Dân Việt

Các vua triều Nguyễn thưởng tết cho quan lại như thế nào?

Thơm Quang 08/01/2022 18:35 GMT+7
Tết Nguyên đán là lễ lớn nhất trong năm, một trong những phong tục của các vua triều Nguyễn còn phổ biến đến tận ngày nay là tục thưởng tết. Vậy vào thời xưa, đối với các bậc Đế vương, chuyện thưởng tết cho các quần thần được thực hiện thế nào và hoàng đế sẽ ban ơn huệ gì cho bề tôi nhân dịp năm mới?

Không giống như thời hiện tại, việc thưởng tết thường được thực hiện sớm trước ngày Tết Nguyên Đán. Còn dưới triều Nguyễn, vào đúng dịp tết, các vua mới ban thưởng cho quần thần của mình.

Các vua triều Nguyễn thưởng tết cho quan lại như thế nào? - Ảnh 1.

Đội ngũ người hầu yến đang chuẩn bị cho buổi đãi tiệc

Dưới triều vua Gia Long, đất nước vừa thống nhất, đang trong tình hình bình ổn sau chiến tranh, do vậy việc thưởng tết cho trăm quan không được nhắc đến nhiều. Chỉ một lần vào năm 1808, vua Gia Long mới ban thưởng cho triều đình, Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 242, mặt khắc 1 ghi lại rằng: “năm 1808, ngày Tết Nguyên đán thưởng cho thân công cùng các hoàng tử 20 lạng bạc, các quan văn võ chánh thất phẩm 10 lạng bạc, tòng nhất phẩm 9 lạng bạc, chánh nhị phẩm 6 lạng, tòng nhị phẩm 5 lạng”.

Đến triều vua Minh Mạng, để động viên, khích lệ trăm quan trong một năm đã ra sức giúp vua công việc triều chính; trước đó, vua Minh Mạng đã ra lệnh cho phủ Tôn Nhân, bộ Lại, bộ Lễ và bộ Binh lập danh sách những người xứng đáng được thưởng từ hoàng tử, hoàng thân cho đến các quan văn võ và ủy viên các địa phương, rồi trình lên vua xem xét.

Đến ngày đầu năm mới (tức ngày mồng 1), sau khi hoàng tử, hoàng thân và trăm quan làm lễ khánh hạ, vua Minh Mạng truyền chỉ ban yến tiệc và ban tiền thưởng xuân cho triều đình. Trong ngày mồng 1 tết các thân phiên, hoàng thân, quan văn ngũ phẩm, quan võ tứ phẩm trở lên, và các chức tước trong họ được ăn yến ở điện Cần Chánh và giải vũ hai bên tả hữu. Đến năm Đinh Dậu (1837), để tỏ ý đầu xuân rộng ban ân trạch, vua Minh Mạng đã xuống dụ cho bách quan triều đình: “Lục phẩm ban văn, Ngũ phẩm ban võ, tuy quan thấp, chức nhỏ, nhưng cũng là làm việc cần cù suốt năm. Nên gia ơn cho bắt đầu từ tháng giêng sang năm, các viên văn chánh Lục phẩm, võ chánh Ngũ phẩm lấy ngày mồng 2 ban cho yến hạng có thứ bậc.

Ngoài việc dự yến, các quan viên còn được thưởng thêm tiền, tùy theo chức trách của từng người mà tiền thưởng cũng có phần khác nhau. Cụ thể là hoàng tử, chư công, mỗi người được thưởng 1 đồng tiền vàng Minh Mạng khắc con rồng bay, tiền bạch kim lớn nhỏ đều 10 đồng. Quan ở Kinh, chánh Nhất phẩm, đồng tiền bạc kiểu Phi long lớn nhỏ 10 đồng, tòng Nhất phẩm 9 đồng, chánh Nhị phẩm 8 đồng; tòng Nhị phẩm 6 đồng; chánh Tam phẩm 5 đồng, chánh Tứ phẩm 3 đồng, tòng Tứ phẩm 2 đồng. Các viên hành tẩu ở phủ Nội vụ tòng Ngũ phẩm trở xuống đều 1 đồng.

Đến triều vua Thiệu Trị, nối tiếp truyền thống của cha ông, vào dịp Tết Nguyên đán năm 1845, Hiến tổ Chương hoàng đế xuống dụ cho quần thần: “đón tết lành đầu năm, thể theo sự sinh trưởng của đạo trời, ban yến và đồ vật để chào đón phúc xuân”. Và ngày đầu năm mới, sau khi tổ chức cho trăm quan ăn yến linh đình, vua Thiệu Trị ngự ở điện Đông Các, cho triệu đình thần vào hầu, ban nước trà uống, rồi đưa cho xem bốn chữ “Trung, cần, phúc, thọ” do vua viết. Rồi hạ lệnh giao khắc in để ban cấp.

Nhưng cũng có năm, vì triều đình gặp việc lớn nên Hiến tổ Chương hoàng đế lại có cách thưởng tết khác. Năm 1846, vua triệu đại thần Trương Đăng Quế và Vũ Xuân Cẩn bảo: “Sang năm, tiết Nguyên đán, quan ở bộ đã tâu xin, ta ngự điện nhận lễ mừng, ta vì đang có quốc tang, trong bụng có chỗ không yên, đã phê bảo đình chỉ rồi, nhưng vì đầu năm đón điềm lành, các quan mừng thọ, chắc cũng do tấm lòng thành thực, châm chước trong chỗ đó để cho hợp tình và văn, cũng không hề gì. Ngày hôm ấy, quan viên lớn nhỏ đều mặc triều phục, đặt đủ triều nghi ở trước sân điện Thái Hòa. Quan bộ Lễ gửi tờ tâu, quan Nội các truyền sắc Chỉ, miễn lễ chầu mừng, nhưng đều thay mặc áo đẹp, đến tả hữu vu điện Cần Chính đứng chực đáp, đợi ta ngự điện Cần Chính hoặc điện Văn Minh, cho ban văn từ khoa đạo, viên ngoại lang và ủy viên các tỉnh, ban võ từ quản vệ trở lên, được dự chiêm bái. Đình chỉ yến tiệc, có ban thưởng bạc tiền theo thứ bậc khác nhau. Đến như đốt ống lệnh và đặt triều nghi ở sân điện Cần Chính đều đình chỉ”.

Còn vua Tự Đức, cứ mỗi dịp tết đến, Dực tông Anh hoàng đế lại có cách thưởng riêng.Tết năm Mậu Thân (1848), ngồi giữa các quan, vua Tự Đức đem bài thơ ngự chế do mình làm, đưa cho quần thần xem rồi thong dong bảo rằng:“Trẫm muốn vua tôi thân nhau như một thân thể, chẳng khác gì cha con trong một gia đình, chớ đợi thưởng mà cố gắng, chớ đợi phạt mới răn sợ. Các ngươi nên cố gắng, khuyến khích lẫn nhau, chớ để cho văn thì yên lặng, võ thì chơi bời, đó là lòng mong mỏi của trẫm”. Sau đó, Dực tông Anh hoàng đế ra lệnh cho đem bài thơ ban trong ngoài.

Đến tết năm Tân Mùi (1871), vua Tự Đức lại có cách thưởng khác: “Tết Nguyên đán năm nay, chuẩn cho quan viên nào đã vì tội công mà phải cách được lưu tại chức, cho đổi làm giáng 4 cấp; tội tư thì cho đổi làm giáng 5 cấp. Lại chuẩn cho từ nay trở đi gặp các tiết Vạn thọ, Nguyên đán, bất luận là phạm tội công hay tội tư, phàm người bị cách hay giáng được lưu tại chức, thì đều được dự vào ân điển”.

Riêng vua Kiến Phúc, vị vua thứ 5 của triều Nguyễn, vì có ngày sinh nhật trùng vào dịp Tết Nguyên đán (ngày mồng 2 tết) nên việc ban thưởng cho trăm quan được thực hiện rất linh đình. Ngày hôm đó, ngoài việc được đãi yến, trăm quan còn được nhận thêm nhiều tiền thưởng và các vật dụng khác theo thứ bậc.

Các vị vua triều Nguyễn sau này như Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân,… việc thưởng tết cho trăm quan được tổ chức đơn giản hơn. Thường thì vào ngày tết, các vị vua thường ban đặc ân cho quần thần và dân chúng, tỏ ý ban ơn rộng khắp, việc đãi yến linh đình đều bãi bỏ. Những người không được dự ban như lính hương binh, lính đồn điền cùng những người cố sức làm việc để chuộc tội thì thưởng cho tiền gạo lương một tháng, hay là một quan tiền.

Có thể nói, trong suốt triều đại của mình, các vua triều Nguyễn đặc biệt quan tâm đến việc thưởng tết cho quần thần. Các vua triều Nguyễn tin rằng việc thưởng tết cũng góp phần củng cố tình đoàn kết trong dòng họ và mang lại sức mạnh tinh thần cho triều đình. Và ngày nay, cứ mỗi dịp tết đến xuân về, câu chuyện thưởng tết của triều đại quân chủ cuối cùng ở Việt Nam đã trở thành phong tục đẹp, mang tính nhân văn sâu sắc.