Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), trong bối cảnh khó khăn của dịch Covid-19, ngành lâm nghiệp vẫn đạt được mục tiêu đề ra với 5/5 chỉ tiêu của ngành đều đạt và vượt mục tiêu.
Theo đó, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 15,87 tỷ USD, vượt 20% kế hoạch đề ra, tăng 20% so với năm 2020; thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.115 tỷ đồng, đạt 111% kế hoạch thu năm 2021, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 42,02%...
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết ngành lâm nghiệp năm 2021 mới đây, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, năm 2021, việc nâng cao chất lượng rừng được ngành quan tâm.
Theo đó, cả nước đã trồng được 230.000ha rừng tập trung; 122 triệu cây phân tán; khai thác được 31,5 triệu mét khối gỗ.
Đáng chú ý, năm 2021, số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại cơ bản đều giảm so với năm 2020.
Cụ thể, trong năm 2021 lực lượng chức năng đã phát hiện 2.653 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ rừng, giảm 411 vụ, tương ứng giảm 13% so với cùng kỳ; diện tích thiệt hại 852 ha, giảm 6% (56 ha) so với năm 2020. Cháy rừng đã phát hiện 196 vụ, diện tích thiệt hại 1.229 ha.
Theo ông Bùi Chính Nghĩa, một trong những điểm nhấn ấn tượng của ngành lâm nghiệp là ngày càng chủ động được nguồn nguyên liệu gỗ đảm bảo nguồn gốc xuất xứ cho chế biến.
Cụ thể, sản lượng gỗ khai thác năm 2021 đạt 32 triệu mét khối, trong đó rừng trồng tập trung đạt 21,5 triệu mét khối, từ cây trồng phân tán và cao su 10,5 triệu mét khối.
Từ những diện tích rừng trồng trong nước, các doanh nghiệp đã đưa sản phẩm gỗ của Việt Nam đến nhiều thị trường, tổng giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2021 đạt khoảng 15,87 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,72 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ và là 1 trong 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Đáng chú ý, xuất siêu ước cả năm đạt 12,94 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ nhờ chúng ta chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước.
Giá trị xuất siêu lâm sản lớn nhất trong nhóm các ngành nông lâm thủy sản đóng góp quan trọng vào giá trị xuất siêu của ngành.
Đánh giá về vai trò của rừng, trong Báo cáo mục tiêu rừng toàn cầu 2021, Liên Hợp quốc nhận định, sức khỏe của rừng đồng nghĩa với sức khỏe của con người khi 75% bệnh truyền nhiễm từ động vật và thường xuất hiện khi cảnh quan tự nhiên như rừng bị tàn phá.
Rừng cung ứng các sản phẩm y tế từ khẩu trang đến cung ứng vật tư vệ sinh và ethanol cho khử trùng.
Các loại thuốc có nguồn gốc thảo dược chiếm 25% thuốc chữa bệnh ở các quốc gia phát triển và lên đến 80% ở các quốc gia đang phát triển.
Ở trong rừng và gần rừng có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch, giảm huyết áp máu và bệnh trầm cảm, cải thiện trạng thái tâm lý và thư giãn.
Rừng cũng là nguồn hỗ trợ sinh kế bền vững khi 40% người nghèo ở khu vực nông thôn sống trong rừng và trên thảo nguyên; sinh kế của 1,2 tỷ người thực hành nông lâm kết hợp phụ thuộc vào rừng và cây; trên quy mô toàn cầu, 76 triệu tấn thực phẩm đến từ rừng, trong đó 95% là từ cây trồng.
Báo cáo mục tiêu rừng toàn cầu 2021 của Liên Hợp quốc cũng nhận định, rừng là nhân tố sống còn đối với cuộc sống. Toàn cầu có khoảng 1 triệu loài động vật và thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng;
Rừng là nơi cư ngụ của 80% các loài sinh vật trên đất liền; 18% diện tích rừng được xác lập là các khu bảo tồn; 75% nguồn nước sạch tiếp cận được trên thế giới đến từ các lưu vực có rừng.
Nhận định đầu tư vào rừng là đầu tư cho tương lai xanh hơn nên khu vực tư nhân đã đầu tư 15 tỷ USD vào ngành lâm nghiệp ở các quốc gia đang phát triển và các quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi.
Cho đến nay, 54% diện tích rừng thế giới được quản lý thông qua kế hoạch dài hạn; 1,5 tỷ ha rừng thế giới được quản lý toàn vẹn cho việc sản xuất gỗ và các lâm phẩm ngoài gỗ; 40% nguồn năng lượng tái tạo trên thế giới đến từ rừng tương tự như các nguồn năng lượng mặt trời, thủy điện và nguồn năng lượng kết hợp khác.