Tại cuộc họp cổ đông thường niên VPF vào ngày 6/1, Chủ tịch CLB Phố Hiến - ông Vũ Tiến Thành cùng Chủ tịch CLB Hải Phòng - Văn Trần Hoàn, ông Nguyễn Tấn Anh (Giám đốc điều hành CLB HAGL) có nhiều góp ý cho VPF. Nổi bật là chuyện Hội đồng quản trị VPF nên tăng từ 4 người lên 9 thành viên, vì quy định cho phép số lượng nhân sự 9 - 11 người.
Tuy nhiên, sự mâu thuẫn xảy ra khi đề xuất này bị người trong cuộc nhận định là “biến tướng” qua lời nói của ông Trần Anh Tú (Chủ tịch VPF). Ông Vũ Tiến Thành bất mãn nên bỏ họp ra về.
Trả lời Saostar về sự việc nêu trên, ông Vũ Tiến Thành nói: “VPF điều hành độc đoán để lợi ích nhóm! Tôi nói thẳng như vậy!
Vào cuộc họp, chúng tôi đều chung kỳ vọng là VPF trong năm 2022 sẽ tốt hơn so với năm ngoái, nhằm tránh xảy ra những tranh cãi với các CLB. Tôi góp ý với đề nghị là chọn thêm 5 thành viên vào hội đồng quản trị, bởi hiện tại chỉ còn 4 người. Các cổ đông sẽ đóng góp cho VPF tốt hơn, đúng tinh thần slogan của VPF: “Cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ quyền lợi, hướng tới tương lai, vươn ra thế giới”.
Tuy nhiên, ông Trần Anh Tú dẫn dắt cuộc họp lại nói ai đồng ý thêm 3 người thì giơ tay, dù trước đó có sự đồng ý là thêm 5 người. Tôi nói thẳng tại cuộc họp là anh Tú vẫn giữ tư duy áp đặt cho các đội. Tôi xin lỗi và bỏ về.
Nói thẳng, ông Trần Anh Tú điều hành đại hội cổ đông như công ty gia đình, không tôn trọng ý kiến các thành viên, luôn có tư duy áp đặt theo kiểu ra quyền cho các cổ đông. Nên nhớ, VPF không phải của riêng ai, ông Trần Anh Tú chỉ là đại diện vốn của VFF mà đang muốn biến VPF thành công ty gia đình”.
Theo đó, Chủ tịch CLB Phố Hiến đã đăng ký trình bày tham luận những tồn tại và các giải pháp tổ chức Vleague nhằm góp ý cho VPF vào ngày mai (7/1). Nhưng bây giờ ông Vũ Tiến Thành cảm thấy cũng không còn cần thiết đóng góp ý kiến cho VPF Vì ông Vũ Tiến Thành nhận định ông Trần Anh Tú điều hành VPF độc đoán để lợi ích nhóm.
Vấn đề để ông Vũ Tiến Thành nói lợi ích nhóm là hội đồng quản trị VPF có 7 thành viên nhưng nghỉ 3 người gồm: Ông Trần Mạnh Hùng, Lê Minh Dũng, Nguyễn Tiến Dũng. Bốn người còn lại là ông Trần Anh Tú, Nguyễn Quốc Hội, Nguyễn Minh Ngọc và bà Đinh Thị Thu Trang. Cả 4 thành viên này đều là người của VFF. Do đó, ông Thành muốn chọn thêm 5 thành viên để có sự phản biện, tránh sự biểu quyết một chiều (4 thành viên VFF sẽ quá bán khi bỏ phiếu nếu chỉ có 7 người ở HĐQT VPF).
Sau phát biểu của Chủ tịch CLB Phố Hiến nói về cuộc họp, Saostar đã liên hệ với Chủ tịch VPF - ông Trần Anh Tú, nhưng giống như nhiều câu chuyện tranh luận trong quá khứ, cuộc gọi luôn báo bận.
Cần nhắc, bầu Đức từng nói thẳng vào năm 2018 - thời điểm ông Trần Anh Tú vừa lên giữ ghế Chủ tịch VPF: “Bây giờ nhìn giống công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên rồi. Tại sao tôi nói thế? Chủ tịch, Tổng giám đốc, Trưởng giải đều thuộc về một người. Bây giờ làm gì có phản biện nữa!
Rất nguy hiểm cho bóng đá Việt Nam, bị thao túng đấy! Gần như là ôm hết một mình.
Tôi còn yêu bóng đá thì đấu tranh chuyện này tới cùng. Hãy trả lại bóng đá cho người khác, không thể một người ngồi nhiều chiếc ghế được. Phải để có sự phản biện, chứ anh làm sai thì ai dám nói anh.
VPF bây giờ trở thành công ty gia đình rồi, chẳng lẽ chúng tôi bỏ tiền ra để làm công ty gia đình?
Tôi nghĩ VPF nên đổi lại tên đi. Ngày xưa là công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp, bây giờ là công ty hữu hạn 1 thành viên do ông Tú lãnh đạo”.
Nhận định của bầu Đức cách đây 4 năm tái diễn với chuyện Chủ tịch CLB Phố Hiến - ông Vũ Tiến Thành nói “VPF độc đoán để lợi ích nhóm” vào ngày 6/1.