Vụ kiện được đưa ra xét xử hôm 12/1. Do có nhiều nội dung nên kéo dài thời gian nghị án.
Theo nội dung vụ kiện, ngày 17/10/2013, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk Nguyễn Sỹ Kỷ ký quyết định về việc hợp đồng lao động (HĐLĐ) đối với anh Nguyễn Ánh Dương (SN 1986), bố trí giảng dạy tại Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai; kinh phí được chi trả từ nguồn ngân sách Nhà nước giao trong chỉ tiêu biên chế.
Trên cơ sở này, đầu tháng 11/2013, người đại diện theo pháp luật của Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai là ông Nguyễn Khắc Thành đã ký HĐLĐ với anh Dương. Nhưng đến đầu năm 2017, nhà trường bất ngờ không phân công anh Dương đứng lớp, không trả lương, cũng không cho nghỉ việc.
Ngoài anh Dương còn có 4 người khác là anh Nguyễn Tuấn Anh (SN 1988), chị Trịnh Thị Bích Hạnh (SN 1989), chị Hdim Niê K’dăm (SN 1990) và anh Lương Văn Chinh (SN 1986) cũng được đại diện Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai ký hợp đồng giảng dạy. Sau đó, cũng bị tình trạng tương tự như anh Dương.
5 giáo viên này đã khởi kiện yêu cầu Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai và UBND huyện Krông Pắk liên đới bồi thường tổng cộng hơn 1,5 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, HĐXX đã chấp nhận một phần đơn khởi kiện của các giáo viên, tuyên buộc UBND huyện Krông Pắk và Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai liên đới chi trả cho anh Dương hơn 317 triệu đồng; anh Tuấn Anh, chị Hạnh và chị Hdim Niê K’dăm mỗi người gần 239 triệu đồng; anh Lương Văn Chinh gần 220 triệu đồng.
Các khoản tiền mà HĐXX tuyên buộc phải chi trả trên bao gồm tiền lương chi trả trong khoảng thời gian không được bố trí giảng dạy, tiền bảo hiểm xã hội, không báo trước việc chấm dứt hợp đồng lao động trước 45 ngày…
Ngoài ra, HĐXX tuyên buộc phía bị đơn phải đóng bảo hiểm xã hội cho 5 người kể từ khi chấm dứt HĐLĐ đến ngày mở phiên tòa sơ thẩm (12/1).
Trước đó, như Dân Việt đã phản ánh, từ năm 2011 đến năm 2020, lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk qua các thời kỳ đã ồ ạt chỉ đạo ký hợp đồng với hàng trăm giáo viên, dẫn đến dư thừa gần 600 giáo viên. Những giáo viên thừa này sau đó đã bị chấm dứt hợp đồng.