Những con số thống kê không biết nói dối, không đội bóng nào ở AFF Cup 2020 chơi thô bạo hơn ĐT Indonesia. Họ là đội có số lần phạm lỗi nhiều nhất (143), có số thẻ phạt cao thứ hai (13) AFF Cup 2020. Dù vậy, vì sao BTC vẫn trao cho đội bóng xứ vạn đảo danh hiệu Fair Play?
Được biết, tiêu chí để chọn đội đoạt giải Fair Play sẽ phụ thuộc vào Bộ luật Fair Play của FIFA, gồm 10 điều. Ủy ban Kỷ luật AFF sẽ là bên phụ trách việc xét duyệt.
Trong 10 điều của Bộ luật Fair Play của FIFA, đầu tiên là "Tinh thần chơi đẹp", sau đó là "Quyết tâm chiến thắng nhưng cũng biết chấp nhận thất bại" rồi mới tới "Thi đấu theo luật", "Tôn trọng đối thủ, đồng đội, trọng tài, quan chức giải, khán giả"...
Trong hàng loạt các tiêu chí trên, Indonesia gần như chỉ đáp ứng yêu cầu về "Tinh thần thi đấu không bỏ cuộc" trong trận chung kết lượt về gặp Thái Lan. Khi Thái Lan vượt lên dẫn 2-1 thì đó được xem là dấu chấm hết cho nỗ lực của Indonesia, song đội bóng của HLV Shin Tae-yong vẫn thi đấu quật cường để gỡ hòa 2-2.
Dù không thể ngược dòng nhưng tinh thần của các cầu thủ trẻ Indonesia là không phải bàn cãi và rất đáng trân trọng, học hỏi. Khá trùng hợp là tại AFF Cup 2018, Malaysia cũng có số thẻ phạt cao nhất (18 thẻ vàng, 2 thẻ đỏ) nhưng cũng đoạt giải Fair Play. Năm ấy, người Mã cũng chỉ về Á quân AFF Cup khi hòa Việt Nam 2-2 ở lượt đi, và thua 0-1 ở lượt về.
Đây là cách lý giải về chuyên môn, còn hiểu nôm na thì giải Fair Play thường chỉ để "an ủi" cho những đội bóng về nhì. Việc đội bóng của HLV Shin Tae-yong giành suất vào chơi trận chung kết cũng là vượt kỳ vọng của NHM Indonesia.