Dân Việt

Giáp Tết, nở rộ lừa đảo qua tin nhắn, mạng xã hội

Diệu Linh - Gia Khiêm 02/01/2022 06:00 GMT+7
Từ chiêu trò giả mạo tên, hình ảnh người khác để đi lừa mượn tiền người quen của họ, kẻ xấu đã tạo ra một cách lừa mới vô cùng tinh vi để tiếp tục giăng bẫy nhiều người dùng, nhất là vào dịp cuối năm.

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Ngày 28/12, anh Đỗ Văn Linh (31 tuổi) công tác ở một bệnh viện ở Hà Nội giật mình khi nhận được cuộc gọi thông báo từ một người bạn rằng, tài khoản Zalo của anh đang bị hack. Các đối tượng đã sử dụng tài khoản mang tên và hình ảnh của anh để đi vay tiền, lừa đảo người thân, bạn bè.

Anh Linh ngay lập tức vào tài khoản kiểm tra thì thấy tài khoản Zalo của anh vẫn sử dụng bình thường nhưng trên tài khoản của anh hiện thông tin "tài khoản của bạn đang bị một thiết bị khác sử dụng".

"Lúc đó tôi kiểm tra tin nhắn thì không thấy thông tin gửi cho mọi người hỏi vay tiền. Tuy nhiên, khi hỏi những người bạn nhận được tin nhắn vay tiền thì họ đều cho biết tài khoản của tôi đã gửi tin nhắn vay họ 5 triệu đồng, có người còn nhận được tin nhắn hỏi vay 7 triệu đồng.

Rộ lừa đảo qua tin nhắn, mạng xã hội - Ảnh 1.

Người dân cần cảnh giác với các thủ đoạn giả mạo tài khoản nhắn tin vay tiền cuối năm. (Ảnh minh hoạ)

"Các đối tượng sử dụng thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi, mạo danh lừa người dùng qua Zalo, Facebook, rồi gửi tin nhắn lừa đảo giả mạo ngân hàng, lừa đảo bằng hình thức nhận giải thưởng… Đối với người dân không am hiểu về công nghệ rất dễ bị lừa đảo "sập bẫy" của các đối tượng".

Ông Trương Đức Lượng

Dù đối tượng hack tài khoản của tôi gửi tin nhắn cho tất cả mọi người có trong danh bạ nhưng rất may mọi người cảnh giác, không ai chuyển tiền", anh Linh kể và thông tin thêm, sau đó anh đã phải đổi mật khẩu Zalo và thông báo trên mạng xã hội cho mọi người biết việc tài khoản bị hack và kêu gọi mọi người cẩn thận, đề phòng.

Anh Nguyễn Văn D (40 tuổi, ở quận Long Biên) Hà Nội cũng là nạn nhân của một vụ lừa đảo vào tháng 10/2021. May mắn, anh D không bị sập bẫy của các đối tượng do cảm thấy có nhiều điều bất thường.

Anh D kể rằng, trước khi xảy ra vụ việc vài ngày, nhiều người quen của anh nhận được lời mời kết bạn trên Zalo với lý do "tạo tài khoản mới để kết nối với bạn bè". Tài khoản này đương nhiên có tên, hình đại diện là của anh D.

Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo mới

Mới đây, Công an TP.Hà Nội đã đưa ra cảnh báo về một số thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thường được các đối tượng xấu sử dụng trong đó có việc mạo danh công an. Các đối tượng còn sử dụng mạng xã hội để gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng tài sản có giá trị lớn cho người bị hại, sau đó, yêu cầu họ muốn nhận thưởng thì phải nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt. Liên quan đến mạng xã hội, chúng còn chiếm đoạt (hack) tài khoản mạng xã hội của người khác rồi nhắn tin cho người thân, bạn bè trong danh sách liên lạc để vay tiền; gửi thông báo lệnh chuyển tiền giả kèm đường link trang web giả mạo ngân hàng , yêu cầu người bị hại truy cập sau đó chiếm đoạt toàn bộ số tiền có trong tài khoản ngân hàng của người bị hại.

Các đối tượng gọi điện tự xưng là nhân viên bưu điện thông báo về việc có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận, thiếu nợ tiền ngân hàng hoặc liên quan đến các vụ án... Sau đó, đối tượng nối máy cho người bị hại nói chuyện với đối tượng khác giả danh cán bộ đang công tác tại cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án để đe dọa, yêu cầu chuyển tiền hoặc khai thác thông tin cá nhân nhằm chiếm quyền sử dụng tài khoản ngân hàng của nạn nhân.

P.V

img

Các đối tượng đã mạo danh tài khoản của anh Linh để hỏi vay tiền những người thân quen.

Ngăn chặn hơn 74 triệu cuộc gọi giả mạo

Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính từ tháng 7/2020 đến tháng 9/2021, các nhà mạng di động đã ngăn chặn hơn 74 triệu cuộc gọi giả mạo. Một trong những mục đích của các cuộc gọi giả mạo là nhằm lừa đảo người dân theo một số kịch bản như: Nhân viên điện lực thông báo đang nợ tiền điện, nhân viên chuyển phát thông báo có gói quà từ nước ngoài, nhân viên ngân hàng thông báo đang thiếu nợ, cảnh sát thông báo lỗi vi phạm giao thông hoặc liên quan đến các vụ án đang điều tra như buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia...

Nguyễn Đức

Sau đó, tài khoản mạo danh nhắn tin mượn tiền những người quen của anh D. Để tạo lòng tin, ngay sau khi nhắn tin mượn tiền, tài khoản mạo danh gọi điện video call trực tiếp nhưng hình ảnh anh D hiện lên khá tối, chập chờn, chỉ đủ để người nhận nhìn thấy mặt anh D.

"Sau đó, kẻ xấu nhắn tin nói rằng đang ở nơi chất lượng mạng kém nên hình ảnh bị chập chờn. Chúng đã dùng một tấm hình chụp tự sướng trên trang Zalo của tôi để nhá lên trong cuộc gọi video ngắn hòng thuyết phục nạn nhân tin đó chính là tôi gọi. Cũng rất may, sau đó tôi đã gọi điện hỏi lại thông tin từ người bạn nên đã không sập bẫy đối tượng lừa đảo"- anh D chia sẻ. Đối với các nền tảng mạng xã hội, chỉ cần người dùng không để ý là rất dễ sập bẫy các đối tượng lừa đảo.

Chị Đỗ Thị N (ở quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) cho hay, bản thân chị đang làm ở một công ty xuất nhập khẩu. Trước khi bị sập bẫy lừa đảo, chị N quen một đồng nghiệp mới vào làm tại công ty. Hai người sau đó chơi với nhau khá thân thiết. "Đến khoảng 2 tháng sau, vào một buổi sáng tôi nhận được tin nhắn Facebook từ người bạn đồng nghiệp mới này hỏi mượn tiền 50 triệu đồng để xử lý công việc gia đình gấp.

Vì cũng là chỗ thân quen, tin tưởng nên tôi không nghi ngờ mà chuyển tiền luôn cho người bạn đó. Đến khi, người bạn lên cơ quan tôi hỏi đã nhận được tiền chưa thì tôi mới ngã ngửa người ra là mình hack nick lừa đảo"- chị N kể lại.

Sau vụ việc, chị N coi đó là bài học cho bản thân và lên mạng xã hội cảnh báo cho người thân, bạn bè về thủ đoạn lừa đảo, hack nick Facebook.

Triệt phá nhiều vụ việc lừa đảo qua mạng

Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, mới đây, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố, tạm giam 7 đối tượng về hành vi sử dụng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Theo tài liệu, trước đó, Công an tỉnh Bắc Ninh nhận được đơn của một số bị hại trình báo về việc mình bị lừa đảo chiếm đoạt tiền thông qua thủ đoạn hack nick Facebook của người thân đang sinh sống ở nước ngoài, rồi vào nhắn tin, vay họ tiền, hoặc nhờ họ chuyển khoản cho các tài khoản khác tại Việt Nam, sau đó sẽ chuyển tiền từ nước ngoài về cho họ.

Người bị chiếm đoạt ít là 5 triệu đồng, người nhiều lên tới hàng trăm triệu đồng. Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Công an tỉnh Bắc Ninh đã lập chuyên án phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) để đấu tranh, làm rõ.

Quá trình điều tra công an đã làm rõ sau khi có các tài khoản, các đối tượng đã liên hệ với các đối tượng hacker để bọn chúng dùng các số tài khoản này đưa cho bị hại chuyển tiền vào. Sau khi dòng tiền lừa đảo đổ vào, các đối tượng lập tức rút tiền mặt qua các cây ATM để chia nhau, trong đó đối tượng thực hiện hành vi hack chính sẽ được hưởng nhiều nhất (70%).

Đây chỉ là một vụ việc trong số hàng chục vụ việc mà Bộ Công an phối hợp với công an các tỉnh thành triệt phá, khởi tố các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng hội Zalo, Facebook trong thời gian qua.

Ông Trương Đức Lượng, một chuyên gia về an ninh cho hay, hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều người dân phản ánh hành vi lừa đảo trên không gian mạng, nhất là vào thời điểm dịp cuối năm.

Các đối tượng sử dụng thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi, mạo danh lừa người dùng qua Zalo, Facebook, rồi gửi tin nhắn lừa đảo giả mạo ngân hàng, lừa đảo bằng thức nhận giải thưởng… Đối với người dân không am hiểu về công nghệ rất dễ bị lừa đảo "sập bẫy" của các đối tượng.

Chính vì vậy, ông Lượng khuyến cáo, đối người dùng phải hết sức cẩn trọng, nên gọi lại bằng điện thoại cho người hỏi vay tiền để xác thực lại các thông tin vay tiền trên Zalo, Facebook. Có như vậy người dùng mới hạn chế được việc bị lừa, sập bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Ông Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Công ty cổ phần ATTT CyRadar (chuyên gia về lĩnh vực công nghệ) cũng lưu ý, người dân khi gặp hoặc được gửi các đường link lạ thì nên hạn chế tối đa việc nhấn truy cập vào đường link lạ.

Đối với các tin nhắn qua Facebook hoặc Zalo hỏi vay tiền, người dùng cần cẩn trọng không chuyển tiền ngay mà phải gọi điện thoại lại cho người hỏi vay tiền xác minh lại thông tin.

Đối với tài khoản cá nhân, luôn cẩn trọng trước các yêu cầu điền thông tin tài khoản ngân hàng, chứng minh nhân dân, số điện thoại, nhất là mã OTP từ ngân hàng để tránh bị chiếm đoạt tiền từ tài khoản.

Đối với các cuộc gọi giả danh công an, viện kiểm sát, ngân hàng hoặc thông báo có quà từ bưu điện..., người dùng tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào. Người dùng cũng không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Với các cuộc gọi nhá máy từ số quốc tế, người dùng không nên gọi lại trừ khi biết chắc chắn đó là số điện thoại của người thân ở nước ngoài.