Chỉ khoảng 3 tuần nữa là đến Tết Nhâm Dần 2022. Không khí Tết đã bắt đầu len lỏi khắp phố phường Hà Nội. Dọc các con đường Lạc Long Quân, Âu Cơ, chúng ta dễ dàng bắt gặp đủ các loại cây cảnh từ đào, quất, bưởi, các loại hoa,... rực rỡ sắc xuân nối đuôi nhau tít tắp trải dài.
Làng quất Tứ Liên thu hút khách với nhiều mẫu quất bonsai dáng độc, lạ. Video: Doãn Nhàn
9 giờ sáng, phóng viên có mặt tại thủ phủ quất Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội). Dù mới sáng sớm nhưng không khí ở đây đã nhộn nhịp người mua kẻ bán. Làng nghề truyền thống quất cảnh Tứ Liên là điểm đến quen thuộc của nhiều người chơi quất. Nhiều năm trở lại đây, các nhà vườn đầu tư hơn cho quất bonsai với kiểu dáng độc, lạ.
Là người đã gắn bó gần chục năm với nghề trồng quất, anh Lê Xuân Lĩnh (33 tuổi, chủ vườn quất Xuân Lĩnh) cho biết: “Bây giờ bên cạnh quất có quả to tròn, bóng mượt, nhiều lộc non,... thì còn phải chú trọng đến tạo hình của cây nữa. Đa số khách mua chuộng quất bonsai dáng lạ, độc đáo và không đụng hàng”.
Năm nay, vườn hoa nhà anh Lĩnh đầu tư khoảng 1.300 cây quất bonsai. Hiện tại cách Tết Nguyên Đán chỉ còn 3 tuần nhưng vườn nhà anh đã tiêu thụ được khoảng ⅔ tổng số cây. Theo anh Lĩnh chia sẻ, khách tới mua quất bonsai không chỉ trong nội thành, mà các tỉnh lân cận, hay khách từ miền Nam ra mua cũng có.
Anh Lĩnh cho biết hầu hết khách chơi quất bonsai đã đến vườn chọn cây từ đầu tháng 11 âm lịch. Sau đó cây được đánh dấu tên và gửi lại cho nhà vườn chăm sóc. Khoảng 20-25 tháng 12 âm lịch, khách hàng sẽ quay trở lại vườn để lấy cây.
Trái với suy nghĩ của nhiều người cho rằng dịch bệnh khiến giá đào quất giảm, ngược giá cả mặt hàng này vẫn giữ ổn định. Anh Lĩnh chia sẻ: “Năm nay dịch bệnh làm chi phí chăm sóc đội lên gấp đôi so với các năm trước, thuê nhân công phụ việc cũng khó khăn, rồi chi phí thuốc thang,... nên nhìn chung giá cả sẽ không thấp hơn các năm. Đặc biệt những cây quất bonsai độc lạ thì sẽ không có giá rẻ”.
Năm 2019, làng Tứ Liên có hơn 500 hộ trồng quất, thu hút gần 1.000 lao động địa phương. Theo thống kê, bình quân thu nhập chung của các hộ gia đình làm nghề trồng cây quất cảnh tại đây đạt từ 80 đến 150 triệu đồng/năm. Doanh thu bình quân của làng nghề ước tính đạt 60 tỷ/năm.
Chị Ngô Thị Thu Trang (40 tuổi, chủ vườn quất Xuân Lộc) cũng khẳng định: “Năm nay thị trường tiêu thụ quất cảnh mặc dù có chậm hơn nhưng giá cả vẫn ổn định. Giá quất bonsai tại vườn giao động từ 900.000 nghìn đồng tới vài chục triệu đồng”. Chị Ngọc cũng cho biết thêm, vườn nhà chị chủ yếu sản xuất dòng quất bonsai cao cấp nên vẫn duy trì được lượng khách ổn định và không bị ảnh hưởng mấy bởi đại dịch.
Thông thường, các năm cứ vào dịp Tết, cây cảnh sẽ được uốn theo linh vật biểu tượng cho năm đó. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các vườn quất năm nay không chuộng tạo hình với hổ - linh vật năm Nhâm Dần 2022. Anh Lĩnh lí giải, vì theo quan niệm của nhiều người, hổ không phải là con vật gần gũi nên khách hàng e ngại mang hổ vào nhà hay dùng làm quà biếu tặng. Hết năm Nhâm Dần 2022 là năm Quý Mão 2023 - con mèo, cũng có khả năng sẽ ít nhà vườn tạo hình linh vật này.
Mặc dù không có nhiều mẫu cây tạo hình con hổ nhưng tại các nhà vườn cũng có rất nhiều chậu quất bonsai đa dạng kiểu dáng khác độc đáo khác như: dáng trực, long giáng, phụng chầu, thác đổ, ngũ phúc, tam đa, mẫu tử, huynh đệ, cá chép hóa rồng, lưỡng long chầu nguyệt…
Công việc chăm sóc quất bonsai vất vả và phải kéo dài cả năm trời. Ngay từ mùng 6 tháng Giêng năm ngoái, gia đình anh Lĩnh đã bắt đầu tất bật cho mùa vụ quất mới. Mỗi năm anh Lĩnh bỏ ra khoảng hơn 300 triệu cho chi phí thuê thêm 4 người làm phụ trồng quất. Công việc nhà vườn bận rộn, anh tâm sự: “Làm cả ngày không bao giờ hết việc cả, chuyện ăn ngủ với vườn cây là bình thường như cơm bữa”.
Năm nay, ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh, thời tiết khắc nghiệt cũng là thử thách với nhiều nhà vườn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều chủ vườn đã có thể thở phào nhẹ nhõm vì quất được mùa, giá cả ổn định. “Vất vả cả năm nhưng đến mùa Tết bán được cây thì cũng coi như gặt hái được quả ngọt”, anh Lĩnh bộc bạnh.
Tại Hà Nội, đa số các gia đình đều có diện tích nhỏ nên các chậu quất bonsai rất được ưa chuộng. Tranh thủ ngày nghỉ, anh Tô Phi Sơn (37 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) dạo qua các vườn cây để chọn quất trưng bày cho ngày Tết. “Năm nào gia đình mình cũng chọn mua khoảng 2 cây quất bonsai để đặt ở nhà và cơ quan. Mỗi cây mua giá khoảng 1 triệu đồng”, anh nói. Không phải là một người sành chơi quất, lý do anh Sơn lựa chọn quất bonsai cho dịp Tết là vì sự nhỏ gọn, phù hợp với diện tích căn hộ chung cư. Ngoài ra, cành quất sum suê, nhiều lộc và tươi tốt mang ý nghĩa đủ đầy, ấm cúng cho cả một năm.