Dân Việt

Nghệ sĩ cải lương diễn xiếc gây "choáng" khi tái hiện huyền tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Khánh Đăng 11/01/2022 13:30 GMT+7
Các nghệ sĩ cải lương và xiếc đã có một sự kết hợp thú vị, gây bất ngờ đối với khán giả khi tái hiện vở diễn về Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Sau thành công của vở diễn Cây gậy thần với sự kết hợp giữa nghệ thuật Cải lương và Xiếc; dự án Huyền sử Việt tiếp tục với vở Thượng Thiên Thánh Mẫu. Vở diễn được xây dựng dựa trên những huyền tích dân gian về Mẫu Liễu Hạnh – vị đệ nhất Thánh mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người dân Việt Nam.

Nghệ sĩ cải lương diễn xiếc, gây "choáng" khi tái hiện huyền tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh - Ảnh 1.

Vở diễn Thượng thiên Thánh Mẫu là sự kết hợp thú vị giữa nghệ thuật cải lương và xiếc. Ảnh: TH.

Theo truyền thuyết, Mẫu Liễu Hạnh là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng thượng đế. Bà 3 lần giáng trần cứu nhân độ thế và truyền dạy dân thạo nghề nông tang cùng những khúc Văn ca. Bà đã được các triều đại phong kiến từ thời nhà hậu Lê đến thời nhà Nguyễn sắc phong là "Mẫu nghi thiên hạ" (Mẹ của muôn dân), "Chế Thắng Hòa Diệu đại vương". Cuối đời, bà quy y cửa Phật rồi thành đạo, hiển linh làm Mã Vàng Bồ Tát.

Sự kết hợp khéo léo giữa tác giả kịch bản Lê Thế Song – Xuân Hồng, hai đạo diễn là NSND Triệu Trung Kiên và NSND Tống Toàn Thắng đã mang đến một vở diễn độc đáo. Đặc biệt là sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật xiếc với cải lương, hai loại hình nghệ thuật tưởng chừng như không thể "hòa làm một".

Khán giả được thưởng thức những điệu lý, câu vọng cổ và lớp diễn ngọt ngào, trữ tình của nghệ thuật cải lương hòa quyện hợp lý với những trò diễn xiếc ly kỳ, hấp dẫn như đu bay, nhào lộn trên xà, lắc vòng trên bóng, tung hứng, ảo thuật… Ở nhiều cảnh, các diễn viên của Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa đu bay, vừa diễn và ca vọng cổ rất mượt mà, trong khi các nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng diễn, thoại và múa uyển chuyển, sinh động. 

img
img

Lần đầu tiên trên sân khấu, nghệ sĩ cải lương diễn xiếc, tái hiện huyền tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Ảnh: TH.

Cải lương thổi hồn cho xiếc trong vở diễn về Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Trò chuyện với Dân Việt, NSND Triệu Trung Kiên - GĐ Nhà hát Cải lương Việt Nam, đồng đạo diễn tác phẩm lý giải: "Vở diễn mong muốn hướng đến nhiều đối tượng khán giả, thuyết phục họ bước vào câu chuyện và bị chinh phục giống như những nhân vật dẫn chuyện trẻ này". 

"Nếu như sân khấu cải lương là ước lệ, mềm mại, thì sân khấu xiếc là trực diện, mạnh mẽ. Và khi hai loại hình kết hợp với nhau, khán giả đã có được sự tổng hòa tinh tế của hai nghệ thuật này. Những yếu tố ước lệ đã biến mất, thay vào đó là sự sinh động, lôi cuốn. 

Bên cạnh đó, sự mạnh mẽ, trực diện của mỗi trò diễn xiếc được nghệ thuật cải lương thổi vào những câu chuyện, có ý nghĩa riêng khiến nghệ thuật xiếc trở nên hấp dẫn hơn. Và cả câu chuyện của vở diễn hiện ra chân thực như đưa khán giả ngược dòng thời gian, chứng kiến, hòa vào câu chuyện huyền tích Thượng thiên Thánh Mẫu", NSND Triệu Trung Kiên nhấn mạnh thêm.

NSND Tống Toàn Thắng – PGĐ Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ với Dân Việt: "Chưa có một tác phẩm nào mà chúng tôi lại dàn dựng vất vả, kỳ công như với Thượng Thiên Thánh Mẫu. Khởi công dàn dựng từ tháng 4/2021 mà tới tận tháng 1/2022 mới ra mắt được. Cá nhân tôi rất nhiều cảm xúc khi trải qua 1 năm có rất nhiều sự cố, biến động trong cuộc đời làm nghệ thuật. 

Nghệ sĩ cải lương diễn xiếc, gây "choáng" khi tái hiện huyền tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh - Ảnh 3.

Đạo diễn Triệu Trung Kiên cùng dàn nghệ sĩ chào khán giả sau khi kết vở. Ảnh: TH.

Sự chậm trễ bởi dịch bệnh, việc phải thực hiện giãn cách rồi cách ly, rồi cả sự thất vọng khi chương trình đã lên kế hoạch dàn dựng, khai trương lại bị đình lại, khó khăn vất vả có tới 3 nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam phải bỏ nghề mặc dù còn rất yêu nghề… 

Tất cả những thất bại và cả khó khăn không làm cho hai nhà hát bị khuất phục, chúng tôi lại cùng nuôi cho mình những năng lượng mới để cùng nghiền ngẫm, sáng tạo, tìm ra chìa khóa và ngôn ngữ khai phá tác phẩm".

Với vở diễn này, người xem có thể nhập cuộc vào câu chuyện đầy chất huyền sử ngay từ đầu qua dẫn dắt của một nhóm bạn trẻ hiện đại đi xuyên không vào quá khứ, chứng kiến và hòa mình vào luân kiếp duyên nợ trần ai của Thánh Mẫu.

Những lớp diễn cùng thủ pháp xử lý của đạo diễn đã tạo nên một mạch diễn nhiều cảm hứng, sự sáng tạo và hấp dẫn của xiếc và ảo thuật đan quyện vào câu chuyện kể của cải lương tạo thành sự hấp dẫn và có chiều sâu trong nghệ thuật.

Nghệ sĩ cải lương diễn xiếc, gây "choáng" khi tái hiện huyền tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh - Ảnh 4.

Vở diễn huy động đông đảo diễn viên của cải lương và xiếc. Ảnh: TH.

Cảnh Các bạn trẻ đi xuyên không vào quá khứ, cảnh Thái Bà sinh hạ Thánh Mẫu, cảnh Giáng Tiên chia biệt Đào Lang về Thiên Giới, Cảnh Hội quần tiên trên Thiên Giới lý giải tại sao Thánh Mẫu giáng trần, cảnh Thánh Mẫu diệt kẻ ác nhân nơi Tây Hồ Phong Nguyệt bảo vệ công lý, cảnh Thánh Mẫu quyết chiến với Tiền Quân Thánh để bảo vệ chúng dân…là những sự kết hợp đầy tinh tế và hấp dẫn của nghệ thuật cải lương và nghệ thuật xiếc.

Vở diễn đem lại cho khán giả sự thẩm nhận đầy đủ hơn về hình tượng Thánh Mẫu và sự khởi tạo nên đạo Mẫu Việt Nam với tinh thần tôn vinh những vị danh tướng, danh thần, nữ thần có công đức trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt.

Vở diễn góp thêm một tiếng nói mang tính xây dựng và góc nhìn tích cực về văn hóa hầu đồng trong bản sắc văn hóa và cốt cách văn hóa của người Việt Nam.