Việc Mỹ sử dụng chất da cam/dioxin ở chiến trường trong suốt 10 năm không chỉ huỷ hoại môi trường, các hệ sinh thái mà còn để lại hệ lụy đau lòng đến sức khỏe con người Việt Nam trong suốt 60 năm qua.
Tối 27/12, bên cánh gà hội trường Nhà khách La Thành (Hà Nội), nơi lễ trao giải thưởng Báo chí về đề tài "Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam" lần thứ nhất, người đàn ông tóc điểm hoa râm, mặc áo lính đang cầm chiếc điện thoại của mình đi dọc hai hàng tranh trưng bày những bức ảnh về nạn nhân chất độc da cam. Ông đang "tường thuật trực tiếp" bằng chính giọng của mình cho các con ở nhà... nghe. Chỉ nghe thôi, vì cả 3 người con của ông đều bị mù bẩm sinh do thứ chất độc dioxin nghiệt ngã.
Người lính già ấy là Nguyễn Xuân Thiện (66 tuổi, ở xã Đông Tiến, Huyện Đông Sơn, Tỉnh Thanh Hoá), một trong những người lính đã anh dũng chiến đấu, góp phần vào chiến thắng Mùa Xuân năm 1975.
Gia đình ông Thiện "có tiếng" khắp xã Đông Nam, huyện Đông Sơn vì sinh được 5 người con (2 trai, 3 gái) thì cả 3 cô con gái đều bị thần kinh, mù lòa, không thể tự chăm sóc bản thân. Vậy nên, gần 40 năm nay, 2 vợ chồng ông trở thành đôi mắt, đôi tay của con.
Những khi bình thường, 3 cô gái trên 30 và ngót 40 tuổi ấy, chẳng khác gì đứa trẻ hiền lành hiểu chuyện. Thế nhưng, các cô đâu ngồi yên mãi cho ông bà chăm sóc. Những khi lên cơn thần kinh, các cô trở nên hung dữ dị thường và quay ra đánh đập, cắn xé bố mẹ. Khi ấy, dẫu thể xác đau đớn và tinh thần mỏi mệt, nhưng những bậc làm cha làm mẹ chưa một phút buông bỏ cái khúc ruột đời mình.
Ông Thiện tâm sự: "Nếu cứ suy nghĩ tiêu cực thì bây giờ đến mái nhà tôi cũng không có. Với tôi, gia đình là cái gánh phải tự mình gánh lấy, chứ đừng trông chờ ai gánh hộ.
Thứ mất chúng tôi đã mất rồi, thứ còn lại là chúng tôi phải vượt lên chính mình thôi. Tôi cũng cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm, hỗ trợ, động viên gia đình chúng tôi trong suốt những năm qua".
Ông Thiện và các con của ông không phải những người duy nhất hứng chịu nỗi đau da cam. Theo số liệu thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, ở Việt Nam có 4,8 triệu người bị nhiễm chất độc hóa học, bao gồm cả những người tham gia kháng chiến và người dân sinh sống trên địa bàn bị rải chất độc hóa học.
Chỉ tính riêng tỉnh Bình Thuận, theo số liệu khảo sát của tỉnh, quân đội Mỹ đã phun rải trực tiếp xuống 65.473 ha, chiếm 8,4% diện tích đất đai toàn tỉnh; gây phơi nhiễm chất độc da cam cho gần 6.000 người. Hầu hết những người bị nhiễm chất độc da cam của tỉnh Bình Thuận là cán bộ kháng chiến, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhân dân sống trong vùng bị rải chất độc; một số là những người từng phục vụ trong chính quyền Sài Gòn cũng bị nhiễm chất độc da cam.
Phát biểu tại lễ trao giải thưởng Báo chí về đề tài "Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam" lần thứ nhất, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, đây là cuộc thi mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội và bạn bè quốc tế về thảm họa da cam ở Việt Nam.
Thượng tướng Rinh cho rằng, mỗi gia đình nạn nhân có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều có điểm chung là đau thương và nghèo khó. Họ là những người "nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ".
Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, nhằm nâng cao đời sống của nạn nhân chất độc da cam. Tuy vậy, vẫn chưa thể bù đắp được những mất mát, đau thương của nạn nhân.
Chính vì vậy, ông mong rằng trong thời gian tới cần tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, vận động các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân ủng hộ hỗ trợ nạn nhân.
Ban Tổ chức đã nhận được gần 600 tác phẩm tham dự (trong đó, có trên 400 tác phẩm có chất lượng, đúng thể lệ, được đăng tải trên Tạp chí Da cam Việt Nam, Tạp chí Điện tử Da cam Việt Nam và các báo, tạp chí khác).
Nội dung các tác phẩm rất phong phú, phản ánh về thảm họa da cam; công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học; công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam;... Hội đồng sơ khảo đã lựa chọn được 80 tác phẩm để đưa vào chấm vòng chung khảo.
Tại buổi lễ, Ban Tổ chức trao 3 giải A, 5 giải B, 10 giải C, 15 giải Khuyến khích; trao Bằng khen tặng 9 tập thể và 2 cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức tham gia giải lần này.
Qua giải báo chí, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam biên tập 33 tác phẩm đoạt giải in thành sách với tựa đề: "Thảm họa da cam-sẻ chia và khát vọng".