Ngày rằm nói chung và ngày Rằm tháng Chạp nói riêng theo dân gian là ngày thông suốt của mặt trời và mặt trăng, là thời điểm tốt để con cháu ở dương gian kết nối gửi gắm lời cầu nguyện với tâm chí thành tới gia tiên và cõi tâm linh. Vì thế cúng Rằm và mùng Một (ngày sóc, ngày vọng) là nghi thức tâm linh hàng tháng của các gia đình Việt, thường được chuẩn bị sạch sẽ, chu đáo.
Việc cúng lễ nhằm thể hiện con cháu tâm sáng, muốn buông bỏ những đau đớn, giận hờn, cố chấp, hóa giải những thứ không thiện lành khỏi cơ thể, tâm thức, mọi sự may mắn, an lành... Rằm tháng Chạp có ý nghĩa hơn vì được coi là tổng kết 1 năm vào ngày rằm cuối cùng. Vì vậy các gia đình đều chuẩn bị cúng Rằm tháng Chạp tươm tất hơn những ngày rằm khác.
Năm nay tháng Chạp chỉ có 29 ngày, không có ngày 30 tháng Chạp. Việc này có nghĩa là Tết đến sớm 1 ngày, và ngày 29 Tết đã là 30 Tết, nhưng không có liên quan gì tới việc cúng Rằm tháng Chạp, nên các gia đình cứ cúng khấn bình thường như mọi năm.
Tùy quan niệm mỗi nhà và thu xếp cúng Rằm tháng Chạp. Có nhà bắt đầu làm lễ cúng Rằm từ ngày chiều 14 vắt sang ngày 15 âm lịch tháng Chạp. Có nhà cúng từ sáng sớm ngày Rằm. Nói chung cúng Rằm tháng Chạp không quy định thời gian, nhưng không nên cúng quá muộn vào lúc chạng vạng tối, hay cúng quá khuya.
Tùy nhà mà sắm lễ cúng cho phù hợp, có thể cúng chay, cúng mặn... Lễ cúng mặn thường có gà luộc, xôi đỗ/gấc, canh miến, giò hoặc chả, rượu gạo và một vài món mặn khác, nhưng hạn chế dùng tỏi, hoặc một số gia vị có mùi nồng trong chế biến mâm cúng.
Lễ cúng chay tùy tâm. Nhưng cả lễ cúng mặn, cúng chay đều có trầu cau, hương, đăng (nến, đèn dầu), trà nước, hoa tươi, quả đẹp (có thể bày mâm ngũ quả, hoặc tam quả nhưng chọn quả tươi, mã đẹp)...
Biện lễ không cần tốn kém, cầu kỳ và cũng giống như các ngày rằm khác, chỉ cần gia chủ thành tâm, thành ý và trân trọng.
Văn khấn là lời khấn nguyện gửi gắm tâm tư nguyện vọng về sức khỏe, tài lộc, thuận tiện gia chủ thành tâm gửi gắm hy vọng, có thể may mắn và bình an.
Chủ lễ (thường là người lớn tuổi, hoặc trưởng nam, trưởng nữ, người có uy tín, có tiếng nói trong nhà).
Trước khi làm lễ, người chủ lễ phải sạch, gội đầu, quần áo làm sạch, thể hiện trang nghiêm, thành kính với mong muốn phần tâm linh có thể thấu tấm lòng thành kính mà phù hộ cho con cháu. Trong thời gian cúng lễ tuyệt đối không cười đùa, hay cự cãi, tranh luận với nhau.
Tùy theo phong tục địa phương, ngoài các vật phẩm cho mâm cỗ, một số gia đình còn làm sớ cầu an. Việc này được tiến hành tại chùa, gồm 7 lá sớ, mục đích là cầu bình an, may mắn cho các thành viên trong nhà.
Theo quan niệm, người cúng Rằm nên giữ tâm hồn thanh tịnh, sạch sẽ. Người bày mâm cỗ cúng cũng cần gọn gàng, sạch sẽ. Mâm cỗ có thể không cầu kỳ nhưng phải thể hiện sự thành tâm.
Đặc biệt, trong ngày rằm cuối cùng của năm, người ta thương kiêng kỵ vay mượn người khác. Vay mượn trong ngày này có thể tạo thành khoản nợ lớn, ảnh hưởng đến tài lộc trong năm mới.