Liên quan đến vụ bị cáo lao vào dòng xe sau khi tòa tuyên án, ngày 14/1, luật sư Trần Thị Ánh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, hiện các bị cáo vẫn chưa ổn định tâm lý. Trong đó, bị cáo Lâm Hải Long khẳng định rằng thà chết chứ không đi tù oan.
Cũng theo luật sư Ánh, trước đó bà đã nhiều lần yêu cầu gia đình các bị cáo và lực lượng chức năng phải theo dõi sát các bị cáo. Bởi bà nhận thấy các bị cáo rất bức xúc, tâm lý bị kích động sau khi nghe VKS đề nghị y án.
Luật sư Ánh cho rằng: "Tôi nhận thấy cấp sơ thẩm chưa xem xét khách quan sự thật vụ án. Thực tế đêm 14 rạng 15/3/2015 tại địa bàn tỉnh Cà Mau xảy ra 2 vụ án".
Cụ thể, vụ thứ nhất xảy ra tại khu vực Cống Nàng Âm, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước. Bị hại là Đặng Hữu Thời, Trần Văn Tổng, Trần Quốc Đẳng, hiện nay chưa tìm được thủ phạm .
Bị cáo lao vào dòng xe sau khi tòa tuyên án. Clip: CTV
Vụ thứ hai xảy ra tại cổng khu đô thị Hoàng Tâm thuộc địa bàn xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau; bị hại là Nguyễn Quốc Toàn, Lê Hoàng Khen, Hồ Minh Tiến. Và, Đặng Hữu Thời bị cáo buộc chủ mưu cùng các bị cáo Lâm Hải Long, Nguyễn Hoài Nam, Lê Phước Trung gây thương tích đối với Toàn, Tiến, Khen vào lúc 1h15 ngày 15/3/2015.
Theo cáo buộc, Thời bị chém khoảng thời gian 23h30 đến 24h ngày 14/3/2015. Sau đó, Trần Văn Tổng chở Thời về nhà leo rào vào lấy mã tấu, rồi Tổng chở Thời ra cổng khu đô thị Hoàng Tâm. Tại đây, Thời gọi cho Lâm Hải Long và nhờ Phong đến chở Long. Còn Long sau khi được Thời gọi thì gọi điện cho Nguyễn Hoài Nam, Nam rủ Lê Phước Trung. Tất cả tập hợp tại cổng khu đô thị Hoàng Tâm đứng đợi.
Đến khoảng 1h15 ngày 15/3/2015, Thời nhìn thấy anh Toàn, Tiến, Khen từ cầu Lương Thế Trân đi bộ xuống, Thời ra lệnh cho cả nhóm xông qua chém.
Theo luật sư Ánh, điều này mâu thuẫn với hồ sơ ban đầu (do Công an huyện Cái Nước và Công an TP.Cà Mau thu thập); mâu thuẫn với lời khai các bị hại và nhân chứng.
"Hồ sơ cho thấy thực tế là Thời bị chém khoảng 1h đến 1h15 ngày 15/3/2015. Sau khi bị chém, Thời ghé nhà chị Thoa gọi nhờ điện thoại cho công an và vợ. Còn Toàn bị chém, nằm gục lúc 1h30. Như vậy, cùng một khoảng thời gian mà Thời vừa bị chém vừa đi rủ bạn chém trả thù là không hợp lý" - luật sư Ánh phân tích.
Cũng theo luật sư này, các lời khai trên được Công an TP.Cà Mau ghi lại trong lúc Đặng Hữu Thời bị tạm giữ nên hoàn toàn không có sự thông cung. Cả 6 người gồm Trần Văn Tổng, Trần Kim Thoa, Nguyễn Tấn Phong, Trần Quốc Đẳng, Huỳnh Kiều Diễm, Tào Mỹ Hạnh đều có lời khai tương tự lời khai của Thời.
Đặc biệt, tại bút lục 1557 do Công an TP.Cà Mau ghi ngày 9/12/2016, anh Nguyễn Thành Tú khai: "Thông thường tôi thức trước 1h, nhưng vào đêm 14/3 rạng sáng 15/3/2015 tôi ngủ quên nên thức giấc lúc khoảng 1h15. Lúc này tôi nghe tiếng xe từ hướng cầu Lương Thế Trân chạy đến đánh tới tấp 3 thanh niên… Tôi xác định được thời gian 3 thanh niên bị đánh lúc 1h15 là do tôi thức giấc đi làm có xem đồng hồ trên điện thoại…".
"Nhiều nhân chứng xác nhận sau khi bị chém, Thời được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Và nhiều nhân chứng xác nhận Thời bị chém lúc 1h - 1h15 rạng sáng 15/3/2015. Rõ ràng Thời không thể gây thương tích cho anh Toàn, Tiến, Khen vào thời gian 1h15 như tòa nhận định" - luật sư Ánh phân tích.
Theo luật sư Ánh, vấn đề đặt ra là tại sao tòa lại bác bỏ toàn bộ hồ sơ điều tra ban đầu của Công an huyện Cái Nước mà chỉ căn cứ vào những lời khai anh Đẳng, anh Khánh, chị Phụng, chị Thoa sau giai đoạn điều tra lại để làm căn cứ xác định thời gian Thời bị chém.
Như Dân Việt đã thông tin, chiều 13/1, sau hơn 1 ngày xét xử phúc thẩm vụ án "chém người trong đêm", TAND tỉnh Cà Mau đã tuyên y án sơ thẩm, không chấp nhận kháng cáo kêu oan của cả 4 bị cáo.
Cụ thể, 4 bị cáo cùng bị tuyên phạm tội Cố ý gây thương tích. Tòa tuyên án các bị cáo: Đặng Hữu Thời (7 năm 6 tháng tù giam); Nguyễn Hoài Nam (6 năm 6 tháng tù); Lê Phước Trung (5 năm 6 tháng tù) và Lâm Hải Long (4 năm tù).
Ngay sau khi tuyên án, các bị cáo đều cho rằng mình bị oan.
Khi ra khỏi cổng tòa án, bị cáo Lâm Hải Long đã lao vào dòng xe đang chạy trên đường Phan Ngọc Hiển (phường 5, TP.Cà Mau). Long đã ngã xuống đường, ngất xỉu và sau đó được người nhà đưa đi cấp cứu.