Thực sự, người Việt chúng ta chưa thể nuốt trôi thất bại trước Thái Lan ở bán kết AFF Cup 2020. Đa số chúng ta thừa nhận đối thủ rất mạnh nhưng không phải xem cái mạnh ấy của họ bằng con mắt của kẻ yếm thế. Chúng ta cũng đánh giá một cách khách quan về năng lực của ĐTQG nước nhà và thường là đánh giá ấy có thiên hướng chúng ta không thua kém gì đối thủ mạnh ấy cả. Nhưng những người tỉnh táo hơn một chút thay vì dùng cảm tính thì đều có thể nhìn nhận rõ ràng là ĐT Việt Nam hoàn toàn có thể thắng ĐTQG Thái Lan ở thời điểm này nhưng chúng ta thua họ ở sự phát triển của nền bóng đá, mà cụ thể là ở giải đấu quốc nội, chứ không phải thua ở chất lượng con người.
HLV Park Hang-seo hiện đang hưởng lương khoảng 50 ngàn USD/ tháng và chỉ chuyên trách ĐTQG mà thôi. Ông sẽ không còn chỉ đạo các lứa U kế cận nữa. Mức lương đó, cùng phạm vi công việc của ông, đã cho thấy rằng về tài lực để lựa chọn nhân tài cho ĐTQG, Việt Nam không còn thua sút bất kỳ đối thủ nào ở khu vực. Thậm chí, ở châu lục, không phải LĐBĐ nào ở châu Á cũng có thể chi trả gần 1 triệu USD mỗi năm cho một vị HLV trưởng như chúng ta đang làm. Song, để ĐTQG mạnh lên đâu phải chỉ có việc đầu tư ở ngọn. HLV trưởng có tài ba đến mấy thì cũng cần bột mới gột nên hồ. Và bột ấy từ đâu: từ chính các giải đấu quốc nội.
Nói về hệ thống thi đấu ở giải quốc nội của Việt Nam thì có lẽ câu chuyện ấy nhàm tai lắm rồi. V.League chúng ta thua các giải hàng đầu của Thái Lan, Malaysia, Singapore hay Indonesia điểm nào, người hâm mộ cũng đã hiểu rất rõ. Thậm chí, với những người hâm mộ thường xuyên có dịp sang thăm hoặc công tác tại các quốc gia láng giềng và có để ý đến giải đấu của họ, những điểm thua sút của V.League càng được nhận biết chi tiết hơn. Mà nền bóng đá thì không chỉ có giải đấu cao nhất như V.League. Nó còn là hệ thống các giải trẻ; là các học viện và đầu ra của các học viện; là cách vận hành của hệ thống chuyển nhượng vv và vv. Điển hình, ở Việt Nam, có thể cầu thủ nhận lót tay tới triệu USD cho một phi vụ chuyển màu áo nhưng hoạt động mua-bán giữa các CLB thì thực tế vẫn là của hiếm. Rồi hệ thống giải trẻ nữa. Thay vì cần phải thi đấu theo hình thức vòng tròn hai lượt theo dạng league với các trận cầu diễn ra hàng tuần, bao năm nay vẫn là cách thức cũ, thi đấu tập trung theo dạng tournament. Chính việc đó đã khiến khả năng phát triển của các tiềm năng trẻ đặc biệt bị hạn chế, nhất là khi cơ hội cạnh tranh vị trí ở đội 1 là cực khó với công thức “trung vệ Tây, tiền vệ Tây, trung phong Tây” vẫn đang là cách làm chủ đạo nhiều năm nay.
Nói gì thì nói, để cải cách cả một giải đấu quốc nội với hiện trạng như hiện nay, chúng ta cần chờ đợi ít nhất là 10 năm với điều kiện tất cả các bên tham gia vào hoạt động bóng đá đều phải có suy nghĩ chuyên nghiệp, định hướng chuyên nghiệp, toàn tâm cho bóng đá, làm bóng đá hướng đến trọng tâm là nền tảng người hâm mộ chứ không phải vì các dự án kinh tế ngoài bóng đá… Mà ở hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, khi những con người như thế là của hiếm, e rằng đợi 10 năm nữa vẫn chưa thấy thành quả. 20 năm, hay 30 năm nữa đây? Câu hỏi đó không đáng ngại với người yêu bóng đá Việt Nam đích thực mà điều họ ngại nhất là không ai làm gì cho đúng đắn cả. Vậy thì khi chúng ta chưa thể có được một hệ thống các giải đấu đủ để tạo nền tảng cho ĐTQG chất lượng hơn cũng như thu hút sức quan tâm của người hâm mộ đối với các CLB lớn hơn, nền bóng đá Việt Nam có phương cách nào ngắn hạn để cải thiện trong lúc chờ đợi các chuyển mình mang tính lâu dài?
Trước mắt, nếu nhìn vào vị thế của bóng đá Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á và cả vị thế của con người đại diện bóng đá Việt Nam ở châu Á, chúng ta có thể tin rằng dùng yếu tố kích thích ngoại vi sẽ khiến cho các nhân tố nội tại phải vận động. Nói cụ thể, với cương vị mà quyền chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đang nắm giữ ở AFC và AFF, tại sao thay vì chỉ tập trung cho những giải đấu như AFF Cup mà không đề xuất lên AFF để cùng tạo dựng ra một giải đấu cấp CLB kiểu như AFF Champions League? Thực chất, với một giải đấu thường niên kiểu này, người hâm mộ Việt Nam sẽ dành tình cảm cho các CLB quốc nội thi thố với khu vực và từ đó, họ cũng sẽ bắt đầu sự quan tâm tới những CLB trong nước hơn. Song song đó, việc cọ sát thường xuyên và thường niên với các đối thủ cùng khu vực sẽ khiến các cầu thủ Việt Nam, đặc biệt là lớp cầu thủ tiềm năng, có cơ hội phát triển tốt hơn nữa. Sòng phẳng mà nói, các giải đấu cấp CLB của AFC hiện nay vẫn là quá sức với V.League nói riêng và các giải đấu quốc nội ĐNA nói chung. Do vậy, có một giải đấu cấp CLB ở khu vực, đi theo kèm là phần thưởng lớn, thu nhập từ quảng bá hình ảnh lớn hơn, chính nó sẽ giúp các CLB Việt Nam bắt đầu hình thành một ý thức đứng trên đôi chân của mình thay vì đứng dựa vào vận mệnh kinh tế của một ông bầu.
Việc VFF triệu tập các cầu thủ xuất sắc của giải U21 quốc gia vừa rồi đi thi đấu VCK U23 AFF là một tín hiệu cực đáng mừng. Nó cho thấy VFF có vẻ đã thoát khỏi tư duy thành tích mà hướng đến cái lâu dài. Để cố gắng lấy cái cúp, chắc chắn VFF không bao giờ bỏ qua những tên tuổi mới nổi như kiểu Hữu Thắng (Viettel) hay các cầu thủ đã từng lên ĐTQG nhưng vẫn dưới 23 tuổi. Và nếu giữ nguyên nhu cầu làm bóng đá vị phát triển bền vững thay vì vị thành tích, chắc chắn VFF sẽ có những thúc đẩy cụ thể để các CLB cũng phải cải thiện mình bởi chỉ có việc cải thiện tận gốc các CLB, từ hệ thống tuyển trạch, huấn luyện, thương mại cho tới hệ thống học viện mới có thể nghĩ tới thu gọn khoảng cách chuyên nghiệp ở trong tương lai.
Một AFF Champions League, hoặc một AFF Super League, tại sao không? Nếu như đó là cơ hội để chính các CLB phải thay đổi mình để từ đó cả nền bóng đá mới chuyển mình. Và đó cũng có thể là một con đường đi tắt thay vì chờ đợi thay đổi chậm rãi mang tính nhiệm kỳ.