Dân Việt

"Nhóm 05:45": Những người mang lại niềm vui lành mạnh vào các buổi sáng

Hoàng Ba Đình 13/01/2022 09:38 GMT+7
Không khí trong các trận đấu luôn luôn đề cao tinh thần thể thao thượng võ, thành ra những pha bóng ác liệt, những tình huống triệt hạ... hầu như đều không có.

Cứ 5h sáng thứ 2-4-6 hàng tuần, anh Ngô Vũ Đình Tú (chung cư Ngô Gia Tự, quận 10) lại lục tục thức dậy, đem theo hàng loạt vật dụng giày, bóng, áo pít... các thứ. Điểm đến của anh là các sân bóng trên địa bàn quận 10. 

Bởi hiện nay anh đang làm quản trị viên của một nhóm thể thao đá bóng, chuyên thi đấu vào lúc 5h45 sáng. Khi trời còn tờ mờ, 5h30 anh đã đến sân hoàn thành các công tác chuẩn bị để đúng 5h45 bóng lăn.

"Nhóm 05:45": Những người mang lại niềm vui lành mạnh vào các buổi sáng - Ảnh 1.

Các thành viên đợi sân bóng mở cửa từ tờ mờ sáng. Ảnh: Hoàng Ba Đình

Cơ duyên đến với phong trào bóng đá buổi sáng này đến với anh Đình Tú cũng hết sức tình cờ. Anh Tú chia sẻ: "Xuất phát của bọn em đều là những người đam mê thể thao đá bóng. Nhưng hiện tại bọn em đều phải đi làm cả ngày, lịch làm người này khác người kia, buổi tối có người lại bận việc gia đình, vợ con. Nên chỉ có thể tranh thủ buổi sáng từ 5h45 ra thi đấu. 

Tùy theo lượng người tham gia, tùy theo tình hình thể lực, tùy theo công việc... thì có thể đá một tiếng hay tiếng rưỡi. Từ vài thành viên ban đầu, rồi người này rủ thêm người kia…".

Anh Tú cho biết thêm, nay đã có đến vài chục thành viên tham gia nhóm. Khi đã đông người, cần phải có người tổ chức, lên lịch, liên hệ sân bãi... để anh em yên tâm thi đấu, nên sẵn đó anh đứng ra làm admin luôn. Chi phí thi đấu luôn luôn cố định 30 ngàn đồng/người/buổi.

Theo chân anh Đình Tú vào những buổi thi đấu tại sân Phú Thọ quận 11, ngoài nhóm của anh Tú, cũng có những nhóm khác đang thi đấu. Nhưng anh Tú làm admin có khác so với admin các nơi khác ở điểm: những admin kia chỉ biết thu tiền rồi thả vô cho mọi người mạnh ai nấy đá, còn anh Tú thì tổ chức chia đội, giảng hòa, xỏ giày trực tiếp thi đấu như bao người khác. 

Chỉ sau vài tháng, nay trong hội đã gọi anh Tú bằng cái tên "bầu Tú" như những ông bầu bóng đá thứ thiệt.

"Nhóm 05:45": Những người mang lại niềm vui lành mạnh vào các buổi sáng - Ảnh 2.

Một pha bóng trong trận. Ảnh: H.B.Đ

Thấy mô hình 05:45 tại quận 10 quá ổn, anh Bảo Hiếu cũng mang mô hình này về Gò Vấp để áp dụng, cũng manh nha làm "bầu Hiếu". Do mới thành lập, nên thành viên chưa đông, cũng chỉ mới đề xuất thi đấu vào sáng sớm thứ Ba hàng tuần.

Ấy vậy nhưng để gom đủ thành viên để thi đấu cũng khá gian nan. Những hôm không đủ người, phải gọi người từ quận 10 sang chi viện để duy trì phong trào cho anh em.

Khi hỏi đến chuyện khó khăn nhất trong khâu tổ chức đá banh thế này là gì, "bầu Hiếu" cho rằng, thực ra mà nói, không có gì gọi là khó khăn cả. Xét cho cùng, đây chỉ là cuộc chơi, cuộc vui thôi, tất cả nhằm rèn luyện sức khỏe.

"Còn chuyện đáng sợ nhất, là do đá sớm, sợ nhất là một số thành viên đăng ký xong rồi lại ngủ quên, không đến sân, thành thử thiếu người. Có những hôm, đăng ký 10 người, vừa đủ đá. Nhưng lên sân chỉ có 8 người, tụi em đá luôn, đá không có người thay, thở muốn xì khói. Đến hồi hết giờ ai cũng muốn xỉu tại chỗ", bầu Hiếu chia sẻ.

"Nhóm 05:45": Những người mang lại niềm vui lành mạnh vào các buổi sáng - Ảnh 3.

Tiền đạo chuẩn bị sút “sạt sạt”. Ảnh: H.B.Đ

Đối với những thành viên trót đăng ký mà không đi, ban tổ chức cũng chế tài bằng cách không đi phải chịu phạt 50.000 đồng/trường hợp. Dĩ nhiên mọi người đều hiểu và vui vẻ chấp nhận. Còn những thành viên ngoan cố, sẽ được nhắc nhở, nếu còn tái phạm cũng như không chịu đóng phạt, thì không cho tham gia nữa.

Không khí trong các trận đấu luôn luôn đề cao tinh thần thể thao thượng võ, thành ra những pha bóng ác liệt, những tình huống triệt hạ... hầu như đều không có. Mỗi lần cầu thủ nào hăng máu, đều được anh Tú nhắc nhở "chậm lại em ơi, nhẹ chân lại một xíu". 

Nếu chẳng may có va chạm, anh Hiếu nói ngay "đến xem người ta thế nào, đỡ người ta dậy". Bởi vậy, chuyện va chạm dẫn đến đánh nhau luôn bị dập ngay từ trong trứng nước, khỏi có chuyện cay cú rồi dẫn đến xô xát, mà cũng hiếm có những chuyện chấn thương.

Xét về lợi ích, anh Minh Hoàng (một thành viên trong nhóm đá bóng) cho rằng: "Trước mắt là sức khỏe cải thiện. Sau đó là dần bỏ được những thói quen không lành mạnh như thức khuya, hoặc ăn nhậu quá đà. Bởi vì nếu hôm trước thức khuya, ăn nhậu... thì hôm sau làm sao đá nổi?

Ngoài ra, do nhiều thành viên đến từ nhiều thành phần nghề nghiệp khác nhau, nơi đây chính là môi trường lành mạnh cho mọi người giao lưu học hỏi, giúp đỡ công ăn việc làm. Một anh có chiếc xe máy gặp vấn đề, có ngay một ông trong hội vốn là thợ sửa xe ở chợ Tân Thành. Mấy bạn sinh viên đang tìm chỗ thực tập, có anh bạn làm phòng nhân sự công ty nọ tạo điều kiện ngay".

Có tay nọ trong hội, tên Thành, đá bóng cũng khá hay, vốn đam mê ăn nhậu. Có hôm đá xong làm bộ làm tịch hỏi: "Giờ đá xong kiếm chỗ nào làm dĩa lòng heo, uống xị rượu chắc đã lắm". Nghe Thành gạ nhậu, nhiều người lắc đầu. Nhưng có ông anh nọ hưởng ứng ngay: "Đâu? Đâu? Thằng nào rủ nhậu đâu?". Sau đó là kéo Thành đi cho bằng được, đến lúc này Thành mới xuống giọng: "Em giỡn thôi anh ơi, chứ đá xong mà nhậu phá sức lắm".

Về phong trào này, thì như anh Bảo Hiếu đúc kết: "Thể thao để có sức khỏe. Có sức khỏe mới phòng dịch hiệu quả được".