Theo các chuyên gia, bức tranh thị trường BĐS 2022 sẽ lạc quan hơn khi các hoạt động kinh tế phục hồi trở lại. Mặt bằng giá BĐS có thể sẽ thay đổi mạnh vào đầu năm 2022 khi các thông tin về quy hoạch, hạ tầng cũng như những hệ lụy từ đợt đấu giá đất tỷ USD ở Thủ Thiêm đang tác động lên mặt bằng giá nhà đất ở TP.HCM những ngày cuối năm.
"Ôm hàng" đón sóng đầu tư năm 2022
Ông Lê Minh Quốc, một nhà đầu tư BĐS lâu năm tại Q.3, hiện cũng đang nắm giữ 4 mảnh đất tại Nhơn Trạch (đất nông nghiệp), và vẫn đang tiếp tục tìm kiếm thêm đất tại khu vực vùng ven để mua, chờ cơ hội năm 2022. Theo ông Quốc, hiện giá BĐS chưa tăng mạnh nên vẫn có thể mua được, nhất là vào giai đoạn cuối năm, khi mà một số chủ đất cần tiền bán ra vì dịch Covid-19.
"Những nguồn hàng như vậy, nếu xem xét thấy hợp lý về giá cả và pháp lý thì sẽ mua vào để chờ chốt lời lúc thị trường nhộn nhịp vào năm 2022", ông Quốc nói.
Ghi nhận cho thấy, ở thời điểm này, thị trường BĐS cũng xuất hiện các nhóm đầu tư ôm hàng để chờ "lướt sóng" vào đầu năm sau. Tuy nhiên, đa số các sản phẩm được nhà đầu tư lựa chọn đều có pháp lý ổn, kì vọng sự nóng ấm vào đầu năm 2022 để chốt lời.
Làn sóng "săn" đất những ngày cuối năm không phải là mới, bởi khi nhà đầu tư có được thông tin dự báo về nguy cơ lạm phát, hoặc những nghiên cứu về thị trường sẽ tiếp tục khan hiếm nguồn cung… thì sẽ khiến giá BĐS tăng mạnh trong năm tới. Điều này cũng phù hợp với nhận định của giới chuyên gia khi cho rằng nhà ở sơ cấp sẽ khó có thể giảm trong năm 2022, do chi phí phát triển dự án (gồm tiền đền bù và chi phí tài chính) tăng cao trong bối cảnh dự án kéo dài vì vướng pháp lý và chi phí nguyên vật liệu xây dựng tăng mạnh thời gian qua cũng được tính vào giá nhà.
"Giá nhà sẽ khó giảm trong năm 2022, các chủ đầu tư có thể sẽ tiếp tục đưa ra các chính sách bàn giao tốt hơn, hỗ trợ kéo dài tiến độ thanh toán để kích cầu thay vì giảm giá bán sơ cấp", chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, nhận định.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, nguy cơ lạm phát kinh tế có thể khiến giá BĐS tăng mạnh trong năm tới.
"Theo quy luật, BĐS sẽ là kênh trú ẩn an toàn cho một bộ phận người giàu trong xã hội khi xảy ra lạm phát. Điều này sẽ làm tăng giá BĐS, qua đó làm giảm cơ hội mua nhà của người lao động có thu nhập thấp và trung bình", ông Châu nhận định.
Trong khi đó, theo nghiên cứu mới đây của VNDirect, dự báo giá bán căn hộ sơ cấp tại TP.HCM sẽ tiếp tục xu hướng tăng 1%-7% so với cùng kỳ ở tất cả phân khúc.
Theo đó phân khúc trung cấp sẽ tăng mạnh nhất 7% so với cùng kỳ do nhu cầu cao trong khi nguồn cung hạn chế. Riêng phân khúc hạng sang sẽ tiếp tục sôi động trong 2022 với sự ra mắt của các dự án tọa lạc tại vị trí "vàng" tại quận 1, TP.HCM và TP Thủ Đức, sau khi một dự án căn hộ thương hiệu đã thiết lập mức giá mới 16.500-18.000 USD/m2 (hơn 400 triệu đồng) trong năm nay.
Bên cạnh đó, giá đất tại các vùng lân cận TP.HCM sẽ tiếp tục tăng ấn tượng trong 2022, nhờ việc mở rộng đường cao tốc đến khu vực phía Tây và ven biển với các dự án hạ tầng đang triển khai như cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết, sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Ngoài ra, đề xuất thành lập thành phố Tây Bắc gồm Củ Chi và Hóc Môn, song song với chuyển các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ sẽ tiếp tục thúc đẩy giá đất tại các khu vực này tăng nhanh trong thời gian tới.
Cuộc đấu giá tỷ USD bắt đầu "phả hơi nóng" lên thị trường BĐS?
Ghi nhận của Dân Việt, giá nhà đất tại các quận 2, 9 và Thủ Đức (thuộc TP. Thủ Đức) hiện tăng khoảng 30-50% tùy từng khu vực. Chẳng hạn, dự án Centum Wealth (mặt tiền Xa lộ Hà Nội, cách ngã tư Thủ Đức khoảng 1 km) với 544 căn hộ đã được bàn giao vào năm 2020, mức giá ban đầu từ 36-38 triệu đồng/m2, nhưng nay tăng lên 40-50 triệu đồng/m2.
Cách đó không xa là dự án Moonlight Residences của Tập đoàn Hưng Thịnh, mức giá hiện tại được ghi nhận là 55-60 triệu đồng/m2, tăng 10-15 triệu đồng/m2 so với thời điểm mở bán. Hoặc, dự án căn hộ trên đường Nguyễn Cơ Thạch (TP.Thủ Đức) mở bán năm 2020 với giá khoảng 100 triệu đồng/m2 thì nay đang giao dịch ở mức 140 - 150 triệu đồng/m2...
Không chỉ căn hộ chung cư tăng giá, đất nền tại TP.Thủ Đức cũng đang tăng mạnh so với thời điểm trước dịch. Chẳng hạn, lô đất nền có diện tích 100 m2 ở Khu dân cư Kiến Á, phường Cát Lái (Q.2 cũ) trước dịch có giá vào khoảng 7 tỷ đồng thì nay đã tăng lên trên 8 tỷ đồng/nền.
Tương tự, tại Q.9 cũ, đất nền diện tích từ 50-60 m2 thuộc khu vực đường Võ Văn Hát hiện có giá 3-3,5 tỷ đồng/nền, tăng so với mức 2,5-3 tỷ đồng/nền của năm 2020; đất nền gần trục đường Nguyễn Duy Trinh (phường Long Trường) tăng từ 2,3 tỷ đồng/nền lên 2,8 tỷ đồng/nền.
Tại khu Đông Thủ Thiêm, Nam Rạch Chiếc, Cát Lái, Đảo Kim Cương trước kia được giao dịch 160 - 164 triệu đồng/m2 thì nay đã rao bán 200 - 250 triệu đồng/m2.
Diễn biến này cũng nằm trong cảnh báo của các chuyên gia kinh tế, BĐS. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, giá đất tại TP.HCM, cụ thể là khu vực trung tâm, đang bị đẩy lên một mức mới, từ đó khiến các chủ đầu tư khó tạo lập được quỹ đất và ảnh hưởng đến nguồn cung nhà ở.
"Có thể so sánh các loại hình, phân khúc BĐS là các bình thông nhau. Khi loại hình hay phân khúc này bị ảnh hưởng thì các loại hình, phân khúc khác cũng chịu tác động tương tự. Tôi cho rằng BĐS ở TP.HCM có nguy cơ bị đẩy giá thời gian tới, sau cuộc đấu giá đất ở Thủ Thiêm vừa qua", chủ tịch HoREA, nói.