Trung tướng Vương Thừa Vũ tên thật là Nguyễn Văn Đồi, sinh năm 1910 tại Hà Nội. Lúc nhỏ, ông theo cha sang Vân Nam, Trung Quốc sinh sống, rồi vào làm thợ cơ khí trong ngành hỏa xa tại Vân Nam.
Ông từng theo học Trường Quân sự Hoàng Phố nên có khả năng võ nghệ và kiến thức vững chắc về quân sự. Sau khi tốt nghiệp, ông từ bỏ cuộc sống no đủ nơi xứ người cùng vợ con trở về Việt Nam, tham gia vào hàng ngũ cách mạng.
Năm 1941, tướng Vương Thừa Vũ bị Pháp bắt giam và năm 1942 bị đày tại trại giam Bá Vân (Thái Nguyên), sau đó là Nghĩa Lộ, Yên Bái.
Trong cuốn hồi ký "Những chặng đường chiến đấu" (NXB QĐND 2005), Trung tướng Vương Thừa Vũ kể, ông bất ngờ khi thấy một đồng chí gọi là ông là võ sĩ: Tôi gặng hỏi, đồng chí này tươi cười kể cho tôi nghe: Trong chuyến áp giải chúng tôi từ căng Bá Vân về Hà Nội và từ Hà Nội lên đây, có một vài người lính được bọn mật thám Pháp cho biết tôi là một "tay lợi hại", cần phải hết sức chú ý kẻo tôi trốn. Muốn để mấy người lính đó làm ăn cẩn thận hơn, bọn mật thám còn rỉ tai cho họ biết thêm tôi là một thầy dạy võ, dạy quân sự, thập bát ban võ nghệ đều tinh thông và theo họ thì tôi còn rất cứng đầu cứng cổ".
"Ông ấy, ngoài thập bát ban võ nghệ tinh thông, lại biết cả gồng, cả điểm huyệt nữa. Thịt da ông ấy, dao chém không đứt. Đánh ai, ông ấy chỉ đặt ngón tay đúng chỗ hiểm là người đó chết tươi... Còn về tính tình, các đồng chí ta giới thiệu là: Ông ấy rất thương người nghèo, rất ghét kẻ bóc lột thống trị và lũ tay sai... Nghe vậy, anh em binh lính đều tấm tắc khen ông võ sĩ".
Trung tướng Vương Thừa Vũ cho biết có lẽ ông thành "võ sĩ" là do mọi người chứng kiến ông đấu võ với tù thường phạm ở Hỏa Lò - Hà Nội và giành chiến thắng.
Lần đó, một người tù thường phạm cao to ra đứng giữa sân thách thức. Mấy anh em tù chính trị hăng hái nhảy ra đấu đều bị quật ngã lăn ra sân. Thấy vậy, ông xót không chịu nổi. Quan sát kỹ chỗ mạnh, chỗ yếu của hắn, ông nhận thấy các đồng chí ra trước đã không làm được hai nguyên tắc cơ bản của võ tay không là bám địch đánh địch và lấy sức địch đánh địch.
"Tôi nhảy ra, hắn thấy tôi gầy gò mảnh khảnh hắn càng chủ quan kiêu ngạo. Tôi vừa tránh né hắn, tạo cho hắn chủ quan thêm, hắn sấn tới lao vào túm vai tôi. Tôi né người, nắm lấy tay hắn giật mạnh, lỡ đà, lại bị kéo, hắn nhoài người ra. Tôi cứng bàn tay xỉa nhẹ vào nách hắn, hự! Cả thân hình cao to ấy đổ vật xuống sân… Anh em tù chính trị nhảy lên reo hò hả dạ".
Năm 1946, khi quân Pháp gây hấn tại Hà Nội, ông được giữ chức Chỉ huy trưởng bộ đội Hà Nội; Khu trưởng Khu XI Hà Nội, sau đó đổi thành Chỉ huy quân sự Khu II bảo vệ Hà Nội, Liên khu Phó Liên khu I.
Dự báo quân Pháp sẽ nổ súng, Bộ Tư lệnh Quân đội Quốc gia Việt Nam đã chỉ định ông làm Tư lệnh Mặt trận Hà Nội, còn gọi là Chiến khu XI. Ông chính là tác giả của cách đánh "trùng độc chiến" trong đánh, ngoài vây trên mặt trận Hà Nội trong 60 ngày đêm khói lửa (từ 9/12/1946 - 18/2/1947).
Đây là cách đánh từ trong đánh ra, ngoài đánh vào và kìm giữ tiêu diệt địch buộc địch phải đối phó với ta cả trong lòng thành phố lẫn ở cả các cửa ô. Kế hoạch tác chiến và thế trận vô cùng độc đáo, sáng tạo của Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội Vương Thừa Vũ, đã được Bộ Tổng Chỉ huy duyệt, khen ngợi.
60 ngày đêm chỉ huy Mặt trận Hà Nội, ông luôn luôn theo dõi sát sao hàng ngày, hàng giờ từng trận chiến đấu của quân dân ba liên khu để có những quyết định kịp thời, điều động các tiểu đoàn vệ quốc đoàn vừa chặn, vừa đánh, vừa tiêu hao địch bằng chiến thuật hết sức sáng tạo, thần diệu "hóa chỉnh vi linh" trên địa bàn các phố cổ, phố "Tây", các cửa ô và làng xã ngoại thành...
Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khi đã cầm chân được quân Pháp tại nội đô Hà Nội trong 2 tháng, sau đó Trung đoàn Thủ đô đã rút lui bảo toàn lực lượng.
Cách mạng tháng Tám thành công, ông được bổ nhiệm các chức vụ như Đại đoàn trưởng Đại đoàn chủ lực đầu tiên của QĐNDVN là Đại đoàn 308, Tư lệnh Quân khu Hữu ngạn, Giám đốc Học viên Quân sự, Tư lệnh Quân khu 4, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN.
Trung tướng Vương Thừa Vũ mất năm 1980, thọ 70 tuổi. Hà Nội hiện có tên đường mang tên ông.