Hôm nay TS.BS Nguyễn Hoài Bắc - Trưởng Khoa Nam học và Y học giới tính- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ chia sẻ với quý độc giả báo Dân Việt thông tin liên quan đến vi khuẩn ăn thịt người.
Theo Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), Donovanosis (còn được gọi là granuloma inguinale) là căn bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) do vi khuẩn Klebsiella granulomatis gây ra, đặc trưng bởi các tổn thương loét ở bộ phận sinh dục hoặc tầng sinh môn.
Căn bệnh này đã đặc biệt gây chú ý ở Hoa Kỳ khi ấn phẩm Birmingham Live của Anh đăng tin cảnh báo về Donovanosis đang trở nên phổ biến ở Vương quốc Anh. Điều gì làm nó trở nên nghiêm trọng và đáng lo lắng như thế?
Căn bệnh này gây tổn thương và phân hủy da vì thịt của bệnh nhân sẽ tự ăn mòn, đó là lý do nó được gọi là STD ăn thịt người.
Chẩn đoán Donovanosis đầu tiên được ghi nhận ở Ấn Độ từ năm 1947 và rất hiếm trường hợp lây nhiễm mà không có quan hệ tình dục. Điều đó cho thấy, tỷ lệ lây nhiễm cao nhất trong các nhóm có hoạt động tình dục đang gia tăng.
Theo CDC, nhiễm trùng có thể lây lan ra những bộ phận khác. Trong một số trường hợp, các tổn thương có thể phát triển thành nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn và bệnh Donovanosis có thể cùng tồn tại với các bệnh STD khác. Các ca bệnh đã được mô tả ở Ấn Độ, Nam Phi và Nam Mỹ.
Theo dữ liệu của PHE, có 30 trường hợp mắc bệnh Donovanosis được báo cáo ở Anh vào năm 2019, trong khi chỉ có 21 trường hợp được báo cáo vào năm 2018 và 26 trường hợp được báo cáo vào năm 2017. Vào năm 2020, con số đó giảm xuống còn 18 trường hợp, sự giảm này có thể do giãn cách xã hội khi chống lại đại dịch do virus Corona gây ra.
Theo thông tin từ Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ StatPearls, có khoảng 100 trường hợp mắc bệnh Donovanosis được báo cáo ở Hoa Kỳ hàng năm, và hầu hết các trường hợp xảy ra ở những người đã đi du lịch đến các quốc gia khác, nơi có bệnh phổ biến hơn.
Theo StatPearls, giai đoạn đầu bộ phận sinh dục bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người sẽ xuất hiện các vết loét nhỏ không gây đau. Dần dần, các vết loét nhỏ này lớn lên và hình thành những vết sưng đỏ dễ chảy máu. Các tổn thương có thể lan rộng khi các bộ phận cơ thể tiếp xúc với nhau.
Một loạt các biến chứng có thể xảy ra, bao gồm sự phát triển của khối u, giả phù chân voi, viêm đa khớp, chảy máu âm đạo và những biến chứng khác. StatPearls chỉ ra rằng bệnh nhân thường xấu hổ hoặc ngại nhắc đến các tổn thương này với người khác, dẫn đến việc trì hoãn điều trị do đó dẫn đến các tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo CDC, Donovanosis dễ dàng được chẩn đoán bằng các xét nghiệm. Dấu hiệu mắc bệnh xuất hiện từ 1 đến 12 tuần kể từ khi tiếp xúc với vi khuẩn ăn thịt người.
Phương pháp điều trị Donovanosis là sử dụng thuốc kháng sinh. Can thiệp sớm làm giảm nguy cơ biến chứng như tổn thương bộ phận sinh dục hoặc để lại sẹo. Điều trị nên được tiếp tục cho đến khi tất cả các tổn thương được chữa lành.
Và StatPearls cảnh báo rằng các đợt tái phát vẫn có thể xảy ra sau 6 -18 tháng kể từ khi điều trị thành công. Trong một số trường hợp mô bị phá hủy trên diện rộng, cũng có thể phải phẫu thuật.
Chuyên đề "Sức khỏe quý ông" được tòa soạn báo điện tử Dân Việt bắt đầu triển khai từ ngày 15/9/2021 đều đặn vào thứ tư và chủ nhật hàng tuần với sự giúp đỡ của các bác sĩ đầu ngành Khoa Nam học và Y học giới tính - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Không chỉ dữ liệu khoa học, các câu chuyện, tình huống được đề cập trong bài viết là hoàn toàn có thật, là cơ sở tin cậy để bạn đọc tham khảo.
Chúng tôi hy vọng sẽ phần nào giải đáp được những thắc mắc không dễ chia sẻ của đấng mày râu, từ đó giúp các anh hướng đến "phong độ, bản lĩnh" trước phái đẹp, cũng như tâm lý vững vàng, thành công hơn trong cuộc sống.