Nên thi thử bao nhiêu lần?
Liên quan đến các kỳ thi đánh giá năng lực của các trường ĐH sắp tới nhiều thí sinh băn khoăn nên tham gia thi thử mấy lần là đủ. GS. TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí (ĐH Quốc gia Hà Nội) khuyên thí sinh không nên đăng ký thi nhiều lần gần nhau. Nghiên cứu về đo lường của ĐH Quốc gia Hà Nội cho thấy một thí sinh dự thi nhiều lần gần nhau, kết quả không thay đổi nhiều do thiết kế bài thi đánh giá năng lực khác với bài thi kiểm tra kiến thức thông thường, không chỉ kiểm tra kiến thức thuần túy mà kiểm tra nhiều năng lực khác nhau. “ĐH Quốc gia Hà Nội cũng quy định nếu thí sinh đã dự thi và muốn thi lại thì phải chờ sau 28 ngày mới có thể đăng ký đợt tiếp theo”, ông Thảo nói. Theo ông, chỉ cần thi thử 1 lần là đủ.
GS Nguyễn Tiến Thảo cho rằng phần lớn thí sinh lựa chọn tổ hợp để học và ôn thi ngay từ khi vào lớp 10. Còn bài thi đánh giá năng lực là đánh giá năng lực tổng thể. Nên thực tế phần lớn thí sinh đều học lệch, do đó, thí sinh không cần lo lắng nhiều khi tham gia. Đặc biệt, bài thi không kiểm tra kiến thức mà là sự hiểu biết để vận dụng năng lực từ thấp đến cao. TS Phạm Thanh Hà, Phòng Đào tạo, trường ĐH Giao thông Vận tải chia sẻ việc thêm kỳ thi đánh giá năng lực là thêm cơ hội cho thí sinh.
PGS.TS Vũ Duy Hải, Phó Trưởng phòng Tuyển sinh, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết tới thời điểm hiện tại, có khoảng 10.000 học sinh đã đăng ký tham dự thi thử bài thi đánh giá tư duy của trường. Bài thi này của trường ĐH Bách khoa Hà Nội tập trung vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức Toán THPT để giải quyết các vấn đề thực tế, hiểu biết về khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), năng lực đọc nhanh, hiểu đúng vấn đề về khoa học kỹ thuật và năng lực tiếng Anh của học sinh.
Tới thời điểm hiện tại có trên 50 cơ sở đào tạo đăng ký sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và có 15 cơ sở giáo dục ĐH sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy của trường ĐH Bách khoa Hà Nội đề tuyển sinh năm 2022.
Không cần học thêm
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhấn mạnh phương châm của kỳ thi là tổ chức gọn nhẹ trong 1 ngày. Kỳ thi này được thiết kế với các môn bắt buộc như Toán và Đọc hiểu theo cấu trúc đã tổ chức vào năm 2020.
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, cấu trúc đề thi không khuyến khích học tủ, học lệch, học thêm. Trường đã lên kế hoạch tổ chức thi thử trực tuyến (ít nhất 2 đợt). Thí sinh có thể đăng ký thi thử trên hệ thống. Đề thi thử sẽ có cấu trúc tương đương đề thi thật, với câu khó, dễ. Đây là trải nghiệm tốt, thí sinh nên tham gia để làm quen; từ đó có kế hoạch học tập và định hướng ôn tập tốt hơn.
PGS.TS Vũ Duy Hải khẳng định không tổ chức bất kỳ nội dung ôn tập, ôn luyện trước kỳ thi.
Còn GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho hay bài thi của ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ có sự tương đồng, cân bằng độ khó - dễ theo khoa học đo lường - khảo thí hiện đại. Bài thi có tính phân loại cao, đánh giá học sinh theo các nhóm năng lực chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông; có tương quan thuận với kết quả thi tốt nghiệp nhưng độ khó, tính phân loại cao hơn ở góc độ kiểm tra đánh giá.