Dân Việt

Quận đầu tiên chuyển từ "vùng cam" xuống "vùng vàng", liệu Hà Nội đã qua đỉnh dịch?

Gia Khiêm 01/01/2022 17:59 GMT+7
Trước việc quận đầu tiên chuyển từ "vùng cam" xuống "vàng" nhưng Hà Nội vẫn duy trì trên dưới 1.900 ca mắc mỗi ngày, đã có nhiều ý kiến tranh cãi về việc liệu Hà Nội đã qua đỉnh dịch?.

"Nếu đáp ứng tốt dịch bệnh sẽ giảm, đáp ứng không tốt dịch lại bùng lên"

UBND thành phố Hà Nội ngày 31/12 vừa có thông báo về đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Theo công bố, toàn thành phố vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, màu vàng); 18 quận, huyện và 278 xã, phường cùng cấp độ 2. 

Quận đầu tiên chuyển từ "vùng cam" xuống "vàng", Hà Nội đã qua đỉnh dịch? - Ảnh 1.

Lực lượng công an phường Ô Chợ Dừa yêu cầu hàng quán dừng bán tại chỗ ngày 13/12 vừa qua. Ảnh: Gia Khiêm

Đáng chú ý, sau ba tuần ở cấp độ 3 (màu cam, nguy cơ cao), số ca mắc cộng đồng ở quận Đống Đa giảm mạnh nên được hạ xuống cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình). Tuy nhiên, số lượng các quận, huyện và xã, phường nâng lên cấp độ 3 tiếp tục tăng lên so với tuần trước đó. 

Hà Nội hiện có 10 quận, huyện ở cấp độ 3 gồm: Ba Đình, Gia Lâm, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Trì, Thanh Xuân. 

Như vậy, quận Đống Đa được đánh giá "giảm nhiệt", chuyển từ "vùng cam" xuống "vàng". Trong khi đó, 3 quận, huyện tăng nguy cơ so với tuần trước là Thanh Trì, Thanh Xuân và Gia Lâm.

Và đáng chú ý, Hà Nội liên tục ghi nhận trên dưới 1.900 ca mắc Covid-19 mỗi ngày. 

Quận đầu tiên chuyển từ "vùng cam" xuống "vàng", Hà Nội đã qua đỉnh dịch? - Ảnh 2.

Một điểm cách ly y tế tại quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Ảnh: Gia Khiêm

Về ý kiến liệu Hà Nội đã qua đỉnh dịch, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, không thể trả lời được điều này. Bởi ngăn chặn dịch phụ thuộc rất nhiều vào đáp ứng. Nếu đáp ứng tốt dịch bệnh sẽ giảm, đáp ứng không tốt dịch lại bùng lên. 

Quận đầu tiên chuyển từ "vùng cam" xuống "vàng", Hà Nội đã qua đỉnh dịch? - Ảnh 3.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam. Ảnh: Bộ Y tế

"Cụ thể, như quận Đống Đa giảm nhiệt phụ thuộc rất nhiều vào đáp ứng phòng chống dịch. Khi quận đáp ứng tốt công tác chống dịch, ca bệnh giảm lập tức sẽ chuyển sang vùng xanh, vùng vàng. Tuy nhiên, nếu không đáp ứng tốt, dịch bùng lên lập tức sẽ tăng cấp độ dịch lên vùng cam, thậm chí vùng đỏ.

Việc phòng chống dịch Covid-19 không phụ thuộc vào tự nhiên mà phụ thuộc vào đáp ứng cụ thể công tác chống dịch… Nếu các quận huyện trên địa bàn từ giờ đến Tết Nguyên đán nếu không quyết liệt, áp dụng nhiều biện pháp mạnh dịch sẽ bùng lên, nếu quyết liệt dịch giảm đi", ông Phu nhấn mạnh.

Quận đầu tiên chuyển từ "vùng cam" xuống "vàng", Hà Nội đã qua đỉnh dịch? - Ảnh 4.

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội điều trị cho F0 nặng. Ảnh: Gia Khiêm

Ông Phu cũng cho hay, Hà Nội cần tiếp tục kiểm soát các tiêu chí như số ca mắc nặng, ca nhập viện, số lượng tiêm chủng vaccine, đặc biệt hệ thống y tế trong đó có hệ thống y tế cơ sở phải tư vấn, điều trị, theo dõi kịp thời. Từ đó, phân tầng thật tốt các trường hợp F0 để không gây quá tải hệ thống y tế cũng như giảm số ca tử vong. 

"Việc này theo tôi rất cần thiết. Hà Nội phải đánh giá đúng tình hình thực tế, chứ trong tình hình bình thường mới mà không đánh giá theo vùng cấp độ dịch đã được quy định sẽ rất nguy hiểm. Hà Nội cần tiếp tục những biện pháp mạnh, quyết liệt hơn như: Hạn chế hoạt động thiết yếu như ăn uống tại khu vực nguy cơ cao. Tuy nhiên không phải vì thế mà người dân quá lo sợ. 

Thành phố cần phải xem xét thật kỹ, đáp ứng nhu cầu của người dân. Hoạt động nào thiết yếu vẫn cho hoạt động nhưng kiểm soát an toàn,  hoạt động nào không thiết yếu có thể ngừng. Bên cạnh đó tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm", ông Phu cho biết thêm.

Hà Nội tăng cường kiểm soát không để bệnh nhân chuyển nặng

Trước bối cảnh vẫn ghi nhận gần 2.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày, trao đổi với PV Dân Việt, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thành phố đã chủ động xây dựng kịch bản. Cụ thể, Hà Nội đã có phương án y tế để đáp ứng khi có 100.000 ca bệnh. 

"Số ca mắc tăng cao trong cộng đồng ghi nhận những ngày gần đây đã nằm trong kịch bản đã lường trước. Với ca mắc tăng cao thì việc cần làm ngay là giảm tỉ lệ tử vong, chuyển tầng điều trị bệnh nhân nặng. Hà Nội đang thực hiện chủ trương sống thích ứng, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Chính vì vậy, thành phố không còn phong toả, cách ly diện rộng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong sinh hoạt, sản xuất...

Quận đầu tiên chuyển từ "vùng cam" xuống "vàng", Hà Nội đã qua đỉnh dịch? - Ảnh 5.

Lực lượng y tế kiểm tra sức khoẻ F0 điều trị tại nhà tại phố Hàng Thiếc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Trung Nguyên

Trong kịch bản của ngành y tế phải làm sao bảo vệ người yếu thế, người già, người có bệnh lý nền, phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính, giảm tỉ lệ tử vong ở những đối tượng này", bà Hà nêu.

Bà Hà cũng cho hay, cùng với đó, Hà Nội đã tăng cường điều trị F0 nhẹ và không triệu chứng tại nhà, giúp giảm tải cho y tế tuyến trên để với hệ thống y tế các bệnh viện tập trung cứu chữa những người có triệu chứng trung bình nặng và nguy kịch. Khoảng 90% người nhiễm SARS-CoV-2 sẽ được điều trị tại nhà và các và các tuyến y tế cơ sở, thu dung. 

"Chúng tôi hiểu rằng điều quan trọng điều trị F0 tại nhà đó là F0 được tư vấn, chăm sóc, phát hiện sớm những dấu hiệu chuyển tầng để đưa người bệnh đi điều trị, tránh hoang mang lo sợ. 

Hà Nội hiện đã kích hoạt 8.000 giường bệnh dành cho những người có dấu hiệu từ trung bình trở lên và đưa vào tất cả các tuyến điều trị. Các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện chuyên gia, đa khoa đều tham gia điều trị Covid-19. 

Cơ bản phải thực hiện thật tốt việc phân tầng bệnh nhân ngay từ y tế cơ sở. Sau khi phân tầng phải phân luồng các bệnh viện và bệnh nhân được điều trị ngay tại địa bàn", bà Hà nói.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thông tin cũng thông tin thêm, rất cần việc phân luồng, phân tuyến một cách rất khoa học và chặt chẽ cũng sẽ giảm được sự quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Với cách làm như vậy ngành y tế Thủ đô sẽ cố gắng đáp ứng được nhu cầu bệnh nhân. Nâng cao y tế cơ sở để 90% bệnh nhân điều trị tại nhà, hạn chế thấp nhất phân tầng để không gây quá tải bệnh viện tuyến trên. Trong 90% đó phải chăm sóc thật tốt, cho thuốc điều trị sớm để tránh quá tải tuyến trên.