.
Tính từ đầu năm đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết tại Đồng Nai đã lên đến 6.600 ca (tăng 2.000 ca so với năm 2020), trong đó có 1 ca tử vong.
Hiện tại, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai đang phối hợp thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết như phun thuốc diệt muỗi, giám sát ca bệnh, triển khai chiến dịch diệt lăng quăng.
Ông Trần Văn Thuận, Phó giám đốc chuyên môn kiêm Trưởng khoa Nội Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cũng cho biết, những ngày gần đây, bệnh viện tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp bệnh nhân bị sốt xuất huyết.
Ông Thuận cho hay, sốt xuất huyết được chia thành 3 mức độ: nhẹ, vừa và nặng. Các triệu chứng thông thường của bệnh sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài từ 5-7 ngày, phát ban, đau đầu, đau người, buồn nôn, mệt mỏi. Bệnh nhân mắc bệnh nhẹ có thể tự khỏi sau khoảng 7 ngày.
Tuy nhiên, bệnh nhân mắc bệnh nặng kèm theo một số tình trạng như xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, rong kinh ở phụ nữ. Ở mức độ nặng hơn có thể gây ra biến chứng như xuất huyết nội tạng, xuất huyết não, tổn thương gan thận, rối loạn đông máu, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.
Ngoài sốt xuất huyết ra thì hiện nay tình trạng trẻ mắc tay chân miệng cũng tăng. Tháng 12 toàn tỉnh ghi nhận 9 ca, tăng 2 ca so với tháng trước, còn tính từ đầu năm đến nay là 2.900 ca.
Theo Sở Y tế, hiện nay do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên xảy ra tình trạng nhiều trẻ em mắc cùng lúc nhiều bệnh nên dẫn đến tình trạng một số bệnh viện quá tải.
Nhiều phụ huynh cũng e ngại việc đưa con đến thăm khám tại các cơ sở y tế do lo sợ dịch bệnh lây lan nên khi cho bệnh nhân nhập viện thì tình trạng đã trở nặng, quá trình điều trị phải diễn ra lâu hơn.
Bác sĩ Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, nguyên nhân dẫn đến số trường hợp sốt xuất huyết tăng là do thời tiết thay đổi thất thường, người dân chưa vệ sinh nơi ở đúng cách dẫn đến phát sinh muỗi, lăng quăng,…
Riêng số ca mắc chân tay miệng năm nay không nhiều có thể do học sinh đa số ở nhà học trực tuyến, không đến trường nên nguy cơ lây nhiễm không cao.
Tuy nhiên bác sĩ Phúc vẫn khuyến cáo người dân giai đoạn cuối năm là thời điểm các bệnh truyền nhiễm phát triển do thời tiết nên người dân phải giữ vệ sinh nơi ở sạch sẽ, phòng, chống dịch bệnh để hạn chế lây bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là ở trẻ em.