Dân Việt

Cướp hơn 1 triệu đồng, nhóm thanh thiếu niên có thể đối mặt mức phạt thế nào?

Việt Sáng 09/01/2022 15:37 GMT+7
Theo luật sư, các đối tượng độ tuổi từ 14 - 16 nên cơ quan chức năng cần phải làm rõ một số tình tiết trước khi có kết luận cụ thể.

Liên quan đến vụ nhóm thanh thiếu niên giả danh cảnh sát hình sự, cướp tài sản giữa phố Hà Nội, luật sư Quách Thành Lực - Công ty Luật Pháp Trị (Đoàn LS TP Hà Nội) đã có những phân tích cụ thể.

Theo ông Lực, các đối tượng còn nhỏ tuổi nhưng khá manh động, khi giả danh cảnh sát hình sự, ép nạn nhân lên xe máy chở vào ngõ, hành hung và lấy 500 nghìn đồng từ ví của nạn nhân.


Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

"Việc làm của các đối tượng được quy định rõ ràng tại điều 170, Bộ luật hình sự 2015 về Tội cưỡng đoạt tài sản.

Những thanh thiếu niên độ tuổi 15, 16 tuổi đã có hành vi chiếm đoạt tài sản của người đi đường với giá trị khoảng 1 triệu đồng. Hành vi của những đối tượng này được xác định có thể là hành vi cưỡng đoạt tài sản thuộc khoản 1, điều 170 Bộ luật hình sự.

Tuy nhiên, căn cứ quy định tại khoản 2 điều 12 Bộ luật hình sự quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 170 Bộ luật hình sự nên những đối tượng này sẽ không phải phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi cưỡng đoạt tài sản", ông Lực phân tích.

Giải thích rõ hơn, vị luật sư cho biết, trường hợp quá trình điều tra có căn cứ xác định hành vi cưỡng đoạt tài sản của những học sinh này thuộc khoản 2 điều 170 Bộ luật hình sự thì những thanh thiếu niên trên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản.

cướp 1 triệu đồng.jpeg

Các đối tượng tại trụ sở cơ quan Công an.

"Căn cứ xác định hành vi cưỡng đoạt tài sản thuộc khoản 2 điều 170 Bộ luật hình sự có thể là có tổ chức, phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ.

Ngoài ra, nếu thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản với lỗi cố ý trong trường hợp không bị xử lý hình sự thì nhóm đối tượng có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính căn cứ theo điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chí năm 2012.

Hành vi vi phạm hành chính bị xử phạt là dùng thủ đoạn hoặc hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản với mức phạt tiền từ 1-2 triệu đồng theo, khoản 1 điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP", vị luật sư nói.

Cướp hơn 1 triệu đồng, nhóm thanh thiếu niên có thể đối mặt khung hình phạt bao nhiêu năm tù? - Ảnh 3.

Luật sư Quách Thành Lực - Công ty Luật Pháp Trị phân tích pháp lý xung quanh vụ việc cướp hơn 1 triệu đồng của nhóm thanh thiếu niên.

Cũng theo ông Lực, các đối tượng còn trẻ tuổi, có thể chưa nhận thức đầy đủ, cơ quan chức năng sẽ cân nhắc các biện pháp mang tính giáo dục hoặc răn đe.

"Những thiếu niên này còn có thể phải chịu áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường ,thị trấn theo khoản 2, điều 90 Luật xử lý vi phạm hành chí năm 2012 với căn cứ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự" - luật sư Lực cho hay.

Điều 5. Đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính:

1. Các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

a) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.

Điều 90. Đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

1. Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự.

3. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã 2 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 6 tháng về một trong các hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép.

4. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã 2 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tải sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép nhưng không phải là tội phạm.

5. Người từ đủ 14 tuổi trở lên đã 2 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy...

Trước đó, thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP Hà Nội cho biết, đơn vị đã bắt giữ 9 đối tượng giả danh cảnh sát hình sự để cướp tài sản.

Danh tính nhóm đối tượng nói trên được làm rõ là Đỗ Gia Khiêm (SN 2006, ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội), Nguyễn Việt Anh (SN 2007, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Phan Minh Đức (SN 2006, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội), Phạm Đức Mạnh (SN, 2006 ở quận Thanh Xuân, Hà Nội), Nguyễn Đình (SN 2006, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội), Phạm Tuấn Phong (SN 2006, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội), Triệu Khắc Tuấn Anh (SN 2006, ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội), Nguyễn Đức Anh (SN 2006, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) và Lê Hải Yến (SN 2006, ở quận Đống Đa, Hà Nội).

Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định khoảng 19h ngày 27/12/2021, nhóm đối tượng trên hẹn nhau tại cổng trường Trung học cơ sở Thanh Xuân Nam để đi lang thang trên các tuyến phố. Mục đích của nhóm nam, nữ thiếu niên này là khi phát hiện người không đội mũ bảo hiểm, không có biển kiểm soát xe máy sẽ tổ chức chặn xe, yêu cầu kiểm tra giấy tờ, đe doạ chiếm đoạt tài sản.

Khoảng 21h30 cùng ngày, các đối tượng di chuyển đến phố Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội thì phát hiện một người đi đường. Lúc này, Việt Anh và Khiêm nói lớn, cảnh sát ở số 7 Thiền Quang (địa chỉ phòng PC02 Công an TP Hà Nội) và hành hung nạn nhân.

Sau đó, các đối tượng ép nạn nhân lên xe máy chở về ngõ 27 Võ Chí Công, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Tại đây, nhóm đối tượng tiếp tục hành hung và lấy 500 nghìn đồng từ ví của nạn nhân.

Gây án xong, cả nhóm tản ra đi lòng vòng và hẹn nhau tụ tập tại khu vực Ngã Tư Sở, quận Đống Đa để chia nhau số tiền 500 nghìn đồng để ăn tiêu.

Tại trụ sở công an, các đối tượng khai nhận ngoài vụ việc trên còn gây ra 2 vụ việc khác vào các ngày 21/12/2021 tại quận Long Biên và 24/12/2021 tại quận Nam Từ Liêm, chiếm đoạt tổng sống 550 nghìn đồng.

Quý độc giả đang đọc bài viết: "Cướp hơn 1 triệu đồng, nhóm thanh thiếu niên có thể đối mặt khung hình phạt bao nhiêu năm tù?" tại mục Bạn đọc, Báo Điện tử Dân Việt. Liên hệ đường dây nóng Báo Điện tử Dân Việt 0857.853.666.