Dân Việt

Đại gia bán lẻ mở hàng trăm cửa hàng năm 2021, thu bộn tiền nhưng vẫn than mệt

Hồng Phúc 31/12/2021 14:00 GMT+7
Bán lẻ năm 2021 là ngành hiếm hoi ghi nhận tăng trưởng. Có đại gia mở mới đến vài trăm điểm bán.

Cuối năm, nhiều cửa hàng bán lẻ thực phẩm nở rộ ở các khu dân cư tại TP.HCM. Các doanh nghiệp lớn như siêu thị, cửa hàng thực phẩm tiếp tục khai trương nhiều điểm bán xung quanh chợ để đón đầu cao điểm mua sắm cận Tết.

Đại gia bán lẻ mở vài trăm cửa hàng mới

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2021, bất chấp nhiều ngành bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19 thì mảng bán lẻ hàng hóa vẫn có điểm sáng.

Đây là mảng hiếm hoi ghi nhận tăng trưởng trong năm 2021. Cụ thể, năm 2021, mảng bán lẻ hàng hóa thì năm nay đạt doanh thu 3.950,9 nghìn tỷ đồng (tương đương 173,28 tỷ USD), tăng 0,2% so với kết quả đạt được năm 2020.


Bán lẻ năm 2021: Đại gia mở vài trăm cửa hàng mới, thu nhiều tiền nhưng vẫn than mệt - Ảnh 1.

Bán lẻ hàng hóa là mảng hiếm hoi ghi nhận tăng trưởng trong năm 2021. Nguồn: Tổng cục Thống kê.


Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, trong khi kênh bán lẻ truyền thống như chợ gặp nhiều khó khăn, thậm chí đóng cửa liên tục 2-3 tháng liền như tại TP.HCM, thì các hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm vẫn hoạt động liên tục. Nhìn về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ lớn có thể thấy, năm 2021 dường như là năm đạt được nhiều kết quả ấn tượng.

Chỉ tính đến cuối tháng 11/2021, hệ thống Bách Hóa Xanh đã mở rộng được thêm hơn 300 cửa hàng mới trong năm 2021, đưa số lượng cửa hàng toàn hệ thống lên con số 2.026 điểm bán.

Về doanh số, Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu lũy kế đến cuối tháng 11 đạt hơn 26.300 tỷ đồng, tăng 38% so với 11 tháng đầu năm 2020 và vượt xa so với tổng doanh thu của cả năm 2020. Ngay trong những tháng cao điểm dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam, Bách Hóa Xanh đã ghi nhận doanh thu kỷ lục, như tháng 7 lên đến 2,1 tỷ đồng mỗi cửa hàng.

Doanh nghiệp này ước tính doanh thu hàng tháng sẽ tiếp tục dao động trong khoảng 1.800- 2.000 tỷ đồng trong những tháng đầu năm 2022.

Tương tự các doanh nghiệp bán lẻ khác, Aeon Việt Nam cũng gặp tình trạng quá tải trong giai đoạn TP.HCM giãn cách xã hội. Đang sở hữu 6 trung tâm mua sắm, Aeon cũng đang có kế hoạch mở rộng tại thị trường Việt Nam.

Ông Motoya Okada, Chủ tịch Tập đoàn Aeon đánh giá Việt Nam là thị trường quan trọng không kém thị trường chính tại Nhật, dự kiến tăng gấp đôi các trung tâm thương mại tại Việt Nam trong thời gian tới.

Bán lẻ năm 2021: Đại gia mở vài trăm cửa hàng mới, thu nhiều tiền nhưng vẫn than mệt - Ảnh 2.

Bách Hóa Xanh mở mới hơn 300 cửa hàng trong năm 2021. Ảnh: Hồng Phúc

Hay như Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương, sau khi hoàn tất thương vụ mua lại hoàn toàn Emart của doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đã lên kế hoạch năm 2022 đưa vào hoạt động thêm 2 siêu thị tại TP.HCM, mở rộng hệ thống lên 10 siêu thị vào năm 2025. Ông Dương kỳ vọng Emart không chỉ có mặt tại các thành phố lớn, mà còn trải dài tại nhiều tỉnh thành khác ở Việt Nam.

Nhiều tiền nhưng cũng nhiều thách thức

Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op, không phủ nhận năm 2021 là một năm bận rộn của ngành bán lẻ. Ông cho rằng người ngoài nhìn vào thì đều khẳng định ngành bán lẻ kinh doanh rất tốt bởi đây gần như là lĩnh vực hoạt động xuyên suốt trong thời điểm dịch Covid-19.

Tuy nhiên, ông cho hay, năm 2021 cũng là năm mà ngành bán lẻ đối mặt với nhiều thách thức lớn nhất.

Đầu tiên, cơ cấu ngành bán lẻ tại Việt Nam từ trước đến nay vẫn chủ yếu nằm ở kênh truyền thống là chợ truyền thống và chợ tạp hóa. Kênh này chiếm đến 75% cơ cấu ngành bán lẻ, bán lẻ hiện đại chỉ khoảng 25%. Tuy nhiên, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, trước chỉ thị tạm đóng kênh bán lẻ truyền thống, thì các siêu thị gần như phải "ôm" toàn bộ nhu cầu hàng hóa, thực phẩm cho người dân.

"Chúng tôi liên tục họp, có thời điểm họp tới nửa đêm mới kết thúc để đưa ra kế hoạch hoạt động tối ưu nhất", ông Đức nói về tình hình khi đó. Ngoài ra, doanh nghiệp bán lẻ cũng đối mặt chi phí hàng, chi phí logistics tăng chóng mặt, trong khi các doanh nghiệp bình ổn cố gắng giữ giá.

Theo lãnh đạo của các doanh nghiệp bán lẻ, có thể họ cũng khó "gồng" nổi nếu tình hình như thời gian qua tiếp tục kéo dài.

Bán lẻ năm 2021: Đại gia mở vài trăm cửa hàng mới, thu nhiều tiền nhưng vẫn than mệt - Ảnh 3.

Nhân viên siêu thị SATRA chuẩn bị đơn hàng cho khách trong đợt giãn cách thứ tư. Ảnh: Hồng Phúc

Tuy nhiên, Covid-19 cũng là lúc thúc đẩy ngành bán lẻ chuyển đổi nhiều nhất, từ bán buôn trực tiếp tại siêu thị chuyển sang bán online. Satra có Satra Loyalty Card, Co.opmart có Saigon Co.op, Aeon có Aeon Việt Nam, Central Retail có ứng dụng Big C, Tops Market… 

Các siêu thị hiện nay còn đầu tư vào trang thương mại điện tử riêng, bán hàng qua Zalo, bán hàng thông qua các ứng dụng giao nhận.

Bán online không đáp ứng nổi nhu cầu, nhiều hình thức khác như mua chung, Pick & ship (đến chọn và lấy hàng mà không trực tiếp vào bên trong). Ngoài ra, cũng có một sự chuyển dịch lớn từ thanh toán trực tiếp chuyển sang thanh toán không tiếp xúc qua thẻ, ví điện tử.

Các công ty nghiên cứu thị trường cho rằng, "miếng bánh" bán lẻ tại Việt Nam sẽ tiếp tục nở ra sau dịch. Đây vẫn là ngành rất hấp dẫn với các nhà đầu tư không chỉ trong nước mà còn ngoài nước. Các nhà bán lẻ đã có kinh nghiệm trong đợt dịch vừa qua và không ngừng thay đổi để thích nghi. Do đó, cuộc chiến ngành bán lẻ hậu Covid-19 sẽ tiếp tục gay cấn.